Vai trò của Mỹ trong cuộc đảo chính tại Brazil năm 1964

Thứ Năm, 19/02/2009, 20:25
Những hồ sơ, tài liệu được công bố bởi Cục Lưu trữ quốc gia Mỹ cho biết chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Lyndon Johnson đã đứng sau cuộc đảo chính quân sự tại Brazil tháng 3/1964.

Ngày 25/8/1961, khi Tổng thống Janio Quadros bị phế truất bởi Quốc hội thì Phó tổng thống Joao Goulart đang có chuyến công du đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Quốc hội Brazil tại một cuộc họp toàn thể vào ngày 28/8/1961, đã biểu quyết bầu Phó tổng thống Goulart làm Tổng thống Brazil mặc cho phản ứng của giới quân sự khi cho rằng Goulart là một nhân vật cánh tả có tư tưởng dân chủ xã hội, từng chủ trương tước bớt quyền lực của giới quân sự, phát triển quan hệ với các quốc gia XHCN.

Chỉ 6 tháng sau khi lên làm tổng thống, Goulart đã thay đổi hàng loạt chính sách, chỉ cộng tác hạn chế với Quốc hội và tước bớt quyền lực của giới quân sự bằng nhiều sắc lệnh. Hơn thế nữa, Tổng thống (TT) Goulart còn đưa Brazil gia nhập Phong trào không liên kết, chỉ trích Mỹ về âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ ở Cuba, bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Liên Xô, Trung Quốc và các quốc gia XHCN khác.

Năm 1963, TT Goulart đã mời nhà cách mạng Che Guevara đến Brazil để trao tặng Huân chương Brazilia cao quý. Đầu năm 1964, TT Goulart còn mạnh miệng tuyên bố sẽ tiến hành quốc hữu hóa các ngành khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản ở Brazil vốn nằm phần lớn trong tay giới tư bản nước ngoài mà nhiều nhất là tư bản Mỹ.

Những hành động của TT Goulart đã khiến chính quyền Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây bất bình. Vì vậy một âm mưu đảo chính quân sự nhằm lật đổ TT Goulart đã được bí mật hình thành sau khi tướng Humberto Castello Branco, Tổng tư lệnh quân đội Brazil, có chuyến công du đến Mỹ vào tháng 2/1964. Mở màn cho cuộc đảo chính là cuộc  nổi loạn của binh lính hải quân tại thành phố Rio de Janeiro.

Tổng thống Brazil Joao Goulart - Tướng Castello Branco và Lincoln Gordon, Đại sứ Mỹ tại Brazil.

Ngày 25/3/1964, 2.000 lính hải quân đã chiếm đóng trụ sở Hội đồng thành phố Rio de Janeiro và đưa ra yêu sách buộc Bộ trưởng Hải quân Silvio Mota, một người thân tín của TT Goulart, từ chức do không cải thiện đời sống của binh lính hải quân. Cảnh sát quân đội được điều động trấn áp cuộc nổi loạn không những không thi hành lệnh mà còn quay sang tham gia cuộc nổi loạn.

Chỉ cho đến khi TT Goulart quyết định cách chức Bộ trưởng Mota thì cuộc nổi loạn mới chấm dứt. Cho rằng tình hình đã được khôi phục, TT Goulart quyết định tiến hành chuyến công cán đến các bang miền Nam Brazil vào ngày 30/3/1964 mà không hề biết đây là thời cơ để giới quân sự làm binh biến.

Sáng ngày 31/3/1964, tướng Branco ra lời hiệu triệu trên Đài Phát thanh quốc gia về việc tăng cường chống chế độ Cộng sản. Đến tối cùng ngày, quân đội đã làm chủ hoàn toàn thủ đô Brazilia và nhiều thành phố lớn khác và phát đi yêu cầu TT Goulart phải đầu hàng quân đảo chính.

Đến ngày 1/4/1964, TT Goulart, lúc đó đang ở thành phố Porto Allegre, phát đi tuyên bố lên án Mỹ đã hậu thuẫn cho giới quân sự làm đảo chính. Đến ngày 2/4/1964, để tránh nguy cơ bị bắt giữ, TT Goulart cùng gia đình đáp máy bay đến Uruguay xin tị nạn.

Xe tăng của lực lượng đảo chính trên đường phố thành phố Rio de Janeiro vào ngày 31/3/1964.

Sau khi cuộc đảo chính thành công, Brazil lại rơi vào cuộc tranh giành quyền lực giữa Quốc hội và chính phủ để tranh chiếc ghế TT. Đến ngày 11/4/1964, trước áp lực của Mỹ và giới quân sự, Quốc hội Brazil buộc phải bầu tướng Castello làm TT. Từ đó cho đến năm 1985, đất nước Brazil phải nằm dưới sự điều hành độc tài của giới quân sự.

Sau hơn 3 thập niên, năm 1998, Chính phủ Mỹ quyết định công khai hồ sơ về việc Mỹ liên quan đến cuộc đảo chính tại Brazil. Đại sứ Mỹ tại Brazil vào thời kỳ đó là Lincoln Gordon và chỉ huy chi nhánh Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tại Brazil là Vernon Walters, đã được đích thân TT Lyndon Johnson giao nhiệm vụ  tích cực hỗ trợ cho cuộc đảo chính quân sự tại Brazil. TT Johnson còn bật đèn xanh cho Gordon và Walters toàn quyền áp dụng các biện pháp cần thiết miễn sao là phải lật đổ cho bằng được TT Goulart.

Tổng thống Johnson còn ra lệnh viện trợ khẩn cấp hàng chục triệu USD, hàng trăm tấn đạn dược, xăng dầu cho lực lượng đảo chính. Chỉ trong ngày 30/3/1964, Không quân Mỹ đã mở cầu hàng không để vận chuyển 150 tấn đạn dược các loại từ một căn cứ quân sự ở bang New Jersey của Mỹ đến căn cứ quân sự Viracopos ở bang Campinas của Brazil.

Hải quân Mỹ đã điều động một lực lượng tàu chiến hùng hậu gồm 8 chiếc, trong đó có tàu sân bay USS Forrestal đến trực chiến ngoài khơi vùng biển Brazil nhưng lấy lý do là để tập trận với Hải quân Brazil.

Đất nước Brazil chỉ thoát khỏi sự điều hành độc đoán và khắc nghiệt của giới quân sự vào năm 1985 khi chính trị gia Tancredo Neves, từng làm thủ tướng dưới thời TT Goulart, trở thành tổng thống Brazil trong một cuộc bầu cử dân chủ

Văn Hòa (tổng hợp)
.
.