Vera Atkins - nữ điệp viên hàng đầu của Anh

Thứ Sáu, 14/04/2006, 07:28

Điệp viên Vera Atkins đã biến SOE thành một đơn vị tình báo hoạt động hiệu quả trong lòng các quốc gia bị ĐQX tạm chiếm, đến nỗi tướng Dwight Eisenhower, chỉ huy quân Đồng minh vào năm 1944 phải thừa nhận: “SOE có sức mạnh chiến đấu tương đương 20 sư đoàn quân thiện chiến của Đồng minh”.

Đầu tháng 11/1947, tại phiên tòa mở ra tại thành phố Hamburg, Đức, để xét xử 25 sĩ quan và binh lính đơn vị đặc biệt SS của Đức Quốc xã (ĐQX) tham gia giết hại 90.000 tù nhân chính trị tại Trại tập trung Ravensbruck, người ta thấy sự hiện diện của một phụ nữ trẻ, mang quân phục sĩ quan cấp tá của quân đội Anh, lạnh lùng ngồi tại dãy ghế của các công tố viên.

Với giọng nói chắc, đanh, người nữ sĩ quan trẻ đã đưa ra những chứng cứ từ đám lính SS và cả từ khai báo của các tù nhân sống sót, rằng 13 đồng nghiệp và cấp dưới của bà đã bị tra tấn dã man đến chết tại Trại Ravensbruck bởi nhiều bị cáo có mặt tại phiên tòa. Các nhà báo bị cấm chụp hình người nữ sĩ quan trên. Chỉ cho đến nhiều năm sau, người ta mới biết người nữ sĩ quan trẻ ấy chính là Vera Atkins, một trong những chỉ huy xuất sắc của Cục Hành động đặc biệt (SOE), đơn vị tình báo bí mật do chính Thủ tướng Winston Churchill thành lập khi chiến tranh thế giới vừa xảy ra.

Tháng 8/1946, chính Vera Atkins cũng đã có mặt tại Tòa án quốc tế xét xử tội phạm chiến tranh Nuremberg để tố cáo hành vi giết người không gớm tay của Rudolf Hoss, chỉ huy Trại tập trung Auschwitz, qua các biên bản nhận tội diệt chủng mà bà đã buộc tên tội phạm chiến tranh này phải khai nhận.

Chính tài năng lãnh đạo của Vera Atkins đã biến SOE thành một đơn vị tình báo hoạt động hiệu quả trong lòng các quốc gia bị ĐQX tạm chiếm, đến nỗi tướng Dwight Eisenhower, chỉ huy quân Đồng minh vào năm 1944 phải thừa nhận trong hồi ký của mình rằng: “SOE có sức mạnh chiến đấu tương đương 20 sư đoàn quân thiện chiến của Đồng minh”. Mặc dù chỉ huy là Đại tá Maurice Buckmaster, nhưng nhiều người đánh giá rằng, chính Vera Atkins mới là “bà chủ” đích thực của SOE. Cho đến tận bây giờ, Vera Atkins vẫn được đánh giá là một trong những điệp viên hàng đầu của tình báo Anh trong thế kỷ XX.

Vera Atkins có tên thật là Vera Mary Rosenberg sinh ngày 16/6/1908 tại thủ đô Bucharest của Rumania trong một gia đình doanh nhân giàu có người Đức gốc Do Thái. Năm 1932, khi người cha qua đời vì ngân hàng mà ông làm chủ bị phá sản, Vera quyết định di cư đến Anh cùng mẹ khi phong trào bài Do Thái lan khắp các quốc gia Đông Âu. Với số ít của cải gom góp được mang theo từ quê nhà, mẹ của Vera mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ để mưu sinh. Năm 1934, Vera đến Pháp học Khoa Văn và Sử tại Đại học Sorbonne ở Paris rồi sau đó tiếp tục tại Đại học Lausanne của Thụy Sĩ. Chính những năm sinh sống và học tập tại Pháp đã giúp bà rất nhiều trong công tác tình báo của mình sau này.

Trở lại Anh năm 1937, tuy có đến hai bằng đại học nhưng Vera không tìm nổi cho mình một việc làm ổn định vì được xếp vào hạng dân nhập cư. Vì thế bà phải bỏ họ Rosenberg của cha để mang họ Atkins của mẹ để dễ dàng xin việc làm. Năm 1939, khi Chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra với việc Hitler xua quân xâm chiếm Ba Lan rồi sau đó đến một loạt các quốc gia khác, Thủ tướng Anh Winston Churchill quyết định thành lập một đơn vị tình báo đặc biệt lấy tên là Cục Hành động đặc biệt (SOE) chuyên làm nhiệm vụ tuyển mộ, đào tạo điệp viên và đưa họ thâm nhập vào các quốc gia bị tạm chiếm để thu thập thông tin tình báo và tổ chức xây dựng các lực lượng kháng chiến. Nhờ hiểu biết về tập quán sinh sống của người dân Pháp nên Vera được bổ nhiệm chỉ huy Đơn vị F, chuyên tuyển mộ, đào tạo và tung các điệp viên hoạt động trên lãnh thổ Pháp.

