Vai trò của tòa án giám sát tình báo nước ngoài

Thứ Sáu, 22/08/2008, 09:00
Trong suốt 6 năm, chính quyền Tổng thống George W. Bush đã bí mật ra lệnh cho các công ty viễn thông như AT&T hay Verizon Communications cài đặt các thiết bị giám sát, nghe lén điện thoại và các kết nối thông tin từ bên ngoài vào Mỹ mà không hề có sự cho phép của Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài (FISC). Vậy đâu là vai trò của FISC và tại sao cơ quan này lại để cho chính phủ qua mặt sau tiết lộ của báo New York Times về chương trình nghe lén của chính phủ Bush?

Ngày 9/7 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã thông qua luật chỉnh sửa bổ sung quy định nghe lén của chính phủ nước này. Đây là một quy định vốn gây rất nhiều tranh cãi từ lâu nay giữa một bên là những người bảo vệ quyền tự do và đời sống riêng tư với bên kia là những người cho thấy sự cần thiết của quy định này trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Với 69 phiếu thuận và 28 phiếu chống, việc thông qua lần này đã chấm dứt chuỗi những tranh cãi giữa Hạ viện Mỹ - cơ quan đã phê chuẩn đề nghị trên của chính phủ Bush tháng 6 vừa qua - với Thượng viện, giữa những người thuộc đảng Dân chủ với đảng Cộng hòa và giữa Quốc hội và Nhà Trắng về chương trình nghe lén do Tổng thống George W. Bush khởi xướng sau sự kiện 11/9/2001 nhưng không hề có sự cho phép của cơ quan tư pháp.

Chính quyền Bush cho rằng, luật chỉnh sửa bổ sung được Hạ viện thông qua phải miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho tất cả các công ty từng giúp nhà nước đặt các thiết bị nghe lén người dân Mỹ sau ngày 11/9, trong khuôn khổ của cuộc chiến chống khủng bố. Nhà Trắng đe dọa sẽ dùng quyền phủ quyết của mình đối với bộ luật mới này nếu nó không trao quyền miễn nhiệm tư pháp cho những công ty như AT&T hay Verizon Communications.

Luật mới đã được chỉnh sửa và bổ sung vừa được Thượng viện Mỹ thông qua quy định cả về những quy định mới về nghe lén do chính phủ tiến hành. Một số điều quy định trong luật mới này còn hạn chế cả những hoạt động theo dõi và giám sát của chính quyền Bush. Theo đó, chính phủ phải được sự cho phép của FISC mới được bí mật theo dõi một người Mỹ ở nước ngoài.

Hiện nay, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ cũng có quyền ký một lệnh cho phép CIA hoặc FBI nghe lén điện thoại đối với một công dân Mỹ. Tuy nhiên, mặc dù có lệnh của Bộ trưởng Tư pháp nhưng chính phủ vẫn phải xin giấy phép có giá trị một năm của FISC khi tiến hành theo dõi các công dân hay tổ chức Mỹ ở nước ngoài.

Theo luật về giám sát tình báo nước ngoài, chính phủ phải được sự cho phép của cơ quan tư pháp thì mới được tiến hành nghe lén đối với một công dân Mỹ. Luật mới chỉ cho phép chính phủ thời gian một tuần để nghe lén một số đối tượng nào đó trong trường hợp khẩn cấp mà không cần sự cho phép nào. Tuy nhiên, sau đó phải khai báo với FISC và được sự chấp thuận mới được tiếp tục công việc.

FISC ra đời cách đây 30 năm với mục đích chính là ngăn chặn trường hợp chính phủ lạm dụng quyền lực để tiến hành những hoạt động theo dõi tình báo vì mục đích chính trị. Thông thường FISC sẽ chuẩn thuận mọi yêu cầu của chính phủ trong việc lắp đặt các thiết bị theo dõi tình báo tại Mỹ để thu thập những thông tin, bao gồm cả thư điện tử quốc tế được lưu trữ tại các máy chủ tại Mỹ.

Chính xác hơn thì FISC là một tòa án liên bang hoạt động rộng khắp trên 50 bang. Ngoài nhiệm vụ trên, FISC còn có nhiệm vụ khác là giám sát các nhân viên tình báo nước ngoài được cài vào hoạt động trong lãnh thổ Mỹ thông qua sự giám sát của lực lượng cảnh sát liên bang (FBI) và theo đề xuất của Ủy ban Nghiên cứu hoạt động tình báo chính phủ.

FISC hoạt động giống như một bồi thẩm đoàn. Rất hiếm khi FISC từ chối những đề nghị của CIA hay FBI trong việc giám sát các điệp viên nước ngoài. 24 năm sau khi thành lập, đến năm 2002 cơ quan này mới đưa ra lần phủ quyết đầu tiên.

Tính đến cuối năm 2004, đã có 18.761 trát của FISC được đưa ra nhưng chỉ có 5 trát trong đó bác yêu cầu của CIA (đều xảy ra vào năm 2003 và đều được chính phủ tái đệ trình để xem xét lại). Đặc biệt trong năm 2003-2004, đã có gần 200 yêu cầu phải được điều chỉnh trước khi được FISC chuẩn thuận.

Sau vụ bê bối được tờ New York Times phanh phui vào ngày 16/12/2005, FISC cự tuyệt khi Bộ trưởng Tư pháp John Ashcroft ra nghị định viện dẫn rằng FBI và nhân viên Bộ Tư pháp đã cung cấp “thông tin sai nghiêm trọng cho tòa án trong số hơn 75 trát yêu cầu lắp thiết bị nghe trộm. Cá biệt có một trát được chính giám đốc FBI là Louis J. Freeh ký”.

Đây là trường hợp cá biệt tòa FISC bị lên án và những năm sau này, FISC bắt đầu ra những yêu cầu quyết liệt đối với chính phủ và các cơ quan tình báo. Ngày 20/12/2005, thẩm phán James Robertson tái đắc cử quan tòa FISC.

Với bản chất công việc nhạy cảm, FISC là tòa án bí mật. Công chúng không mấy khi được biết đến hoạt động của cơ quan này. Chỉ có Bộ trưởng Tư pháp được quyền xuất hiện trước FISC. Ít nhất một thẩm phán phải giữ liên lạc 24/24 để thu nhận mọi tin tức mật và quyết định ra trát hay không.

Ngay từ khi mới được thành lập, FISC có 7 thẩm phán liên bang do thẩm phán tối cao quốc gia chỉ định. Mỗi người hoạt động nhiệm kì 7 năm. Mỗi năm, một thẩm phán được chỉ định lên vị trí lãnh đạo. Vào năm 2001, Luật ái quốc của Mỹ mở rộng tòa này từ 7 lên 11 thẩm phán và quy định không thẩm phán nào được tái đắc cử lần hai

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.