Vai trò của Anh trong chương trình hạt nhân tại Israel

Thứ Bảy, 11/02/2006, 07:58

Một số tài liệu nằm trong kho lưu trữ tại Kew mới được phát hiện đã cho thấy vai trò thực sự của nước Anh, 47 năm trước từng đánh lừa Mỹ để cung cấp cho Israel các phương tiện phát triển vũ khí hạt nhân.

Các bản tài liệu chính của Cục Năng lượng hạt nhân Anh liên quan đến đề tài này cho tới giờ vẫn được bảo mật. Tuy nhiên, nhà sản xuất chương trình Newsnight của BBC là Meirion Jones nói rằng, ông đã tìm thấy bản sao của chúng trong kho lưu trữ mới được giải mật của Bộ Ngoại giao. Hồi năm 1998, Viện sĩ Israel là Avner Cohen từng nhắc tới “dấu vết” của người Anh trong chuyện này, tuy nhiên vai trò thực sự của họ vẫn còn là một ẩn số đối với các nhà sử học.

Các tài liệu không nói rõ, Chính phủ Harold Macmillan đã quyết định “qua mặt” Tổng thống Mỹ Eisenhower ở mức độ nào, khi cho phép đưa lên những con tàu của Israel tới 20 tấn nước nặng, một yếu tố chính giúp Israel có thể khởi động lò phản ứng tại Dimona. Theo đánh giá ban đầu, đây chỉ là một trò “tiếc của” thông thường của phía Anh.

Trong khuôn khổ chương trình hạt nhân của chính nước này, Anh đã chi tới 1,5 triệu bảng để mua nước nặng từ Na Uy. Nhưng sau đó, họ lại thiên về phát triển một công nghệ khác có sử dụng graphite là yếu tố điều tiết các phản ứng hạt nhân. Trong khi phía Na Uy từ chối việc hủy bỏ hợp đồng cung cấp nước nặng. Thế là, những quan chức quản lý ngân sách của chính phủ Anh bắt đầu nghĩ cách để thu lại số tiền đã bỏ ra.

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, đạo luật về việc bảo vệ bí mật quốc gia đã khiến các quan chức không phải quá lo ngại khi phải trả lời về việc họ đã làm trước Quốc hội hay công luận. Vụ bán nước nặng cho Israel cũng không phải là một ngoại lệ. Vào thời điểm đó, vũ khí hạt nhân mới chỉ có tại Mỹ, Nga và Anh, trước khi họ thu nhận thêm một thành viên mới là Pháp.

Năm 1958, khi những chiếc xe ủi đầu tiên của Israel bắt đầu dọn mặt bằng tại khu vực sa mạc Negev, một nhóm chuyên gia bí mật của Pháp đã có mặt để giúp xây dựng lò phản ứng. Về sau, phía Pháp phân bua rằng, họ chỉ cho đây là một lò phản ứng nhỏ phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Pháp còn cung cấp cho Israel một lượng nhỏ (khoảng 4 tấn) nước nặng. Tất nhiên là người Do Thái cần một lượng lớn hơn nhiều để khởi động lò phản ứng có thể sản xuất ra plutonium dùng để chế tạo bom.

Lò phản ứng hạt nhân của Israel tại Dimona.

Theo Alan Brooke-Turner phụ trách về lĩnh vực giải giáp vũ khí, vào tháng 6/1959 và tháng 6/1960, hai chuyến hàng nước nặng đầu tiên đã được chuyển lên các tàu của Israel từ một cảng của Anh, trước khi được đưa tới Dimona. Nhưng Israel đã không nhận được từ phía Anh khoảng 5 tấn nước nặng sau cùng, do họ phải đương đầu với một vụ bê bối quốc tế.

Một máy bay do thám U2 của Mỹ đã chụp được những bức ảnh đáng ngờ tại vùng sa mạc Negev. Tình báo Mỹ bắt đầu nảy sinh nghi ngờ, khiến viên đại sứ Israel được triệu tập để hỏi cho ra nhẽ. Tháng 12/1960, trên tờ báo Anh Daily Express xuất hiện một bài báo của Chapman Pincher, trong đó khẳng định Israel đang nỗ lực sản xuất bom nguyên tử.

Tháng 3 năm sau, Cơ quan Năng lượng nguyên tử (IAEA) thông báo với người Na Uy rằng, Israel có thể sẽ không nhận được 5 tấn nước nặng còn lại, cho dù vụ giao dịch trên là “khá hấp dẫn”.

Sau đó, Thủ tướng Israel là David Ben-Gurion đã tới thăm chính thức London, nhưng người Anh vẫn giữ quan điểm không thay đổi về vấn đề này. Thủ tướng Harold Macmillan đã viết trong một bức thư nội bộ: “Ban ngày, tôi đã gặp gỡ với Ben-Gurion và bày tỏ sự lo ngại về lò phản ứng của Israel tại Negev. Ben-Gurion giải thích là nơi đây đang đào tạo nhân lực cho một chương trình năng lượng của tương lai, sẽ được triển khai trong vòng 10 - 15 năm nữa, nhằm sản xuất loại năng lượng rẻ tiền đẩy lùi nước biển và tưới tiêu cho vùng sa mạc. Tôi đã hỏi Ben-Gurion là, liệu ông ta có chấp thuận tiếp đón các thanh tra viên quốc tế. Nhưng ông ta đã từ chối với lý do trong đoàn có thể có cả người Nga hay người Arập”. Mối lo ngại của người Anh khi đó đã quá muộn mằn. Hiện nay, theo ước tính, Israel đang sở hữu ít nhất khoảng 130 tên lửa có đầu đạn hạt nhân

Hồng Sơn (theo The Guardian)
.
.