Xác định Pháp chính là địa bàn chiến lược để mở rộng hoạt động của SOE sang các quốc gia bị tạm chiếm khác nên Vera Atkins rất coi trọng công tác tuyển mộ và đào tạo điệp viên cho Đơn vị F. Chính bà là người trực tiếp phỏng vấn và cứ 10 người thì chỉ có 3 người được tuyển dụng. Những điệp viên mới sẽ phải trải qua nhiều đợt huấn luyện trong một trang trại được bảo vệ nghiêm ngặt ở ngoại ô thủ đô London. Tại đây, họ được học cách sử dụng chất nổ, các loại vũ khí. Họ còn được học cách nhảy dù hay đổ bộ từ tàu ngầm tại một căn cứ của quân đội Anh ở thành phố Liverpool. Tất cả đều đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của Vera Atkins.--PageBreak--

Tùy theo điệp vụ, Vera Atkins đặt cho mỗi điệp viên của mình một cái tên khác nhau. Nếu hoạt động ở miền Bắc nước Pháp, điệp viên nữ phải mang tên Catherine còn điệp viên nam mang tên Philippe, là những cái tên thường hay gặp ở miền Bắc Pháp. Bà chăm chút cho các điệp viên của mình từ cách ăn mặc, kiểu nói lóng, thói quen ăn uống, đi đứng, sử dụng tàu điện sao cho giống hệt một người Pháp để qua mặt đám mật vụ Gestapo.

Chính bà là người chịu trách nhiệm đưa tiễn điệp viên ra tận sân bay hay bến cảng để đi làm nhiệm vụ. Chỉ từ năm 1940 đến năm 1944, bà đã đưa tiễn 470 điệp viên, trong đó có 39 điệp viên nữ, đi làm nhiệm vụ trên lãnh thổ Pháp bị ĐQX chiếm đóng và sau đó cả ở lãnh thổ Bỉ và Đức. Vậy mà có đến 118 người trong số họ đã không trở về, hầu hết đều bị bắt giữ khi thi hành nhiệm vụ rồi bị tra tấn đến chết hay bị bắn chết.

Khi chiến tranh kết thúc, được sự chấp thuận của Thủ tướng Winston Churchill, Vera Atkins đến các quốc gia, chủ yếu là Pháp, Đức và Bỉ, để truy tìm tông tích 118 điệp viên bị mất tích của mình. Bà cho biết: “Tôi không thể nào bỏ quên các đồng đội của mình được. Làm rõ từng trường hợp mất tích của họ chính là cách duy nhất để đền đáp công lao của họ”.

Một mình cùng hai cận vệ, bà đã đến tất cả các trại giam, trại tập trung để tìm tông tích các đồng đội của mình. Bà đã đến trại giam nổi tiếng của mật vụ Gestapo tại đại lộ Foch ở thủ đô Paris rồi sau đó là các trại tập trung tử thần Ravensbruck, Buchenwald, Natzweller, Dachau, Auschwitz...  Bà đã thẩm vấn các tên tội phạm chiến tranh chỉ huy các trại giam, trại tập trung để làm rõ về từng trường hợp mất tích của đồng đội mình. Bà từng thẩm vấn Hans Kieffer, chỉ huy mật vụ Gestapo ở Pháp, Hugo Bletcher, chỉ huy Trại tập trung Natzweller, Rudolf Hoss, chỉ huy Trại tập trung Auschwitz về số phận các điệp viên của mình.

Khi chiến tranh qua đi, SOE đã hoàn thành sứ mạng của mình nên được giải thể trong bí mật, nhưng Vera Atkins vẫn được giữ lại để làm việc tại Tổng cục Tình báo Anh (MI-6). Năm 1949, tài năng và lòng can đảm của bà đã giúp cho MI-6 lần ra được một đường dây tổ chức cho các tên tội phạm chiến tranh người Đức, Italia, Tiệp Khắc đào thoát sang các quốc gia Nam Mỹ. Chính nhờ chiến công này mà Vera Atkins được trao tặng huân chương Thánh George cao quý của Anh.

Thế nhưng, chính sự nổi tiếng của bà đã khiến không ít kẻ ganh ghét. Năm 1952, Tổng cục An ninh Anh (MI-5) tiến hành điều tra Vera Atkins vì nghi vấn làm điệp viên nội ứng cho tình báo Rumania, một quốc gia XHCN Đông Âu. Sau đó bà còm bị cáo buộc làm điệp viên cho tình báo Liên Xô. Ngán ngẩm thời thế, năm 1953, ở tuổi 45, Vera Atkins rời MI-6 để trở về cuộc sống một người dân bình thường tại vùng Sussex miền Nam nước Anh và qua đời tại đó vào ngày 24/6/2000 ở tuổi 92. Trước đó, để ghi nhận công lao của bà cho sự nghiệp giải phóng nước Pháp, Chính phủ Pháp đã trao tặng cho bà Huân chương danh dự.

Tuy không viết hồi ký, nhưng những cuộc trả lời phỏng vấn của bà với báo chí chính là tư liệu để cho ra đời trên 10 cuốn sách viết về cuộc đời và sự nghiệp của người nữ điệp viên nổi tiếng này, trong đó có hai cuốn đã được chuyển thể thành phim

Hoàng Phú (BBC History Magazine)
.
.