Vì sao cuộc cách mạng màu tại Iran thất bại?

Thứ Tư, 19/08/2009, 01:15
Ngày 3/8 vừa qua, nhà lãnh đạo tối cao Iran, đại giáo sĩ Ayatollah Ali Khamenei đã tuyên bố chấp nhận Tổng thống Ahmadinejad đắc cử nhiệm kỳ hai sau cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi ngày 12/6. Ngày 5/8, ông Ahmadinejad đã tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội Iran.

Như vậy, đến thời điểm này có thể kết luận rằng cuộc cách mạng màu được phương Tây áp dụng vào Iran nhân cuộc bầu cử tổng thống đã thất bại. Đâu là cách thức tiến hành cuộc cách mạng này cũng như nguyên nhân khiến nó thất bại tại Iran?

"Cuộc cách mạng màu xanh" tại Tehran là sự hóa thân gần đây nhất của các cuộc “cách mạng màu” vốn cho phép phương Tây mà đứng đầu là Mỹ dựng lên những chính phủ đồng minh tại nhiều quốc gia trên thế giới mà không cần sử dụng vũ lực. Có thể định nghĩa sơ lược các cuộc cách mạng màu như sau: làm thay đổi chính thể tại một quốc gia dưới vỏ bọc của một cuộc cách mạng do lực lượng quần chúng nhân dân bất mãn tiến hành.

Cách mạng màu không nhằm thay đổi cấu trúc xã hội tại một quốc gia mà chỉ nhằm thay thế nhân vật lãnh đạo để tiến hành một đường lối kinh tế và ngoại giao thân phương Tây. Cuộc cách mạng màu xanh (màu của ứng cử viên thất cử Mir Hossein Mousavi trong cuộc bầu cử tổng thống Iran ngày 12/6) là một ví dụ điển hình và mới nhất.

Khái niệm về cách mạng màu xuất hiện vào thập niên 90 thế kỷ trước nhưng thực sự bắt nguồn từ các cuộc chiến của Mỹ trong thập niên 70-80. Sau những phát hiện hàng loạt về các âm mưu đảo chính của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tại nhiều quốc gia trên thế giới và sự vạch trần quy mô lớn của các ủy ban nghị viện Church và Rockefeller về những sai lầm của CIA năm 1976, Tổng thống Mỹ khi đó là Carter đã chỉ định cho Đô đốc Stansfield Turner trong sạch hóa CIA và ngưng mọi hoạt động hỗ trợ của tổ chức này đối với các chế độ độc tài trên thế giới.

Bất mãn trước quyết định này, một số đảng viên đã rời hàng ngũ đảng Dân chủ và gia nhập nhóm của Ronald Reagan. Đây là những thành phần tri thức ưu tú thuộc trào lưu tân bảo thủ. Khi Reagan được bầu làm tổng thống, ông ta đã giao trách nhiệm tiếp tục công việc can thiệp vào các nước khác cho nhóm người trên, nhưng với cách làm khác.

Chính vì thế có sự ra đời của National Endowment for Democracy (NED) năm 1982 và tiếp đến là United States Institute for Peace (USIP) năm 1984. Về mặt pháp lý, NED là một hiệp hội phi lợi nhuận thuộc cánh hữu được tài trợ bởi một khoản ngân sách được Quốc hội phê chuẩn hàng năm gộp chung trong ngân sách của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Nhưng trên thực tế, NED chỉ là bình phong để CIA sử dụng cùng với Cơ quan Tình báo Anh (MI-6) và Cơ quan Tình báo Australia (ASIS) và đôi khi còn có sự tham gia của tình báo Canada và New Zealand.

NED, được cho là một cơ quan quảng bá nền dân chủ, hành động có thể trực tiếp thông qua “4 xúc tu”: hủ hóa các công đoàn, tha hóa giới chủ, tha hóa các đảng cánh tả và cuối cùng là những đảng viên cánh hữu; hoặc gián tiếp thông qua các quỹ bạn như Westminster Foundation for Democracy (Anh), International Center for Human Rights and Democratic Development (Canada)... NED thừa nhận đã làm tha hóa trên 6.000 tổ chức trong 30 năm hoạt động. Tất cả đều được giấu dưới vỏ bọc các chương trình đào tạo hoặc trợ giúp.

