Từng có kế hoạch loại bỏ Erich Honecker trước khi phá bức tường Berlin?

Thứ Ba, 17/11/2009, 22:40
Dựa trên những văn bản của Kremlin và hồi ký của những người đương thời, các nhà báo Dirk Banse và Manfred Quiring đã viết bài đăng trên hai tờ báo Đức Die Welt và Berliner Morgenpost, ra ngày 13/8 vừa qua, trong đó khẳng định rằng năm 1987, nghĩa là 2 năm trước khi phá bức tường ngăn cách giữa Đông và Tây Berlin, Mikhail Gorbachev đã có kế hoạch loại bỏ Erich Honecker và trao chính quyền vào tay những người cải cách.

Thế nhưng kế hoạch ở Đức đã không thành công, mà lại diễn ra quá trình thống nhất nước Đức.

Các nhà báo Dirk Banse và Manfred Quiring cho rằng, Erich Honecker - một nhà Stalinit chính thống, đã gây cho Mikhail Gorbachev nhiều trở ngại trong công cuộc cải tổ. Ngay từ cuộc họp Bộ Chính trị Đảng Cộng sản (ĐCS) Liên Xô, tháng 1/1987, Tổng bí thư Gorbachev đã tuyên bố rằng về phương diện chính trị Honecker đang ngày càng xa dần sự lãnh đạo của Liên Xô. Thế nhưng, nhìn một cách tổng thể, Honecker đã không có ý định nghe theo Gorbachev tiến hành cải tổ ở CHDC Đức, bởi thế trong Ban lãnh đạo Liên Xô đã nảy ra ý định gạt bỏ Honecker khỏi chính quyền.

Đảm nhiệm vai trò chính trong vụ này là Thượng tướng An ninh quốc gia Markus Wolf, cựu Giám đốc Tình báo Đối ngoại CHDC Đức. Wolf được Moskva tin tưởng đặc biệt, bởi ông ta có “một nửa là Nga”, từ năm 1934 đến 1945 khi còn là một thiếu niên đã sống ở Liên Xô. Cha mẹ Wolf đã được cứu thoát khỏi Đức Quốc xã và chạy sang Liên Xô. Sau 30 năm lãnh đạo Cơ quan Tình báo Đức, năm 1986 M.Wolf bất ngờ bị cách chức.

Một số người cho rằng M.Wolf bị thất sủng. Một số khác thì cho rằng, sau một loạt thất bại của các điệp viên ở phương Tây nên ông bị cách chức. Cũng có những người giải thích, ông phải nghỉ việc vì lý do sức khỏe. Nhưng, ông Guenter Schabowski, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng XHCN Thống nhất Đức, Bí thư thứ nhất Thành ủy Đông Berlin thì khẳng định  M.Wolf bị cách chức là vì đã nhúng tay chuẩn bị lật đổ Honecker.

Trong cuốn sách “Wi haben fast alles falsch gemacht: Die letzen Tage der DDR” (Hầu như tất cả chúng tôi đã sai: Những ngày cuối cùng của CHDC Đức), G.Schabowski khẳng định, vào đầu năm 1987, Gorbachev đã phái sang CHDC Đức một người rất thân tín của mình - tướng Vladimir Kryuchkov, khi đó là Phó chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB), Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại.

Trên danh nghĩa, V.Kryuchkov đến CHDC Đức để nghỉ ngơi. Nhưng G.Schabowski khẳng định mục đích thật sự của chuyến thăm đó là để tổ chức chiến dịch loại bỏ E.Honecker. Trong thời gian ở thăm CHCD Đức, V.Kryuchkov không đề nghị một ai khác, mà chỉ có M.Wolf đi cùng.

Tháng 2/1987, tại Dresden đã diễn ra cuộc gặp bí mật giữa V.Kryuchkov và M.Wolf với Hans Modrow, một người bạn thân của M.Wolf, là Bí thư thứ nhất Thành ủy Đảng XHCN Thống nhất Đức ở Dresden. Khi ấy, H.Modrow được coi là một “nhà cải cách trong hệ thống XHCN”, công khai bày tỏ thiện cảm với Gorbachev, nhiệt tình ủng hộ chính sách công khai hóa và cải tổ của Liên Xô và là người có thể thay thế E.Honecker.

Mikhail Gorbachev (bên trái) và Erich Honecker (ảnh lưu trữ của AFP)

M.Wolf được trao nhiệm vụ nặng nề và phức tạp nhất: Ông phải trở thành người tổ chức chính và là khâu then chốt liên kết giữa các nhà cải cách, quân đội và các cơ quan đặc biệt ở CHDC Đức. Thị trưởng Dresden, ông Wolfgang Berghofe sẽ trở thành nhân vật thứ ba tiến hành chính sách công khai hóa và cải tổ ở Đức.

Ông Hans Georg Wieck, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại CHLB Đức, làm Đại sứ của CHLB Đức ở Liên Xô trong thời gian 1977-1980, biết rất rõ tình hình nội bộ ĐCS Liên Xô cũng khẳng định rằng, từ giữa những năm 80 thế kỷ trước, Gorbachev rất tích cực tìm kiếm người thay thế E.Honecker.

Còn bản thân M.Gorbachev thì sao, ông ta đã thông qua thư ký báo chí của mình là Karen Karagesian gửi một thông điệp tới báo Berliner Morgenpost nói rằng ông “không nhớ có cử V.Kryuchkov đến gặp H.Modrow, hay không”.

Theo lời giải thích của K.Karagesian, Gorbachev không thể nhớ về chuyến đi thăm này: Về tất cả những chuyến đi của V.Kryuchkov, chỉ đến cuối năm người ta mới báo cáo với ông. Và cũng mãi tới năm 1988, V.Kryuchkov mới trở thành người đứng đầu KGB. Còn H.Modrow, hiện nay là Chủ tịch “Hội đồng các đảng viên lão thành” đảng Die Linke (cánh tả) thì khẳng định vào ngày 4/3/1987, ông có gặp V.Kryuchkov ở Dresden, vị khách Nga muốn biết quan điểm của H.Modrow về tình hình ở CHDC Đức. Nhưng, theo lời ông H.Modrow, hoàn toàn không có ai nói gì tới việc loại bỏ E.Honecker khỏi chính quyền.

Tuy nhiên, mọi cố gắng của những người muốn loại bỏ Honecker, trong công cuộc công khai hóa và cải tổ của Liên Xô và CHDC Đức đều không thành công. Nhưng 2 năm sau, vào năm 1989, trên thực tế đã diễn ra những gì mà cả Gorbachev, Wolf và Modrow mong muốn. Ngày 19/10/1989, sau những cuộc míttinh, tuần hành phản đối rầm rộ của nhân dân CHDC Đức,  ông E.Honecker đã xin từ mọi chức vụ “theo nguyện vọng cá nhân”, các nhà cải cách lên cầm quyền.

Ngày 13/11/1989, Hans Modrow được bầu làm Thủ tướng CHDC Đức. Cờ đến tay, nhưng ông ta đã không thể phất cao, để cho diễn biến tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát. H.Modrow trở thành vị thủ tướng cuối cùng và ngày 3/10/1990 đã chấm dứt sự tồn tại của Nhà nước CHDC Đức

Ngô Gia Sơn (tổng hợp)
.
.