Vì sao cuộc thương thuyết bí mật giữa ETA và Chính phủ Tây Ban Nha bị lộ?

Thứ Hai, 03/09/2007, 13:30
Vào khuya ngày 28 rạng ngày 29/5/2007, một đơn vị hải quan phối hợp với một tổ Cảnh sát Chống tội phạm (BAC) thiết lập chốt kiểm soát ở ngoại ô phía nam thành phố Périgueux thuộc tỉnh Dordogne của Pháp để chặn bắt bọn buôn lậu thuốc lá và cần sa vào lãnh thổ Pháp qua ngả Tây Ban Nha.

1h50’ ngày 29/5, các nhân viên hải quan làm nhiệm vụ phát hiệu lệnh yêu cầu một chiếc xe hơi hiệu Peugeot 307 chạy từ biên giới Tây Ban Nha về hướng thủ đô Paris dừng lại để kiểm tra.

Chiếc xe chạy chậm dần như sắp ngừng nhưng chỉ vài giây sau bỗng tăng tốc phóng vụt qua chốt kiểm soát. Lập tức, các nhân viên BAC triển khai cuộc rượt đuổi. Đến 2 giờ 20 phút, các nhân viên BAC phát hiện chiếc xe bị truy đuổi được bỏ tại một bãi đỗ xe gần Trường trung học Jay-de-Beaufort, thành phố Périgueux.

Tiến hành lục soát khu vực chung quanh, các nhân viên BAC phát hiện 2 người đàn ông trốn sau một bụi cây, đang cố phi tang nhiều tài liệu. Ngoài số tài liệu bị thu giữ, cảnh sát còn lấy từ thắt lưng một trong 2 người đàn ông một khẩu súng ngắn loại Herstal nòng 9mm, một thẻ lưu trữ thông tin USB.

Về chiếc Peugeot 307, cuộc kiểm tra nhanh chóng sau đó kết luận là một chiếc xe bị đánh cắp tại thành phố Bordeaux và mang biển số giả.

Nhận định ban đầu của các nhân viên BAC, đây chính là 2 thành viên của Tổ chức vũ trang đòi tự trị cho xứ Basque (ETA) do kiểu cách đối phó và hành xử của 2 kẻ nghi vấn giống hệt nhiều trường hợp bắt giữ các thành viên ETA trên lãnh thổ Pháp từ trước đến nay.

Có điều lạ là khi được giao về Sở Cảnh sát tỉnh Dordogne ở thành phố Périgueux để thẩm vấn, 2 gã đàn ông không nói một lời. Chỉ đến khi bị thẩm vấn gay gắt, gã lớn tuổi đọc 4 số điện thoại, trong đó có 2 số mang mã quốc gia Pháp và hai số mang mã  Tây Ban Nha.

Gã ta yêu cầu các nhân viên điều tra gọi gấp vào các số điện thoại này nói là cả 2 sẽ được trả tự do ngay khi các nhân viên điều tra nhận được trả lời điện thoại ở đầu dây phía bên kia.

Tuy nhiên, các nhân viên điều tra không vội gọi ngay vào các số điện thoại mà tiến hành điều tra xác minh. Kết quả xác minh đã khiến họ phải giật mình.

Một trong 2 số điện thoại mang mã quốc gia Pháp là của một quan chức cao cấp của Bộ Nội vụ Pháp, và là cộng sự thân tín của  Nicolas Sarkozy khi còn làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Số điện thoại thứ hai thuộc về một quan chức cao cấp của Cơ quan Tình báo tổng hợp (RG) của Bộ Nội vụ Pháp.

Riêng một trong 2 số điện thoại mang mã quốc gia Tây Ban Nha thuộc về một quan chức cao cấp trong Chính phủ của Thủ tướng José Luis Zapatero, còn số điện thoại thứ hai là của một nhà ngoại giao người Na Uy, làm việc tại Tây Ban Nha.

Chỉ cho đến khi việc xác minh các số điện thoại hoàn thành, hai người đàn ông Tây Ban Nha bị bắt giữ mới khai báo nhân thân của mình. Người đàn ông lớn tuổi tên Juan Carlos Iurrebaso Atutxa, 51 tuổi, nhân vật cao cấp của ETA. Năm 1980, y bị bắt giữ tại Hà Lan về tội cung cấp tài chính cho ETA.

Từ cuối tháng 12/2006, sau khi ETA tổ chức tấn công khủng bố vào sân bay quốc tế Barrajas ở thủ đô Madrid, Atutxa được ETA chỉ định làm người phụ trách thương thuyết với Chính phủ Tây Ban Nha. Người Tây Ban Nha thứ hai bị bắt giữ tên Kepa Mirana Suarez Huarte, 47 tuổi, là lái xe kiêm cận vệ của Atutxa.

Kepa Mirena Suarez Huarte, lái xe kiêm cận vệ bị bắt giữ cùng Atutxa.

 

Các khai báo tiếp theo của Atutxa đã làm lộ ra một bí mật mang tính quốc gia về các cuộc thương thuyết bí mật giữa ETA và các đời Chính phủ Tây Ban Nha thông qua trung gian của Pháp, Na Uy và Thụy Sĩ.