Còn USIP là một tổ chức nhà nước được cấp ngân sách hoạt động hàng năm và trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Khác với NED, USIP được dùng để làm vỏ bọc chỉ cho các cơ quan của Mỹ. Dưới hình thức các hoạt động nghiên cứu khoa học chính trị, tổ chức này có thể trả lương cho một số chính khách nước ngoài làm việc cho họ.

Âm mưu tiến hành cuộc cách mạng màu đầu tiên bị thất bại năm 1989. Đó là âm mưu lật đổ Đặng Tiểu Bình nhằm mở cửa thị trường Trung Quốc cho các nhà đầu tư Mỹ và đưa Trung Quốc vào quỹ đạo của Mỹ.

Cuộc cách mạng màu đầu tiên thành công là vào năm 1990. Khi Liên bang Xôviết đang trong quá trình tan rã, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là James Baker đã đến thăm Bulgary để vận động cho chiến dịch tranh cử của phe đối lập Bulgary thân Mỹ, vốn được NED tài trợ rất hậu hĩnh.

Thời kỳ đó, tại Đông Âu, NED dựa vào Tổ chức Free Congress Foundation (FCF), do các nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ phụ trách. Sau đó, tổ chức này biến mất và nhường chỗ cho quỹ Soros do các nghị sĩ đảng Dân chủ đảm nhiệm. Với sự giúp đỡ của quỹ Soros, NED tiến hành những âm mưu thay đổi các chế độ tại Đông Âu. Kết quả cuộc bầu cử tại Bulgary kết thúc với phần thắng thuộc về phe thân Nga.

Trong khi các quan sát viên châu Âu cho rằng, cuộc bầu cử được tiến hành minh bạch thì phe đối lập thân Mỹ ở Bulgary tố cáo có gian lận trong bầu cử và xúi giục người dân thuộc thành phần đối lập xuống đường biểu tình. Họ cắm trại ngay tại trung tâm thủ đô Sofia và đẩây Bulgary vào sự rối ren trong 6 tháng trời cho tới khi Quốc hội nước này bầu Zhelyu Zhelev thân Mỹ làm chủ tịch thì lúc đó tình hình mới được yên ổn.

Từ đó đến nay, Washington không ngừng tổ chức các cuộc cách mạng màu khắp nơi trên thế giới bằng sức mạnh của đường phố, nhiều hơn là bằng sức mạnh quân sự. Nếu như Mỹ cho rằng, đó là sự khuếch trương nền dân chủ trên thế giới, thì theo giới chuyên gia, thực chất hành động của Washington trong các cuộc cách mạng này là nhằm buộc các chế độ được dựng lên phải mở cửa thị trường nội địa vô điều kiện và tham gia vào hàng ngũ của Mỹ về phương diện ngoại giao. Tuy nhiên, nếu những mục đích trên được những người lãnh đạo các cuộc “cách mạng màu” biết rất rõ thì chúng chưa bao giờ được đưa ra tranh luận và chấp nhận bởi những người mà họ huy động biểu tình.

Năm 2005, phe đối lập Kyrgyzstan phản đối kết quả bầu cử lập pháp và tiến hành các cuộc biểu tình quy mô lớn và đã thành công khi lật đổ Tổng thống Askar Akaiev. Cuộc cách mạng này có tên gọi "cách mạng hoa tuylíp". Quốc hội Kyrgyzstan sau đó đã bầu ông Kourmanbek Bakiev, thân Mỹ, làm tổng thống.

