Vì sao chỉ huy tình báo Ấn Độ phải từ chức?

Thứ Tư, 20/05/2009, 14:20
Ngày 1/2/2009, Thủ tướng Ấn Độ Mamohan Singh đã xác nhận chính thức việc từ chức của tướng Ashok Chaturvedi, Giám đốc Cơ quan Tình báo hải ngoại Ấn Độ (RAW) vào ngày 31/1/2009.

Việc từ chức của tướng Chaturvedi chỉ sau 2 năm trở thành người đứng đầu RAW đã không khiến dư luận Ấn Độ, nhất là các phương tiện truyền thông bất ngờ vì ông từng là đối tượng bị chỉ trích, phê phán bởi các phương tiện truyền thông tại Ấn Độ do đã mang lại nhiều tai tiếng cho RAW hơn là thành tích, mà giọt nước làm tràn ly phản ứng của dư luận dẫn đến việc tướng Chaturvedi buộc phải từ chức là vụ khủng bố hàng loạt tại thành phố Jaipur vào tháng 5/2008.

Nhiều người cho rằng sở dĩ Chaturvedi thăng tiến nhanh là do được người bà con là Sri Chaturvedi, một nhân vật có thế lực trên chính trường Ấn Độ, đỡ đầu. Từ đầu năm 2007, chính Sri Chaturvedi, lúc đó đang giữ chức Tổng thư ký nội các chính phủ, đã vận động với cả Thủ tướng Singh và cố vấn An ninh quốc gia Mayankote Narayanan để Chaturvedi được ngồi vào chiếc ghế Giám đốc RAW một khi tướng P.K Tharakan, Giám đốc đương nhiệm của RAW chính thức nghỉ hưu vào tháng 1/2007.

Các phương tiện truyền thông lúc đó cho rằng việc lựa chọn Chaturvedi làm người đứng đầu RAW sẽ là một sai lầm nghiêm trọng vì nhân vật này không có tầm nhìn tổng quan về tình hình an ninh tại khu vực Nam Á, thiếu kinh nghiệm chỉ huy và nhất là có tư tưởng độc tài và bè phái. Việc bổ nhiệm Chaturvedi vào chức vụ Giám đốc RAW sẽ là một thảm họa đối với quyền lợi chiến lược của Ấn Độ trong khu vực. Mặc cho phản ứng quyết liệt của dư luận, vào ngày 1/2/2007, Chaturvedi chính thức được bổ nhiệm làm người đứng đầu RAW để thay thế tướng Tharakan.

Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm điều hành RAW, Chaturvedi buộc phải từ chức vào ngày 31/1/2009 do RAW gặp nhiều tai tiếng hơn là thành tích. Chaturvedi trở thành chỉ huy đầu tiên của RAW bị buộc phải từ chức.

Các phương tiện truyền thông tại Ấn Độ như báo Khaleej Times, Outlook, The Telegraph Weekly, The Hindu Telegraph... đã phân tích một số nguyên nhân khiến Chaturvedi buộc phải từ chức.

1- Củng cố quyền thế và bè phái

Ngay khi vừa lên nắm quyền chỉ huy RAW vào tháng 2/2007, Chaturvedi đã thay đổi hàng loạt nhân sự, loại bỏ những đối thủ cũ, thay thế một số quan chức không đồng quan điểm với mình và thay vào đó là hàng loạt tay chân thân tín. Việc làm vội vã này không chỉ gây mất đoàn kết trong nội bộ RAW mà còn làm suy yếu nghiêm trọng sức mạnh của tổ chức tình báo này.

Báo Outlook lại chỉ trích rằng: "Chaturvedi đã tìm mọi cách để điều hành RAW một cách độc đoán nhằm cảnh cáo với cấp dưới rằng ông ta là nhân vật không ai có thể đụng vào được". Đây chính là lý do khiến Chaturvedi bỏ ngoài tai  cảnh báo của Cố vấn An ninh quốc gia Narayanan về nguy cơ khủng bố sẽ xảy ra khắp Ấn Độ vào bất cứ lúc nào. Thậm chí Chaturvedi còn quyết định hạ mức độ đối phó với nguy cơ khủng bố xuống hàng thứ yếu.

