Vì sao CIA không thể bắt được Osama Bin Laden?

Thứ Năm, 01/10/2009, 17:05
Đã 8 năm trôi qua, kể từ khi 19 tên khủng bố cảm tử cướp những chiếc máy bay chở khách dân dụng để lao vào tòa tháp đôi WTC tại New York và Lầu Năm Góc tại Washington. Vụ khủng bố này đã thay đổi đáng kể tiến trình lịch sử của toàn thế giới.

Mỹ đã lật đổ chế độ của Taliban tại Afghanistan, trước khi 2 năm sau đưa quân vào Iraq. Cho dù người Mỹ đã thành công trong việc tiêu diệt một loạt những tên khủng bố nổi tiếng, nhưng hai tên trùm hàng đầu của chúng - Osama bin Laden và Ayman al-Zawahiri - vẫn biệt tăm tích. Nguyên nhân chính theo như một cựu điệp viên Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) là do người Mỹ đã gần như ủy thác hoàn toàn việc truy lùng cho Cơ quan Mật vụ Pakistan...

Người vừa giúp vén bức màn bí mật xung quanh chiến dịch của tình báo Mỹ nhằm truy lùng Osama bin Laden chính là Art Keller, từng là thành viên một nhóm có quân số từ 50-100 sĩ quan CIA, được thả vào khu vực bộ lạc của Pakistan với nhiệm vụ tiêu diệt hay bắt giữ các thủ lĩnh của Al-Qaeda.

Trong bài trả lời phỏng vấn của tờ The Times, nhân vật này tiết lộ rằng, tất cả những điệp viên trên được bố trí trong những dinh cơ bí mật, phân tích và tổng kết trên máy tính báo cáo của những nguồn tin trong số những người Pashtun đang cố gắng xâm nhập vào nhóm những kẻ gần gũi với trùm khủng bố.

Keller cùng đồng đội phải hoạt động nhiều năm trong tình cảnh gò bó và buồn tẻ. Căn nhà nơi họ làm việc tại khu vực Waziristan (gần biên giới Afghanistan) được trang bị một hệ thống cung cấp nước thô sơ, cùng chiếc máy phát điện thường xuyên trở chứng. Mỗi khi điện trục trặc, khắp phòng lại ẩm ướt vì điều hòa nhiệt độ không thể hoạt động. Nhiệm vụ chính của họ là liên tục nghe trộm các cuộc điện thoại, phân tích ảnh chụp từ máy bay và những dữ liệu được các đồng nghiệp từ Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) chuyển giao.

Các điệp viên CIA rất hiếm khi được phép ra khỏi khu vực làm việc. Thứ nhất là với đặc điểm bề ngoài của người phương Tây, họ rất dễ bị nhận ra và bắn hạ. Lý do thứ hai là người Pakistan muốn giám sát chặt chẽ chiến dịch săn lùng Bin Laden. "Vai trò của chúng tôi chỉ là theo dõi gián tiếp ngay tại căn cứ dựa trên sự giúp đỡ của máy tính. Nếu như chúng tôi nhận được thông tin quan trọng, thường sẽ chọn cách nhờ đến một người tin cậy trong cộng đồng Pustun trực tiếp tới khu vực trên để thu thập thông tin bổ sung" - Keller kể lại.

Việc truy lùng Bin Lden trên máy tính hiện nay của CIA khó có thể đem lại kết quả.

Nhưng đây lại là một công việc hết sức nguy hiểm. Chẳng hạn như có lần CIA tuyển mộ được một linh mục Hồi giáo. Ông này trực tiếp tới Waziristan để điều tra xem tại đó có nhiều người Arập hay không (nơi có người Arập thì rất có thể có Bin Laden). Nhưng chỉ vài ngày sau, thi thể của linh mục này đã được tìm thấy trong tình trạng bị chặt đầu, kèm theo đó là một mảnh giấy khẳng định đó là số phận của những tên gián điệp.

