Vì sao Nhật Bản thải hơn 11.000 tấn nước phóng xạ ra biển

Thứ Năm, 28/04/2011, 20:45

Từ ngày 4/4, Nhật Bản bắt đầu cho thải nước nhiễm phóng xạ tại nhà máy hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương. Kế hoạch xả nước kéo dài 5 ngày và đến ngày 9/4 đã chính thức chấm dứt. Tuy nhiên, các nước trong khu vực bắt đầu lo ngại và chất vấn Tokyo về vấn đề này cũng như sử dụng một số biện pháp như ngưng nhập hải sản đánh bắt từ một số vùng biển bị nghi là nhiễm phóng xạ ở Nhật.

Ngày 4/4, giới hữu trách Nhật Bản cho phép chủ nhân nhà máy phát điện nguyên tử bị hư hại do thiên tai sóng thần, được xả hơn 11.000 tấn nước bị nhiễm phóng xạ nhẹ từ hồ chứa của nhà máy ra biển, để có chỗ chứa nước có độ phóng xạ nặng thoát ra từ lò phản ứng số 2.

Theo giải thích của tập đoàn TEPCO, việc tháo xả hơn 11.000 tấn nước bị nhiễm phóng xạ này không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Bởi vì một người lớn chỉ hứng chịu mức độ phóng xạ khoảng 0,6 millisievert trong một năm nếu tiêu thụ hàng ngày các loại tảo và hải sản trong vùng. Trong môi trường tự nhiên, con người bị phóng xạ ở mức 2,4 millisievert mỗi năm.

Trận động đất 9 độ Richter ngày 11/3, đã gây ra sóng thần với những đợt sóng cao 14m đổ ập vào khu nhà máy điện hạt nhân Fukushima, nằm sát bờ biển Thái Bình Dương. Toàn bộ hệ thống điện và bơm nước làm nguội của 6 lò phản ứng trong nhà máy bị hỏng. Các thanh nhiên liệu trong bốn lò, từ số 1 đến số 4 bắt đầu bị nóng chảy và gây ra những vụ nổ,  nhả khói nhiễm phóng xạ lên không trung.

Để ngăn chặn một thảm họa có thể còn lớn hơn Chernobyl, các lực lượng cứu hỏa, binh sĩ và nhân viên kỹ thuật Nhật Bản ngày đêm bơm nước vào khu tâm lò để làm nguội các thanh nhiên liệu. Do khu nhà máy bị nổ vỡ, khối lượng nước bị nhiễm phóng xạ này tràn ngập phòng máy, các đường hành lang bên trong.

Phát ngôn viên TEPCO cho biết, nước trong phòng máy, đặc biệt là ở lò số 2 bị nhiễm phóng xạ cao, với mức độ hơn 1.000 millisievert mỗi giờ, rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Do vậy, cần phải hút số nước này vào các bể chứa thì các chuyên gia mới vào được bên trong để khắc phục mạng điện và hệ thống máy bơm làm nguội lò. Thế nhưng, các bể chứa lại đang có nước phóng xạ, cần phải tháo đổ 11.500 tấn nước ra biển để lấy chỗ chứa.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Banri Kaieda ngày 5/4 cho biết: Tổng cộng 60.000 tấn nước nhiễm phóng xạ được cho là đang ở trong tầng hầm của các tòa nhà bao quanh lò phản ứng cũng như các đường ngầm dẫn tới các lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Ông Kaieda cũng nói rằng, TEPCO sẽ hút hết số nước nhiễm xạ đang cản trở công tác khôi phục nhà máy trên ra khỏi các đường hầm.

Cơ quan An toàn Nguyên tử và Công nghệ Nhật Bản cho biết 60.000 tấn nước này - trong đó mỗi lò phản ứng hạt nhân từ số 1 đến số 3 có 20.000 tấn - sẽ được trữ trong các bồn chứa tại các lò phản ứng, một cơ sở chứa chất thải hạt nhân của nhà máy, một đảo nổi nhân tạo được gọi là "chiếc phao khổng lồ", các xà lan của Hải quân Mỹ và những chiếc bồn tạm thời. Khu phức hợp chứa chất thải hạt nhân này có sức chứa 30.000 tấn nước nhiễm xạ, song cần có thêm thời gian để TEPCO đảm bảo nước nhiễm phóng xạ không bị rò rỉ.

