Vì sao chiếc máy bay boeing của Hàn Quốc bị trúng tên lửa của Liên Xô năm 1978?

Thứ Sáu, 18/07/2008, 14:30

Vào tháng 4/1978, một máy bay Boeing 707 của Hàn Quốc đã bị trúng tên lửa của Liên Xô khi xâm phạm không phận nước này. Sự kiện này làm chấn động cả thế giới...

Ngày 20/4/1978, chiếc máy bay boeing 707 số hiệu 902 của Hãng hàng không Hàn Quốc cất cánh từ Paris bay đến thành phố Anchorage ở bang Alaska (Mỹ). Theo lịch trình, chiếc boeing sẽ tiếp thêm nhiên liệu và bay về Seoul.

Tuy nhiên khi bay đến điểm cách Bắc Cực 780km, các nhân viên điều hành không lưu của Canada đã thông báo chiếc máy bay đã bay lệch khỏi hành trình đã định.

Trong khi cố gắng quay lại đúng đường bay, phi hành đoàn đã mắc sai lầm khi xác định hướng bay khiến cho chiếc boeing bay xa thêm vào không phận trên biển Bering, khu vực không phận của Liên Xô.

Lúc đó chiếc máy bay này đã bị hệ thống radar phòng không khu vực Murmansk của Liên Xô phát hiện. Ban đầu hệ thống radar phòng không của Liên Xô xác định chiếc máy bay là loại boeing 747 và phái một máy bay chiến đấu Su-15 xuất phát để chặn nó lại.

Theo tư liệu của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) thì viên phi công lái chiếc Su-15 đã nhiều lần báo cáo về trung tâm chỉ huy rằng, chiếc boeing 707 chỉ là một máy bay dân dụng bị bay lạc hướng. Tuy nhiên, mệnh lệnh từ trung tâm chỉ huy phòng không là bắn hạ “kẻ xâm phạm không phận” và chiếc Su-15 đã phóng hai tên lửa P-60 nhằm vào chiếc boeing.

Tên lửa thứ nhất đã bị trượt mục tiêu còn tên lửa thứ hai đã bắn trúng cánh bên trái của chiếc máy bay khiến cánh trái bị hư hỏng nặng. Mảnh tên lửa đã xuyên vào thân chiếc máy bay làm áp suất không khí bên trong khoang hành khách bị thay đổi đột ngột khiến 2 hành khách bị thiệt mạng.

Đó là một thương nhân người Hàn Quốc và một khách du lịch người Nhật.Mặc dù phần đầu của cánh bên trái bị hỏng do trúng tên lửa nhưng động cơ bên trái vẫn còn.

Phi hành đoàn trên chiếc máy bay buộc phải hạ độ cao khẩn cấp xuống mức 1.500m. Những đám mây dày đặc đã khiến chiếc máy bay chiến đấu Liên Xô bị mất mục tiêu và nhờ vậy chiếc boeing an toàn.

Phi hành đoàn đã nỗ lực điều khiển nó đến khu vực không phận bán đảo Kola (nằm giữa biên giới Nga và Na Uy) và tìm địa điểm hạ cánh khẩn cấp. Cuối cùng, chiếc boeing hạ cánh an toàn xuống mặt băng của hồ Korpijarvi (gần thành phố Kem, Nga). Cho đến thời điểm hiện nay, các báo cáo của Liên Xô và Mỹ về vụ việc này là hết sức trái chiều.

Theo thông tin do phía Liên Xô đưa ra sau vụ việc thì Đại úy A. Boskov - phi công điều khiển chiếc máy bay chiến đấu Su-15 - sau khi tiếp cận chiếc boeing đã báo cáo về trung tâm xác định đó là một chiếc máy bay do thám điện tử RC-135 của Mỹ được cải tiến từ loại boeing 707. 

Vào thời điểm đó máy bay do thám điện tử loại RC-135 và đa số máy bay vận tải cỡ lớn của Không quân Mỹ đều được cải tiến từ boeing 707.Bộ Chỉ huy Phòng không Murmansk sau khi nhận được báo cáo của Đại úy A. Boskov đã ra lệnh cho Đại úy A.

Boskov buộc chiếc máy bay đó phải hạ cánh xuống sân bay gần nhất. Đại úy A. Boskov đã liên tục phát tín hiệu yêu cầu máy bay hạ cánh khẩn cấp đồng thời tiếp cận gần với nó và bật đèn hạ cánh để hướng dẫn.

Tuy nhiên, chiếc boeing không có phản ứng gì và tiếp tục bay theo hướng bán đảo Kola. Rồi nó đột nhiên chuyển hướng bay sang phía Phần Lan. Bộ Chỉ huy Phòng không Murmansk đã báo cáo tình hình với Trung tướng Dimitriev, Tư lệnh Tập đoàn quân phòng không và được lệnh tấn công chiếc boeing ngay lập tức.

Theo thông tin phía Mỹ công bố thì sau khi máy bay chiến đấu của Liên Xô phát hiện ra chiếc boeing đã không phát tín hiệu hay đèn thông báo yêu cầu hạ cánh khẩn cấp. Ngay sau đó máy bay chiến đấu của Liên Xô đã phóng tên lửa nhằm vào chiếc boeing. 

Phía Mỹ đã do thám được đoạn liên lạc giữa phi công điều khiển chiếc Su-15 báo cáo về trung tâm rằng “căn cứ các biểu hiện thì đó là một chiếc máy bay dân sự boeing 707” và đã nhiều lần đề nghị hủy bỏ lệnh tấn công. Khi nhận được lệnh từ mặt đất yêu cầu bắn hạ chiếc boeing lần thứ hai, máy bay chiến đấu của Liên Xô đã phóng tên lửa nhằm vào chiếc boeing.

Khoảng 23h5’ ngày 20/4/1978, chiếc boeing hạ cánh xuống mặt băng của hồ Korpijarvi bằng bụng máy bay. Địa điểm hạ cánh nằm cách Murmansk khoảng 400km về phía nam và cách biên giới Liên Xô - Phần Lan khoảng 32km.   

Hai tiếng sau, lực lượng quân đội Liên Xô đã có mặt tại nơi chiếc boeing hạ cánh và tiến hành công tác cứu hộ. 2 hành khách thiệt mạng cùng trẻ em và những người bị thương được đưa đến thành phố gần đó bằng trực thăng.

Những hành khách  khác và phi hành đoàn được đưa về một doanh trại quân đội. 2  ngày sau, 95 hành khách trên chiếc boeing đã được bàn giao cho đại diện Tổng lãnh sự quán Mỹ cùng đại diện của Hãng Hàng không PanAm (Mỹ) tại sân bay Murmansk.

Phi hành đoàn của chiếc boeing 707 số hiệu 902 đã bị thẩm vấn và được thả sau khi giải thích về sai sót của họ đồng thời đưa ra lời xin lỗi về hành vi xâm phạm không phận Liên Xô. Phi hành đoàn chiếc boeing thừa nhận họ có thấy tín hiệu yêu cầu hạ cánh khẩn cấp từ chiếc máy bay chiến đấu của Liên Xô nhưng đã không làm theo.

Khi máy bay hạ cánh, Cơ trưởng Kim Chang Ky đã giải thích với hành khách rằng nguyên nhân sự cố là do la bàn trên máy bay bị hỏng và họ đã bay sai hướng trong suốt 4 tiếng đồng hồ

Quang Hải (theo Global Times)
.
.