Một chiến thuật phổ biến của CIA trong chiến dịch này là sử dụng các máy bay không người lái tấn công vào những vị trí được phát hiện có các thành viên Al-Qaeda. Những phi vụ này được phê chuẩn ngay tại trụ sở của CIA tại Langley, trên thực tế đã giúp tiêu diệt không ít những chỉ huy của mạng lưới khủng bố này. Tuy nhiên, điều kiện này đã làm giảm đáng kể hiệu quả của các đòn không kích. Chẳng hạn như mỗi khi xác định được vị trí của một chỉ huy Al-Qaeda, phải mất vài tuần, thậm chí vài tháng trước khi nhận được quyết định phê chuẩn không kích từ Langley, và nhiều khi từ cả chính quyền Pakistan.

Bất chấp những nỗ lực của WashingtonIslamabad, Bin Laden và tay phó al-Zawahiri vẫn chưa hề hấn gì. Theo ý kiến của Keller, bí quyết bảo đảm an toàn của chúng là di chuyển liên tục từ làng này sang làng khác với một nhóm vệ sĩ nhỏ. Tên trùm khủng bố thường chỉ liên lạc với cấp dưới mỗi tháng một lần nhờ sự giúp đỡ của một tên đưa tin trực tiếp, chứ không bao giờ trò chuyện qua điện thoại.

Tại mỗi ngôi làng, Bin Laden thường có quan hệ và trò chuyện thân tình với thủ lĩnh của bộ lạc, tặng cho họ những món quà hậu hĩnh. Đây là một bí quyết bảo đảm an toàn hiệu quả vì theo phong tục của người Pashtun, khách khứa luôn được họ hết mình bảo vệ.

Một vấn đề nan giải khác là bản thân những người dám bán đứng Bin Laden để nhận khoản tiền thưởng 25 triệu USD cũng không biết liên hệ với ai để đảm bảo an toàn cho chính mình. Một cú điện thoại đáng ngờ tại khu vực đầy những tai mắt của Al-Qaeda này sẽ giúp chúng dễ dàng lần ra tung tích chủ nhân.

Art Keller (39 tuổi) không biết cả tiếng Arập lẫn tiếng địa phương, nhưng anh ta vẫn được điều tới đây do CIA đang thiếu nghiêm trọng nhân sự có khả năng cho chiến dịch này. Bản thân Keller và đồng nghiệp sau một thời gian tới đây đã gọi đó là nhà tù Shawshank, theo tên gọi của một bộ phim Holywood.

Do công việc tại đây quá buồn chán và căng thẳng, Keller đã xin nghỉ một thời gian, sau đó về Mỹ chăm sóc người cha mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Giờ đây, Keller hài lòng với công việc an nhàn của một nhà văn tại bang New Mexico.

Cũng theo lời Keller, CIA giờ đây đang thay đổi chính sách nhân sự của mình, khi tìm cách mời lại làm việc một loạt những cựu chiến binh đã nghỉ hưu (còn gọi là nhóm The Cadre), những người trước đó từng tham gia tuyển mộ mạng lưới điệp viên người Pashtun trong thời gian quân đội Xôviết đang có mặt tại Afghanistan. Những điệp viên này dù đã bước sang tuổi ít nhất là 65, nhưng bù lại họ biết tiếng Pashtun cũng như rành rẽ nhiều phong tục tập quán tại đây.

Những tiết lộ mới nhất của Art Keller càng giúp khẳng định thêm những nhận định bi quan của các chuyên gia về khả năng tìm bắt hay tiêu diệt được Bin Laden. Theo họ, chưa kể tới vai trò quá thụ động của CIA trong chiến dịch này, bản thân việc đặt trọn niềm tin vào tình báo Pakistan cũng là một canh bạc, khi không ít quan chức tại ISI cũng bị nghi ngờ cố tình che giấu cho Bin Laden

Thái Quân (tổng hợp)
.
.