Vì sao Mỹ "thắng kèo" trong Thế chiến I?

Thứ Ba, 11/12/2018, 15:26
Chiến tranh thế giới thứ nhất, còn gọi là Thế chiến I, là một trong những cuộc chiến tranh khốc liệt và quy mô nhất trong lịch sử nhân loại và cũng là sự kiện lịch sử có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới.

Ban đầu Mỹ không tham chiến, nhưng đến cuối năm 1917, nhận thấy rằng nếu Đức thắng lợi thì các quyền lợi của Mỹ ở châu Âu sẽ bị đe dọa, do đó Mỹ quyết định tham chiến cùng phe Hiệp ước với Anh và Pháp. Ngày 6 tháng 4 năm 1917, Mỹ tuyên chiến với Đức và chính thức bước vào cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Làm chủ vũ khí của nước ngoài sản xuất

Lực lượng bộ binh và lính Thủy quân lục chiến của quân đội Mỹ được trang bị súng trường Springfield 1903. Được phát triển sau khi Mỹ có kinh nghiệm chống lại các loại súng trường Mauser do Đức sản xuất trong cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha (1898),  Springfield 1903 là một vũ khí xuất sắc, với uy lực và độ chính xác ngang bằng, thậm chí cao hơn bất kỳ loại súng trường nào trên thế giới vào thời điểm đó.

Súng trường Springfield 1903 có tầm bắn lớn hơn và có độ chính xác cao hơn loại súng Krag được sử dụng trước đó của quân đội Mỹ. Loại súng này cũng được sản xuất với số lượng đủ để trở thành một trong số ít những loại vũ khí mà quân đội Mỹ có thể triển khai với quy mô lớn ở châu Âu.

Lính Mỹ với khẩu súng trường Springfield M1903.

Súng máy, còn gọi là súng liên thanh, lại là một vấn đề khác. Năm 1912, nhà phát minh người Mỹ Isaac Lewis đã đề nghị cung cấp miễn phí cho quân đội Mỹ bản thiết kế súng máy làm mát bằng không khí của ông. Khi Mỹ từ chối sử dụng bản thiết kế này, Lewis đã bán nó cho Anh và Bỉ, nơi nó được sản xuất hàng loạt trong suốt cuộc chiến.

Trước yêu cầu cung cấp súng máy hiện đại cho quá nhiều binh sĩ, quân đội Mỹ đã phải chấp nhận áp dụng một số mẫu thiết kế của nước ngoài, bao gồm loại súng máy Chauchat của Pháp, một mẫu ít được mong muốn do có xu hướng bị kẹt đạn khi chiến đấu và việc triển khai nó trong chiến hào gặp khá nhiều khó khăn.

Những lính Mỹ đã chiến đấu tốt hơn nhờ vào sự cách tân thực sự trong cuộc thế chiến này - chính là chiếc xe tăng. Được phát triển từ nhu cầu phải vượt qua "Vùng đất trắng" (phần đất trên chiến trường nằm giữa các chiến hào) và xóa sổ các chiến hào của kẻ thù, xe tăng đã được sử dụng và đạt được những thành công nhất định vào năm 1917 bởi người Anh và người Pháp. Cả hai quốc gia đều có sẵn những cỗ máy chiến đấu kiểu này để cung cấp cho quân đội Mỹ.

Sau khi Mỹ bước vào cuộc chiến, ngành công nghiệp của nước này bắt đầu sản xuất xe tăng Renault FT do Pháp thiết kế. Tuy nhiên, những chiếc xe tăng do Mỹ chế tạo, thỉnh thoảng được gọi là "xe tăng 6 tấn", chưa bao giờ được đưa đến chiến trường châu Âu trước khi Thế chiến I kết thúc vào tháng 11 năm 1918. Thay vào đó, các lực lượng lục quân của Mỹ đã sử dụng 239 phiên bản xe tăng các loại của Pháp, cũng như 47 xe tăng Mark V của Anh.

Mặc dù lính Mỹ chưa bao giờ sử dụng xe tăng trước khi bước vào cuộc chiến này, song họ đã học hỏi rất nhanh. Một trong những người lính Mỹ lái xe tăng đầu tiên trong Thế chiến I là George S. Patton, người sau này đã trở nên nổi tiếng toàn thế giới với tư cách là tổng chỉ huy các lực lượng tăng thiết giáp của phe Đồng minh trong Thế chiến II.

Phát huy sức mạnh hải quân

Sức mạnh nhân lực sẽ không còn nhiều ý nghĩa nếu điều kiện vận chuyển từ Mỹ đến châu Âu không được đảm bảo. Điều đó có nghĩa là phải có một lực lượng hải quân mạnh mẽ. Hải quân Mỹ là lực lượng được trang bị tốt nhất trong tất cả các lực lượng vũ trang của quốc gia này. Trong nhiều năm, lực lượng này đã tập trung nhiều nguồn lực để chuẩn bị cho một cuộc đối đầu hải quân với Đức.

Quân đội Mỹ đào tạo bộ binh với chiếc xe tăng Renault FT-17.

Tuy nhiên, một mối đe dọa mới lại phát sinh: Hải quân Đức đã có những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển các tàu ngầm tầm xa và đưa ra các chiến thuật tấn công có thể đặt ra những mối đe dọa nghiêm trọng đối với việc vận chuyển hàng hải của Mỹ. Các tàu chiến của Hải quân Đức đã thực sự tàn phá các đội tàu buôn của Anh, khủng khiếp đến mức vào năm 1917, Anh thất bại có lẽ là điều khó tránh khỏi.

Vào tháng 5 năm 1917, Hải quân Hoàng gia Anh đi tiên phong trong việc phát triển hệ thống tàu thủy vận tải, trong đó các tàu buôn chở người và phương tiện chiến tranh băng qua Đại Tây Dương không đi đơn lẻ mà đi theo từng nhóm lớn. Được bảo vệ bởi các tàu hộ tống vũ trang hùng hậu của Mỹ, các đoàn tàu vận tải đường biển này là chìa khóa để cứu nước Anh khỏi thất bại và cho phép các lực lượng quân sự Mỹ đến châu Âu mà gần như không có tổn thất nào. Trên thực tế, giống như những gì nhà sử gia quân sự V.E. Tarrant từng viết: "Từ tháng 3 năm 1918 cho đến khi kết thúc chiến tranh, 2 triệu quân Mỹ đã được đưa đến Pháp an toàn, chỉ có 56 người hy sinh".

Thời điểm tham gia Thế chiến I, Mỹ là quốc gia đã đi tiên phong trong ngành hàng không quân sự. Vào năm 1917, sức mạnh không quân đã được thừa nhận rộng rãi, cho thấy tiềm năng của nó vượt xa việc thu thập thông tin tình báo đơn thuần. Máy bay đã trở thành vũ khí có thể tấn công các mục tiêu dưới mặt đất với khả năng tạo ra sự khác biệt trên chiến trường. Tuy nhiên, chỉ sở hữu chưa đầy 250 máy bay chiến đấu, các phi công Mỹ phải học lái máy bay của Anh và Pháp bởi không quân những nước này không còn đủ phi công chiến đấu.

Mặc dù thiếu vũ khí và công nghệ chiến tranh cần thiết, nhưng với số lượng lớn binh sĩ - trên biển, trên bộ và trên không, cùng khả năng thích nghi với việc sử dụng vũ khí nước ngoài, Mỹ đã giúp các nước đồng minh lật ngược thế cờ trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Minh Trang (tổng hợp)
.
.