Vai trò của Giám đốc MI-6 trong vụ hồ sơ giả về Iraq

Thứ Năm, 14/07/2011, 15:05

Một số tài liệu mật vừa được Ủy ban Điều tra sự thật về Iraq (Ủy ban Chilcot) của Anh vừa công bố đã tiết lộ thêm sự thật về những người từng tham gia làm giả hồ sơ vũ khí giết người hàng loạt (WMD) của Iraq, trong đó đặc biệt đáng chú ý là vai trò của Sir John Scarlett - Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại (MI-6) của Anh.

Theo tờ The Observer của Anh hôm 26/6/2011, vai trò của Sir John Scarlett trong quá trình soạn thảo hồ sơ Iraq là "che giấu sự thật về vũ khí WMD của Iraq" nhằm mục đích tạo dư luận có lợi cho việc nước Anh đưa quân tham chiến tại Iraq.

Việc soạn thảo hồ sơ Iraq của Chính phủ Anh đã bắt đầu từ đầu năm 2002, tức hơn một năm trước khi Mỹ đưa quân tấn công Iraq. Khoảng tháng 3/2002, bản thảo thứ nhất của bộ hồ sơ WMD Iraq của Chính phủ Anh đã được soạn thảo. Bản thảo thứ nhất này chứa đựng những thông tin về chương trình vũ khí WMD của 4 nước là Iraq, Iran, Libya và CHDCND Triều Tiên. Mục đích cuối cùng của bộ hồ sơ này là tạo cớ để Mỹ tấn công quân sự Iraq.

Ban đầu, công việc soạn thảo bộ hồ sơ được giao cho các bộ trưởng trong nội các của Thủ tướng Tony Blair phụ trách, với thông tin được cung cấp bởi Ủy ban Tình báo liên hợp (JIC). Theo tính toán của các nhà hoạch định chiến lược Anh, việc soạn thảo bộ hồ sơ về Iraq phải lấy thông tin từ JIC mới có độ tin cậy và tính thuyết phục cao.

Tuy nhiên, việc tập hợp thông tin, dữ liệu về WMD của Iraq mà bao hàm cả 4 quốc gia đã làm loãng độ tập trung cho mục tiêu Iraq. Hơn nữa, những thông tin ban đầu do JIC cung cấp còn quá khách quan, không thể phục vụ mục đích tạo dựng nên hình ảnh về "mối đe dọa lớn từ Iraq" được. Trong các công văn trao đổi giữa ông Scarlett với các bộ trưởng nội các Anh, có những nội dung đề cập đến việc làm thế nào để gia tăng mức độ tác động lên dư luận về "mối đe dọa từ kho vũ khí của Iraq".

Chẳng hạn, một công văn của Sir John Scarlett - khi đó là Chủ tịch JIC - gửi cho Sir David Manning, Trưởng cố vấn đối ngoại của Thủ tướng Blair, vào tháng 3/2002, chứa nội dung yêu cầu Sir Manning tham vấn ban soạn thảo hồ sơ Iraq ém bớt thông tin thực tế rằng kho vũ khí WMD của Iraq không đến mức nghiêm trọng như mọi người được biết.

Sir Scarlett phân tích cái lợi của việc ém thông tin này là khiến cho dư luận "lo sợ" về kho vũ khí WMD của Iraq, từ đó ủng hộ quyết định tham chiến của Thủ tướng Blair. Những điều tiết lộ này hoàn toàn phù hợp với lời khai của nhân chứng Michael Laurie, một cựu quan chức tình báo, trước Ủy ban Chilcot rằng, việc biên soạn hồ sơ là nhằm mục đích tạo cơ sở cho việc tham chiến tại Iraq và việc làm sai lệch thông tin tình báo cũng nhằm phục vụ mục đích này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Jack Straw cũng lên tiếng góp ý kiến cho rằng, hồ sơ phải nêu rõ lý do "vì sao có mối đe dọa lớn từ Iraq." Ông Straw cho rằng bộ hồ sơ tháng 3/2002 chưa thể hiện được điều này, vì vậy cần phải có sự điều chỉnh. Sir Scarlett cho rằng, bộ hồ sơ sẽ có tính thuyết phục cao hơn nếu chỉ tập trung vào mỗi Iraq.