Trước đó năm 2003, Washington, London và Paris đã tổ chức cuộc "Cách mạng hoa hồng" tại Gruzia theo kịch bản quen thuộc là phe đối lập tố cáo gian lận trong bầu cử Quốc hội và xuống đường biểu tình. Những người biểu tình khi đó đã buộc Tổng thống Edouard Chevardnadze phải bước xuống. --PageBreak--

Người lên thay ông là Mikhail Saakachvili đã ngay lập tức mở cửa thị trường Gruzia cho các tập đoàn kinh tế phương Tây và cắt đứt quan hệ với Nga. Những lời hứa do Washington đưa ra trước đó để thay thế khoản trợ giúp của Nga đã không được giữ sau khi cách mạng thành công. Để tiếp tục làm hài lòng những người hứa cho tiền, Tổng thống Saakachvili phải áp đặt một chế độ gần như độc tài: đóng cửa các hãng truyền thông và nhét đầy các nhà tù, nhưng điều đó không ngăn nổi việc các phương tiện truyền thông phương Tây coi Gruzia như một đất nước dân chủ.

Để lấy lại lòng dân chúng, Saakachvili lao vào một cuộc mạo hiểm quân sự. Với sự giúp đỡ của chính quyền Bush và Israel, Gruzia tiến hành đánh bom Nam Ossetia làm 1.600 người chết, trong đó đa phần là những người Gruzia gốc Nga. Moskva lập tức phản công. Các cố vấn của Mỹ và Israel khi đó rút lui trong bí mật. Gruzia rơi vào lạc lõng.

Động cơ chính của các cuộc cách mạng màu nằm ở chỗ đặt sự bất bình của dân chúng lên mục tiêu mà người ta cần hạ. Đây là một hiện tượng tâm lý số đông, nó càn quét tất cả những gì nó đi qua và không có bất cứ một vật cản nào được cho là có lý nhất có thể trụ lại được. Con mồi bị tố cáo đủ đường và là kẻ đẩy đất nước vào trì trệ, nghèo đói ít nhất cho một thế hệ. Con mồi càng phản kháng, sự bất bình của đám đông càng gia tăng. Chỉ khi nào con mồi bị hạ gục thì dân chúng mới lấy lại được bình tĩnh và những quan điểm hợp lý giữa những người ủng hộ và chống đối mới hé lộ.

Trong mọi trường hợp, Washington đều có sự chuẩn bị trước chính phủ "dân chủ" mà họ muốn đưa lên. Thành phần trong chính phủ mới thường được giữ kín, càng lâu càng tốt. Để khi đó, việc chỉ định một lãnh đạo mới tại đất nước có cách mạng màu không bao giờ bị nghi ngờ. Tại Serbia, những người "làm cách mạng" thân Mỹ đã chọn một logo thuộc về trí tưởng tượng của lực lượng cộng sản (cánh tay nắm đấm giơ lên) để che giấu sự phục tùng của họ đối với Mỹ...

Cuộc cách mạng tại Iran năm 2009 cũng nằm trong chuỗi những cuộc cách mạng màu được Mỹ tổ chức.

Kịch bản được đưa ra là ủng hộ ứng cử viên do Giáo chủ, cựu Tổng thống  Rafsandjani đề xuất, phản đối kết quả bầu cử tổng thống, tiến hành biểu tình và tấn công khủng bố khắp nơi, lật đổ Tổng thống Ahmadinejad và Đại giáo chủ Khamenei, thiết lập một chính phủ chuyển giao do Mousavi điều hành, sau đó tái lập nền quân chủ và lập một chính phủ giao cho Sohrab Sobhani lãnh đạo.

Cuộc cách mạng màu tại Iran đã thất bại

Như kịch bản đã được đưa ra năm 2002, cuộc cách mạng màu này sẽ được Morris Amitay và Michael Ledeen giám sát. Ledeen, quốc tịch Mỹ và Israel, sẽ phụ trách đầu mối liên lạc tại Washington, trong khi Mahmoud Rafsandjani (anh em của Giáo chủ Rafsandjani) là đầu mối tại Téhran. Morris Amitay, cựu Giám đốc Ủy ban Công vụ Israel - Mỹ (AIPAC), hiện là Phó chủ tịch Jewish Institute for National Security Affairs (JINSA) và giám đốc một văn phòng tư vấn cho các tập đoàn chế tạo vũ khí.