Ngoài ra, để hạn chế việc thải nước bị nhiễm xạ ra biển, TEPCO đã yêu cầu Nga cung cấp cho họ một nhà máy nổi, chuyên xử lý nước bị nhiễm phóng xạ. Một trong những nhà máy này được đặt tại Vladivostock, miền Viễn Đông nước Nga, chuyên "giải độc" cho các tàu ngầm nguyên tử của Nga. TEPCO cũng sẽ cho xây những bồn nước có sức chứa tương đương với 6 bể bơi có kích thước của hồ bơi thế vận hội. Nhiều chiếc tàu chở dầu khổng lồ cũng sẽ được sử dụng để trữ nước bị nhiễm xạ.

Hải sản xuất khẩu của Nhật Bản.

Edward Lyman, một nhà khoa học lão thành ở Global Security Program, phát biểu trong một cuộc họp báo ngắn ngủi cuối tuần qua: "Họ đang đương đầu với một nguồn nước nhiễm xạ khá lớn, mà đến nay vẫn chưa trả lời chính xác được phóng xạ ấy từ đâu đến, rắc rối là ở chỗ đó". Ông Lyman nhận định, trung hòa lượng nước bị nhiễm phóng xạ là việc không khó, miễn là số nước đó phải được chứa riêng một nơi.

Theo Cơ quan An toàn Nguyên tử và Công nghệ Nhật, việc xả nước bị nhiễm phóng xạ ở mức thấp ra biển là biện pháp khẩn cấp, và rằng họ sẽ không ngừng theo dõi tình trạng của nước cũng như sinh vật ở gần quanh nhà máy, để bảo đảm mức độ chất phóng xạ iodine không vọt lên quá cao.

Yukio Edano, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản phát biểu tại một cuộc họp báo: "Dù họ nói chất ô nhiễm sẽ hòa tan trong đại dương, nhưng việc này càng kéo dài, càng nhiều phân tử phóng xạ thoát ra, càng có tác động nhiều hơn đối với biển cả. Chúng tôi mạnh mẽ thúc giục TEPCO hãy có hành động cấp thời để đối phó với việc này".

Cùng ngày, Đài truyền hình NHK cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã giấu thông tin dự báo về nồng độ phóng xạ cao ở bên ngoài khu vực sơ tán bắt buộc do các sự cố tại nhà máy Fukushima số 1.

Trong một cuộc họp báo tại Tokyo, Ngoại trưởng Nhật Bản Takeaki Matsumoto đã bảo vệ việc đổ nước nhiễm xạ ở mức độ thấp từ nhà máy Fukushima xuống biển. Ông khẳng định hành động này không vi phạm luật pháp quốc tế đồng thời cam kết sẽ cung cấp thông tin đầy đủ cho cộng đồng quốc tế về các bước đi của Tokyo để giải quyết tình trạng khẩn cấp đang diễn ra này.

Tuy nhiên, là nước kế cận Nhật Bản, Hàn Quốc rất lo ngại bị vạ lây. Theo ông Cho Byung Jae, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Đại sứ quán của họ tại Tokyo đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Nhật Bản giải thích về vụ thải nước này. Đối với ông Cho Byung Jae, vì đó là nước bị nhiễm phóng xạ hạt nhân, cho nên Hàn Quốc cần phải được Nhật Bản cung cấp thêm dữ liệu khoa học về việc này.

Sau khi Trung Quốc và Hàn Quốc bày tỏ quan ngại, hôm 10/4, Thủ tướng Nhật Naoto Kan lấy làm tiếc là Tokyo đã không minh bạch hơn trong việc thông tin về nước nhiễm phóng xạ đổ ra biển. Trước đó hôm 9/4, trong một cuộc họp báo, một trong những Phó chủ tịch của TEPCO nhìn nhận đã không trình bày rõ ràng vấn đề này với các quốc gia vùng duyên hải, với ngư dân và báo chí Nhật.

Vào lúc tập đoàn điện lực TEPCO xin lỗi các nước lân bang của Nhật thì tại Jakarta, Ngoại trưởng Nhật Satoru Sato tìm cách trấn an Đông Nam Á về lượng phóng xạ trong nước biển

Hà Ninh (tổng hợp)
.
.