Về những chuyến bay tuyệt mật của FBI

Thứ Ba, 31/10/2006, 08:00

Từ lâu Mỹ đã dùng máy bay để vận chuyển tù nhân từ nhà tù này sang nhà tù khác. Những “nhà tù bay” này được bảo vệ một cách nghiêm ngặt từ khi khởi hành đến lúc hạ cánh bởi lực lượng cảnh sát và các trạm kiểm soát không lưu.

Chiếc máy bay phản lực trông không có gì đặc biệt hạ cánh xuống sân bay quốc tế Miami, chạy đến một góc hẻo lánh sân bay rồi dừng lại. Không lâu sau đó, chiếc máy bay lạ bị vây bọc bởi vài chiếc xe gắn đèn chớp nháy xanh - đỏ và một chiếc xe buýt to kềnh trang bị lưới sắt ở khắp cửa sổ, chạy đến bên cạnh. Mấy chục đàn ông và phụ nữ mặc áo chống đạn, một số cầm súng tiểu liên, cẩn thận tiến đến bên đuôi chiếc máy bay chờ cánh cửa mở ra cùng với chiếc cầu thang dẫn xuống mặt đất. Vài giây sau những “hành khách” mặc đồng phục đầu tiên xuất hiện. Họ trông giống như những người khổ sai, nhếch nhác, lạc lõng. Cả họ lẫn những người đang lăm lăm súng ống trên tay đều không ai nở nụ cười. Những "hành khách" kỳ lạ này đáp xuống vùng Florida đầy nắng không phải để thưởng ngoạn hàng cây cọ, bãi biển hay phụ nữ mặc bikini - họ đang trên đường di chuyển đến các nhà tù liên bang ở Florida bằng chiếc máy bay - nhà tù.

Từ trước đến nay cả thế giới không biết đến sự hiện diện của những chiếc máy bay này bởi vì nó luôn được Mỹ giữ tuyệt mật. Nhưng nhân viên FBI và cảnh sát liên bang khác đều biết nó là “Con Air” - tên gọi một cuốn phim của Hollywood về chiếc máy bay đặc biệt này. Trong phim “Con Air”, với sự góp mặt của ngôi sao Nicholas Cage, tất cả “hành khách” bước xuống chiếc Boeing 727 màu trắng đều là... tù nhân! Nhưng không giống như trong phim, số tù nhân thật sự không thể đào thoát. Họ bước xuống máy bay theo từng nhóm nhỏ 2-3 người và chịu sự kiểm soát gắt gao của đơn vị US Marshals xem họ có mang theo bất cứ thứ gì có thể được sử dụng để chạy trốn hay giết người hay không. Đội Marshals lượn lờ quanh chiếc máy bay, cảnh giác những hành vi tấn công có thể xảy ra để cướp tù. Ít nhất một nhân viên bắn tỉa của US Marshals phục kích trên nóc một tòa nhà gần đó. Chiếc máy bay vừa hạ cánh xuống sân bay quốc tế Miami này nằm trong phi đội nổi tiếng Con Air, nhưng tên gọi chính thức của nó là Hệ thống vận chuyển người ngoại quốc và tù nhân hay JPATS.

Hệ thống vận chuyển này tập hợp các máy bay của US Marshals Service, FBI và Cơ quan nhập cư và nhập tịch Mỹ. 13 máy bay đủ kích cỡ của JPATS (chỉ vận chuyển tù nhân) to hơn nhiều máy bay thông thường khác. Trong suốt nhiều năm, hàng ngàn tù nhân được vận chuyển ở Mỹ tới các nhà tù liên bang bằng phương tiện xe buýt - nhà tù, chiếm thời gian đôi khi nhiều tuần lễ cho một chuyến, qua hàng ngàn dặm đường. Cuối cùng, do yêu cầu an ninh, các tù nhân nguy hiểm được bố trí vận chuyển bằng máy bay với thời lượng chỉ mất vài giờ trong ngày.

Tại sao phải chở họ đi giam nơi khác? Một số tù nhân tiếp tục phạm tội giết người ngay trong nhà tù nên nhà cầm quyền buộc phải đưa chúng đến các nhà tù an ninh nghiêm ngặt hơn. Các tù nhân thuộc đủ loại băng nhóm trong trại giam nên phải tách chúng ra nhiều vùng khác nhau để tránh nguy cơ giết người và bạo loạn. Hơn nữa, một số tù nhân đặc biệt nguy hiểm thỉnh thoảng phải chuyển “nơi cư trú” để ngăn ngừa mọi kế hoạch đào thoát. Và, một số khác nữa phải chuyển đi vì lý do đơn giản là chúng bị xét xử qua nhiều phiên tòa nhưng chưa xong.

“Nhà tù bay” cũng được huy động để trục xuất dân nước ngoài nhập cư bất hợp pháp (160.000 người năm 2005, hơn một nửa số tội phạm) trở về cố hương như Indonesia, Nicaragua, Haiti, Hungary, Mexico, Albania và Trung Quốc. Sau hành trình khắc nghiệt trên "Con Air", tù nhân nhận thức được rằng an ninh Mỹ ghê gớm đến mức nào và họ có thể không dám chạy trốn nữa.

Những chuyến bay chở tù này được lên lịch thường xuyên qua khắp 40 thành phố nước Mỹ. Theo Robert Broadus, người giám sát Lực lượng Marshals của Miami, mỗi tháng có khoảng 15.000 phạm nhân được vận chuyển như thế, và mọi biện pháp an ninh tối đa được vận dụng để đối phó với những mối “nguy hiểm cao”. Ví dụ, tay của tù nhân được còng chặt chẽ trong một cái hộp bằng thép để chúng không thể cử động, còn toàn bộ phần thân người bị xích chặt trên ghế ngồi trong "Con Air". Nhiều năm qua, chính quyền Mỹ bưng bít mọi thông tin về những “nhà tù bay” này, nhưng hiện nay họ đã cấp phép cho một số quan sát viên.

Những chuyến bay của “Con Air” vô vàn gian khổ. Do bị khóa chặt thân người vào ghế trong suốt nhiều giờ bay, nên tù nhân không thể cử động được, ngay cả việc đi vệ sinh cũng rất hạn chế. Trong lịch bay của JPATS ngày nay, khoảng 20 nam nữ tù mặc đồng phục nhà tù liên bang màu nâu sáng. Họ phải rời máy bay thật nhanh để nhường chỗ xuống cho những tù nhân khác. Tất cả đều được khám xét kỹ lưỡng: trong tai và sau dái tai, dưới cánh tay, trong miệng, trên và dưới lưỡi, đằng sau cổ áo, phía trên và phía dưới hai chân. Biển hiệu duy nhất trên máy bay của JPATS chỉ là lá cờ Mỹ.

Hành trình bay xuyên nước Mỹ của những “nhà tù bay” này được giám sát chặt chẽ bởi các Trạm kiểm soát không lưu. Một chiếc máy bay tư nhân nào mạo hiểm bay quá gần "Con Air" sẽ bị phi đội chiến đấu kiểm tra hoặc thậm chí bị bắn rơi. Phi công và phi hành đoàn đều theo dõi đám “hành khách” trong suốt chuyến bay. Đơn vị Marshals không được tiết lộ gì về số phi hành đoàn hay lực lượng vũ trang áp tải, hoặc số lượng tù nhân có mặt trên máy bay vì mục đích an ninh. "Con Air" thả và nhận tù trong thời gian rất ngắn

Trần Thanh Phong (Theo Edit Inter)
.
.