2- Vụ tai tiếng tình báo tại Colombo

Vào tháng 10/2007, Ravi Nair, chỉ huy chi nhánh RAW tại thủ đô Colombo của Sri Lanka, dưới lốt quan chức cao cấp của Cao ủy Ấn Độ tại Sri Lanka, đã bị phản gián Sri Lanka bắt giữ về tội hoạt động nằm vùng và có quan hệ với một phụ nữ được cho là nhân viên tình báo của nước ngoài. Nữ điệp viên này vốn có quan hệ với Nair khi Nair  còn hoạt động tại Hồng Công vào năm 2002. Báo Outlook cho rằng chính Chaturvedi đã bỏ qua những sai phạm chết người của Nair vì từ năm 1994 đến 2000, Nair là một trong số nhiều tay chân thân cận của Chaturvedi.

3- Vụ tai tiếng tình báo tại Nepal

Khác với người tiền nhiệm Tharakan chú trọng đến quốc gia láng giềng Pakistan, Chaturvedi lại đẩy mạnh công tác tình báo hải ngoại tại Nepal. Tuy nhiên, đến tháng 1/2008, tai tiếng bắt đầu xảy ra đối với RAW khi Alok Joshi, một điệp viên của RAW tại thủ đô Kathmandu của Nepal bị bắt giữ về tội hoạt động nằm vùng và có liên quan đến âm mưu phá hoại cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của Nepal tổ chức vào tháng 4/2008.

Sau khi xảy ra sự kiện này, các phương tiện truyền thông tại  Ấn Độ đã chỉ trích kịch liệt Chaturvedi và yêu cầu phải cách chức ông này.

4- Vụ khủng bố hàng loạt tại thành phố Jaipur

Vào ngày 13/5/2008, 9 vụ đánh bom khủng bố đã xảy ra hàng loạt tại thành phố Jaipur, thủ phủ bang Rajasthan, làm chết 60 người và làm bị thương 200 người khác. Trước đó vào cuối tháng 4/2008, một số cơ quan tình báo phương Tây đã cảnh báo với RAW về nguy cơ xảy ra khủng bố vào tháng 5/2008 tại nhiều thành phố lớn của  Ấn Độ như Mumbai, Hyderabad, Kolkata và nhất là tại thành phố Jaipur. Tuy nhiên, những thông tin quan trọng này lại không được Chaturvedi quan tâm mấy nên đã không đề ra các biện pháp ngăn chặn kịp thời. Nguyên nhân là Chaturvedi bận nghỉ dưỡng bệnh tại một sân golf sang trọng gần thủ đô Dehli. Hậu quả là đã xảy ra khủng bố hàng loạt tại thành phố Jaipur.

5- Không được các cơ quan tình báo nước ngoài chia sẻ thông tin đúng mức

Sau vụ khủng bố tại thành phố Jaipur, một số cơ quan tình báo nước ngoài lâu nay luôn chia sẻ thông tin với RAW như CIA (Mỹ), ASIO (Australia), MI-6 (Anh) hay DGSE (Pháp) đã quyết định hạn chế việc trao đổi thông tin với RAW, lấy lý do là RAW đã không cộng tác đúng mức với các cơ quan tình báo này, nhất là đối với những thông tin được chia sẻ mà hậu quả là đã dẫn đến các vụ đánh bom hàng loạt tại thành phố Jaipur vào tháng 5/2008.

Vì những nguyên nhân chủ yếu này mà vào cuối tháng 1/2009, Chaturvedi bị buộc phải từ chức cho dù trước đó ông ta đã cầu cứu sự can thiệp của bà Sonia Gandhi, Chủ tịch đảng Quốc đại cầm quyền. Tuy nhiên, bà Sonia đã kiên quyết từ chối vì cho rằng không muốn can thiệp vào các vấn đề nội bộ của chính phủ

Văn Hòa (theo CiCentre)
.
.