Vào ngày 16/9/1998, ETA bất ngờ tuyên bố tạm ngưng các hoạt động vũ trang sau 38 năm đấu tranh đòi tự trị cho xứ Basque, gây nên cái chết cho 819 người.

Đây là kết quả của những cuộc thương thuyết bí mật giữa ETA và chính phủ do Thủ tướng José Maria Aznar đứng đầu qua trung gian của Na Uy và Thụy Sĩ. Thế nhưng, vì không đạt được kết quả như mong muốn, Thủ tướng Aznar ra lệnh trấn áp ETA. Đáp lại, ETA tuyên bố tiếp tục các hoạt động vũ trang khủng bố trên lãnh thổ Tây Ban Nha từ tháng 11/1999.--PageBreak--

Tháng 5/2005, khi trở thành Thủ tướng mới của Tây Ban Nha, ông José Luis Zapatero quyết định nối lại các cuộc thương thuyết với ETA qua trung gian của Na Uy, Thụy Sĩ và Pháp, với hy vọng ETA sẽ tuyên bố ngừng hẳn các hoạt động vũ trang khủng bố và giao nộp vũ khí.

Tuy nhiên, lần này các cuộc thương thuyết diễn ra hoàn toàn bí mật do Chính phủ Tây Ban Nha lo ngại bất cứ thông tin nào liên quan đến các cuộc thương thuyết khi được tiết lộ sẽ là cái cớ để các đảng phái đối lập, nhất là đảng Dân tộc (PP), công kích thái độ không cương quyết trấn áp để dẹp bỏ ETA đến cùng của chính phủ mới. Ngay cả Mỹ, Anh cũng muốn chính phủ của Thủ tướng Zapatero phải mạnh tay trấn áp ETA.

Tại Pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nicolas Sarkozy (nay là Tổng thống), được sự chấp thuận của Tổng thống Jacques Chirac, quyết định thành lập một tổ công tác đặc biệt làm trung gian tổ chức các cuộc thương thuyết giữa ETA và Chính phủ Tây Ban Nha, do một Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nhân vật mà Atutxa trưng ra số điện thoại).

Khi các cuộc thương thuyết bí mật gần đạt đến thỏa thuận cuối cùng là ETA sẽ tuyên bố từ bỏ hẳn hoạt động vũ trang và hạ vũ khí để đổi lại việc các tù nhân ETA lần lượt sẽ được trả tự do và Chính phủ Tây Ban Nha sẽ tăng thêm một số quy định tự trị cho xứ Basque, thì xảy ra một sự cố.

Một số thành viên cấp cao của ETA có tư tưởng cực đoan tố cáo rằng, việc chấp thuận các điều kiện của Chính phủ Tây Ban Nha là chấp nhận thất bại trong cuộc đấu tranh vũ trang đòi tự trị cho xứ Basque trong 3 thập niên qua, vì vậy đã cố tình phá hoại cuộc thương thuyết bằng cách tổ chức tấn công khủng bố vào sân bay quốc tế Barrajas ở thủ đô Madrid vào ngày 30/12/2006, làm chết 2 người.

Tưởng đâu vụ khủng bố này sẽ làm thất bại các cuộc thương thuyết, nhưng được thuyết phục bởi 3 quốc gia trung gian là Pháp, Na Uy và Thụy Sĩ, Chính phủ Tây Ban Nha quyết định vẫn thương thuyết với ETA để cố đạt được thỏa thuận hòa bình cuối cùng.

Trong khi các cuộc thương thuyết đang diễn ra thì vào ngày 28/5/2007, Atutxa nhận nhiệm vụ đến Pháp gặp người đứng đầu tổ công tác đặc biệt của Bộ Nội vụ Pháp để bàn thảo về việc trả tự do cho các tù nhân ETA còn bị giam giữ trên lãnh thổ Pháp.Tuy nhiên, nhiệm vụ này gặp thất bại khi cả Atutxa và viên cận vệ bị bắt giữ tại thành phố Périgueux và thông tin về vụ bắt giữ này đã đến với các phương tiện truyền thông.

Cho tới nay, người ta vẫn chưa biết về số phận của Atutxa và Huarte, nhưng ở Tây Ban Nha, Chính phủ của Thủ tướng Zapatero đang phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt của các đảng phái đối lập, nhất là khi Europol đưa ra khuyến cáo “ETA đang ráo riết tái cơ cấu các đơn vị vũ trang nhằm tổ chức các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào các nhân vật quan trọng ở Tây Ban Nha”.

Còn tại Pháp, Quốc hội và nhiều đảng phái đang yêu cầu Chính phủ của Thủ tướng François Fillon phải giải trình về  tiến trình  tham gia của Pháp làm nhiệm vụ trung gian thương thuyết giữa ETA và Chính phủ Tây Ban Nha, một hành động được xem là bất hợp pháp vì chưa được Quốc hội thông qua

Văn Hòa (theo L'Expreess)
.
.