Ngày 27/-4 vừa qua, Morris và Ledeen đã tổ chức một cuộc hội thảo tại American Enterprise Institute để bàn về cuộc bầu cử tổng thống tại Iran. Trong khi đó tại Iran, việc cần làm của giáo chủ Rafsandjani là lật đổ đối thủ của mình, Đại giáo chủ Khamenei. Xuất thân trong một gia đình nông dân, Hachemi Rafsandjani trở nên giàu có nhờ đầu cơ bất động sản dưới thời hoàng đế Chah.

Trở thành người giàu nhất Iran, Hachemi Rafsandjani lần lượt được bầu vào các chức vụ như Chủ tịch Quốc hội, Tổng thống và hiện nay là Chủ tịch Hội đồng phân định (cơ quan trọng tài giữa quốc hội và Hội đồng Bảo hiến). Hachemi Rafsandjani đại diện cho tầng lớp thương nhân trung lưu tại Tehran. Trong chiến dịch tranh cử, Rafsandjani đã ra lệnh cho ứng cử viên Mir Hossein Mousavi tuyên bố rằng sẽ tư nhân hóa lĩnh vực dầu khí của Iran sau khi trúng cử tổng thống.

Ngoài ra, Washington còn kêu gọi sự giúp đỡ của nhóm quân sự đối lập Moudjahidines tại Iran. Nhóm này bị Bộ Ngoại giao Mỹ và châu Âu liệt vào danh sách các nhóm khủng bố nhưng lại được Lầu Năm Góc bảo vệ. Trách nhiệm của nhóm Moudjahidines là tiến hành các vụ khủng bố trong thời gian diễn ra bầu cử.

Trong trường hợp bạo loạn diễn ra khắp nơi, Đại giáo chủ Khamenei có thể sẽ bị lật đổ. Một chính phủ chuyển giao do Mir Hossein Mousavi điều hành sẽ tiến hành tư nhân hóa ngành dầu khí và thiết lập chế độ quân chủ. Con trai của cựu hoàng Shah, Reza Cyrus Pahlavi, sẽ được đưa lên làm vua và chỉ định Sohrab Sobhani làm thủ tướng.

Việc tuyên truyền cho cuộc cách mạng này được giao cho văn phòng Benador Associates, một hãng PR của Mỹ. Văn phòng này được phát triển nhờ sự ảnh hưởng của trợ lý Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa Iran, Goli Ameri. Viên trợ lý này là một cộng sự cũ của John Bolton, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc. Là chuyên gia về truyền thông kiểu mới, người này đã cho lắp đặt các hệ thống trang thiết bị và đào tạo tin học cho những người ủng hộ Rafsandjani. Bên cạnh đó, Benador Associates phát triển các kênh phát thanh và truyền hình bằng tiếng Arập nhằm tuyên truyền cho Bộ Ngoại giao Mỹ và phối hợp với Đài BBC của Anh.

Cuộc cách mạng màu tại Iran đã thất bại vì động cơ chính của nó đã không được kích hoạt đúng. Mir Hossein Mousavi không thể làm thăng hoa những bất bình của dân chúng đối với Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Người dân Iran đã không bị lừa, họ không đổ lỗi cho ông Ahmadinejad về những hậu quả mà các biện pháp trừng phạt kinh tế của Liên Hiệp Quốc áp đặt đối với Iran gây ra. Do vậy, sự phản đối chỉ hạn chế trong số những thành phần khá giả ở Tehran.

Chính quyền Ahmadinejad đã khéo léo né tránh không để những người ủng hộ đối đầu với những người chống đối và từ từ để cho những người muốn làm đảo chính tự mình khám phá. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng việc tung tin đồn nhảm của các phương tiện truyền thông phương Tây đã hoạt động rất tốt. Dư luận quốc tế đã thực sự tin rằng hai triệu người Iran xuống đường biểu tình chống đối chính phủ Ahmadinejad trong khi con số thực thấp hơn 10 lần

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.