Vì sao Pháp hỗ trợ người Kurd?

Thứ Năm, 04/09/2014, 09:30

Mỹ, Anh và Pháp đã liên kết nhau can thiệp quân sự vào Libya, lại một lần nữa làm như thế tại Iraq. Nhưng trong khi Mỹ tung ra các chiến dịch oanh kích nhắm vào những cứ điểm của phe Hồi giáo, Anh và Pháp chỉ hạn chế trong vai trò nhân đạo và ngoại giao. Giữa tháng 8, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã đến Baghdad và Kurdistan với số hàng cứu trợ đầu tiên.

Ngoại trưởng Laurent Fabius đã đến Erbil, thủ phủ của vùng Kurdistan, Bắc Iraq để giám sát việc phân phối số hàng nhân đạo đầu tiên cho dân thường bị phe thánh chiến đuổi khỏi nơi sinh sống. Ngoại trưởng Fabius cũng yêu cầu EU lập ra một "cầu đoàn kết" để trợ giúp cho người dân đang trốn chạy Nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên tạm thời Ngoại trưởng Fabius loại trừ khả năng can thiệp quân sự của Pháp. Ông cho rằng "chính người dân Iraq phải chiến đấu".

Paris tình nguyện đặt mình vào vị trí thứ yếu trong cuộc chiến này, cho rằng trách nhiệm trước tiên thuộc về Mỹ vì sau khi tiến quân vào Iraq năm 2003, Mỹ đã không chịu tấn công chế độ Bashar Al-Bassad ở Syria bất chấp chính quyền này đã vượt qua "lằn ranh đỏ" về vũ khí hóa học, do vậy đã khuyến khích sự bùng phát khủng hoảng tại nước láng giềng.

Dù có muốn can thiệp, Pháp cũng không có khả năng. Quân đội Pháp đang dính vào những cuộc xung đột ở châu Phi, ngân sách quốc phòng đã sụt giảm nghiêm trọng và năng lực tình báo chủ yếu tập trung vào vùng Sahara. Theo các chuyên gia, bên cạnh uy lực vũ khí của Mỹ, sự tham gia quân sự của Pháp nếu có sẽ chỉ là tượng trưng.

Ngược lại, hành động nhân đạo, ngoại giao và chính trị của Pháp lại là tất nhiên. Từ lâu Pháp đã bảo vệ cho người Thiên Chúa giáo hiện đang bị đe dọa tàn sát tại Iraq và khu vực Trung Đông.

Ngoài ra Pháp còn phải đối phó với mối đe dọa thánh chiến ngày càng lớn, khi mà nhiều công dân Pháp sau khi chiến đấu trong hàng ngũ Nhà nước Hồi giáo thánh chiến sẽ quay về Pháp để thực hiện "sứ mệnh khủng bố".

Đây là cơ hội để Pháp lấy lại một phần ảnh hưởng đã mất đi vào năm 2003. Có ảnh hưởng rất mạnh mẽ dưới thời Saddam Hussein khi Pháp còn bán vũ khí cho Iraq trước khi nước này tấn công Koweit năm 1990, Pháp nhận ra rằng, mối quan hệ với Baghdad đột nhiên bị suy giảm. Việc phản đối cuộc xâm lăng Iraq của liên minh do Mỹ cầm đầu đã bị chính quyền theo dòng Shiite mới xem như là một sự ủng hộ chế độ cũ. Khi lên nắm quyền, Tổng thống Sarkozy muốn sang trang mới nên đã tái lập mối quan hệ song phương.

Sự trở lại vùng Lưỡng Hà lần này càng dễ dàng hơn khi Pháp không phải mang gánh nặng của thất bại năm 2003, trái với Anh vốn 10 năm sau đó vẫn còn nghiền ngẫm thất bại một cách chua chát, còn Mỹ mang dấu ấn nặng nề và lâu dài đến mức chính quyền Obama e ngại chiến tranh và làm ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Mỹ.

Hôm 13/8, Tổng thống Pháp Francois Hollande bất ngờ quyết định sẽ cung cấp vũ khí cho người Kurd ở Iraq "để duy trì khả năng chiến đấu của các lực lượng chống trả Nhà nước Hồi giáo”. Quyết định của Pháp có được do sự thiếu sự nhất trí của EU. Trong cuộc họp khẩn cấp các đại sứ EU tại Brussels ngày 12-8, các thành viên đã không có được sự nhất trí về vấn đề cung cấp vũ khí cho người Kurd. Một số nước như Đức và Thụy Điển nhắc lại nguyên tắc cấm xuất khẩu vũ khí sang các khu vực xung đột.

Một số quốc gia lại cần có sự phê chuẩn của quốc hội trước khi tham gia vào một chiến dịch có tính quân sự. Italia và Séc đồng ý gửi vũ khí cho Iraq. Nhiều nước khác có thể tham gia trong vai trò cung cấp hậu cần hay vận chuyển. Đức bàn đến khả năng cung cấp những thiết bị không sát thương như xe bọc thép, mũ sắt, thiết bị nhìn trong bóng tối và máy dò mìn. Anh đã gửi sang Iraq vài trực thăng chuyên chở Chinook và các chiến đấu cơ Tornado để thực hiện những chiến dịch tuần thám. Nhưng tình hình nhân đạo bi thảm lại chưa thể kiểm soát. Theo Cao ủy Tị nạn, Kurdistan chứa khoảng 700.000 người tha hương, chưa kể đến 220.000 người Syria tị nạn đang sống tại đấy.

Các phiến quân thánh chiến là những đối thủ đáng gờm. Một vị tướng Peshmerga thổ lộ: "Rất khó đương đầu với cuộc tấn công của phe Hồi giáo. Phải thừa nhận rằng họ rất nhanh nhẹn, cơ động và được tổ chức tốt. Nhưng việc tái chiếm Gweir và Makhmour đã chứng tỏ rằng họ không phải là bất bại”

Minh Luân (tổng hợp)
.
.