Vai trò của phương Tây trong vụ bắt cóc con tin tại Beslan

Chủ Nhật, 17/07/2005, 08:04

Trong một cuộc họp báo diễn ra ngay sau khi vụ bắt cóc con tin Beslan (3/9/2004) kết thúc, Tổng thống Nga Vladimir V. Putin đã lên tiếng tố cáo rằng đây là hành động của một thế lực ngoại bang luôn bị ám ảnh bởi “tâm lý chiến tranh lạnh” đang muốn thâu tóm vùng Caucase để cô lập Nga ra khỏi khu vực.

Thế giới đang chứng kiến một cuộc tái cơ cấu chiến lược trên quy mô toàn cầu mà trong đó việc kiểm soát và thống trị cả vùng Kavkaz, Trung Á cùng trữ lượng lớn dầu mỏ tại đây đóng một vai trò quan trọng cho các bên tham gia vào bàn cờ chính trị. Chủ nghĩa khủng bố chắc hẳn không phải là một yếu tố độc lập trong ván cờ này.

Sự leo thang của những hành động khủng bố tại các quốc gia thuộc Liên bang Nga trong thời gian vừa qua mà đỉnh điểm là vụ thảm sát ở Beslan phát sinh trong tình hình nước Nga đang củng cố quyền kiểm soát các nguồn nhiên liệu chiến lược, đồng thời tăng cường quan hệ với các nước châu Âu cũng như châu Á.

Cuộc chiến chống lại các trùm tư bản của Tổng thống V.Putin mà điển hình là vụ bắt giữ Chủ tịch Tập đoàn Dầu lửa Yukos, Mikhail Khodorkovsky đã gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ các nước thù ghét Nga. Trên tờ Krasnaya Zvezda của Bộ Quốc phòng Nga, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu chiến lược ở Moskva giải thích: “Tình hình tại miền Bắc Ossetia cần được xem xét trong tình hình cuộc chiến căng thẳng giành quyền kiểm soát vùng Transcaucasie (3 nước thuộc phía nam vùng Kavkaz là Armenia, Azerbaijan và Gruzia) giữa Nga và các nước Anglo-saxon. Vì muốn loại Nga ra khỏi khu vực này, các nước Anglo-saxon đã tìm mọi cách gây rối khu vực phía bắc Kavkaz và toàn nước Nga”.

Giải thoát con tin tại Beslan.

Chiêu bài gây rối nước Nga bằng cách tạo căng thẳng chính trị bên trong các quốc gia Hồi giáo thuộc Liên bang Nga, các nước vùng Kavkaz và Trung Á là nằm trong kế hoạch vành đai bá quyền của Mỹ - Anh - Australia được xây dựng từ thời Tổng thống Mỹ Carter. Kế hoạch bá quyền của phe tân bảo thủ đa số trong chính quyền Tổng thống Bush cùng đồng minh Anh và Australia thời gian gần đây chẳng qua là bước cập nhật hóa kế hoạch trên.

Trong một bài phỏng vấn đăng trên báo Resea Estratégica (Brazil), một chuyên gia của Washington bình luận về các vụ tấn công khủng bố gần đây tại Nga như sau: “Có thể khẳng định chắc chắn rằng, vụ bắt cóc con tin tại Beslan vừa qua có sự dính líu của những yếu tố từ bên ngoài nhằm 3 mục đích.

Thứ nhất, kích động Nga áp dụng mạnh những hành động tấn công khủng bố cả về mặt quân sự lẫn ngoại giao. Điều này sẽ làm mối quan hệ giữa Nga và Pháp, Đức xấu đi (do hai nước này không đồng ý với cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu do Mỹ khởi xướng), đồng thời cải thiện mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và Israel. Thứ hai, chuẩn bị địa  bàn cho những hành động khủng bố sau này nhằm vào Nga, nếu Moskva vẫn tiếp tục phủ nhận mối nguy hiểm này. Thứ ba, chia rẽ đoàn kết giữa Nga với các nước châu Âu".

Trong khi Lithuania cho phép Kavkaz Center đặt trụ sở trên lãnh thổ của mình. Chính từ đây trùm khủng bố Bassaev (đã được CIA đào tạo) phát đi thông báo nhận trách nhiệm về vụ thảm sát Beslan. Nhưng chính nước này lại thông qua Thủ tướng Hà Lan Bernard Bot khi đó còn trên tư cách là nước chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu để yêu cầu Nga đưa ra lời giải thích tại sao lại để những tên khủng bố giết hại nhiều trẻ em đến vậy.

Lithuania đang muốn chơi trò chơi hai mặt nhằm gây căng thẳng cho Moskva và phá hoại quan hệ Nga - châu Âu. Bên cạnh đó, một số nhóm chính trị gia phương Tây do vẫn còn ám ảnh bởi Chiến tranh lạnh nên cứ muốn làm suy yếu nước Nga.

Họ muốn Tổng thống V.Putin phải hội đàm với Chính phủ Chechnya lưu vong tại London, có nghĩa là phá vỡ liên bang Nga để đổi lấy cái mác “dân chủ” giống như B.Eltsin từng chấp nhận giải tán Liên bang Xôviết để nhận được sự ưu đãi của phương Tây để tư lợi.

Các nước Anglo-saxon đã và đang cố tình can thiệp và làm kéo dài cuộc chiến chống những phần tử khủng bố tại Chechnya, qua đó cáo buộc trách nhiệm cho Nga hòng trục lợi

Q. Hùng (tổng hợp)
.
.