Đồng thời, nếu những thông tin khách quan, như báo cáo ghi rằng "kho vũ khí Iraq không đến nỗi đáng sợ" xuất hiện trong hồ sơ thì khi tung ra công chúng sẽ làm giảm sự ủng hộ cho cuộc chiến. Mặt khác, chính phủ của Thủ tướng Anh cũng nhận thấy rằng nếu giao luôn việc soạn thảo bộ hồ sơ Iraq cho JIC thì mức độ thuyết phục càng cao hơn.

Vậy là tháng 9/2002, Sir Scarlett được giao phụ trách việc biên soạn lại bộ hồ sơ Iraq mới. Sir Scarlett đã tập hợp các chuyên gia hàng đầu trong ủy ban của mình để thực hiện nhiệm vụ này. Và bộ hồ sơ mới này còn có tên gọi là "Hồ sơ tháng 9", được ông Alastair Campbell công bố ngày 3/2/2003, tạo nên cái cớ thuyết phục để Mỹ triển khai lực lượng tấn công Iraq vào ngày 20/3/2003. Những thông tin từ JIC cũng được cung cấp cho phía Mỹ, được Tổng thống Mỹ George W.

Bush đưa vào đọc trong Thông điệp liên bang ngày 28/1/2003, trong đó có một câu rất nổi tiếng là: "Chính phủ Anh vừa biết được rằng Saddam Hussein gần đây đã tìm mua một số lượng uranium từ châu Phi".

Vụ tai tiếng hồ sơ giả mạo về WMD Iraq đã từng gây nên cơn bão chính trị ở cả Anh và Mỹ. Nó khiến cho hàng loạt bộ trưởng và quan chức cấp bộ trong Chính phủ Anh mất chức. Nó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sa sút chính trị của ông Blair, khiến ông phải từ chức Thủ tướng Anh vào tháng 6/2007.

Ngay sau khi vụ hồ sơ Iraq bị phanh phui, ngày 3/2/2004, Chính phủ Anh cho mở cuộc điều tra toàn diện về những thông tin tình báo liên quan đến hồ sơ Iraq. Sau 5 tháng điều tra, ngày 14/7/2004, Ủy ban Điều tra 5 thành viên do Lord Butler của vùng Brockwell - một công chức chính phủ lâu năm - chủ trì đã đưa ra kết luận tất cả những thông tin tình báo liên quan hồ sơ Iraq đều "không đáng tin cậy" do MI-6 quá chủ quan và phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn thông tin không đảm bảo, quá tin tưởng vào thành phần Iraq lưu vong nên không có cơ sở chắc chắn để kiểm chứng thông tin, từ đó dẫn đến những thông tin sai lệch một phần hoặc hoàn toàn.

Sau báo cáo của Ủy ban Butler, dưới sức ép ngày càng tăng của dư luận trong nước, tháng 6/2009, Thủ tướng Anh Gordon Brown tiếp tục cho thành lập một ủy ban tuyển chọn để điều tra toàn diện việc nước Anh tham chiến tại Iraq. Ủy ban điều tra mới này do Sir John Chilcot - một quan chức ngoại giao Chính phủ Anh - chủ trì. Phiên thẩm vấn cuối cùng của Ủy ban Chilcot đối với các nhân chứng đã kết thúc vào ngày 2/2/2011, xem như cuộc điều tra đã kết thúc. Toàn bộ những sự thật liên quan việc nước Anh tham chiến tại Iraq sẽ được công bố trong thời gian sắp tới

Quốc Vương (theo The Observer)
.
.