Vì sao điệp viên Robert Stephan Lipka bị phát hiện?

Thứ Tư, 18/10/2006, 08:45
Tháng 2/1996, Cơ quan Phản gián Mỹ đã chính thức bắt giữ Robert Stephan Lipka, một cựu nhân viên của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) vì tội hoạt động gián điệp cho Liên Xô.

Theo công bố chính thức của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), Lipka trong một thời gian dài đã chuyển giao cho các điệp viên Xôviết bản sao của rất nhiều báo cáo hàng ngày và hàng tuần của NSA được chuẩn bị để chuyển cho Nhà Trắng, cùng dữ liệu về tình trạng thuyên chuyển quân của Mỹ.

Trường hợp của Lipka có rất nhiều điểm tương đồng với vụ của điệp viên Earl Pitts, một cựu nhân viên FBI cũng bị bắt giữ sau một thời gian dài gián đoạn hợp tác với Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR). Từng có thời gian phục vụ tại trụ sở của NSA trong giai đoạn 1964-1967, Lipka đã kịp trao cho Liên Xô rất nhiều báo cáo mật của NSA dành cho Nhà Trắng, cùng với nhiều dữ liệu về việc bố trí quân đội Mỹ. Điều đáng chú ý là, mặc dù Lipka chỉ là một nhân viên thường, anh ta vẫn có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều tài liệu quan trọng. Chẳng hạn như tài liệu của quân đội Mỹ được giao cho Lipka mang đi hủy thì Lipka giữ lại và mang tới... Đại sứ quán Liên Xô.

Những đánh giá ban đầu cho thấy, việc Lipka bị phát hiện là do một người của KGB về hưu tên Oleg Kalugin, kẻ đã chạy trốn sang Mỹ từ năm 1994. Trong cuốn sách có tên “The First Directorate” của Kalugin xuất bản tại New York vào năm 1994 có viết: “Hồi giữa những năm 60, một người lính trẻ của NSA đã tới Đại sứ quán Liên Xô tại Washington. Anh ta cho biết đang phụ trách chiếc máy cắt giấy chuyên để hủy tài liệu mật tại NSA và muốn bán những tài liệu trên cho KGB... Các tài liệu do người lính này chuyển giao đều xếp vào loại được bảo mật cao. Trong đó, quan trọng nhất là các báo cáo hàng ngày và hàng tuần dành cho Nhà Trắng, bản sao các tài liệu về bố trí quân đội Mỹ trên khắp thế giới, thông tin về hệ thống liên lạc của các nước trong NATO. Anh ta đã chuyển cho chúng tôi tất cả những gì đã qua tay mình. Mỗi lần giao tài liệu, anh ta được nhận 1.000 USD... Một thời gian sau, nhân vật này không còn làm việc tại NSA nữa để ra ngoài đi học”. Rõ ràng, nếu chỉ cần xem qua đoạn sách này, việc lần ra kẻ nội gián tại NSA vào giai đoạn những năm 60 đó hoàn toàn là chuyện quá đơn giản đối với Cơ quan Phản gián Mỹ.

Trong nhóm các quân nhân tại NSA được giao nhiệm vụ hủy các tài liệu mật dành cho Tổng thống Mỹ và Nhà Trắng vào giữa những năm 60 chỉ có từ 5 đến 7 người tất cả, trong khi không có nhiều người thuộc dạng “nhân viên quèn” như Lipka. Một tài liệu tham khảo nữa từ vụ này có thể lấy từ hồ sơ của Mitrokhin, một quan chức phụ trách kho hồ sơ lưu trữ của KGB đã chạy trốn sang phương Tây, trong đó có đoạn viết: “Dan – tức Robert Stephan Lipka... hồi tháng 9/1965 đã tới Đại sứ quán ở Washington và đề nghị bán các tài liệu của NSA...".

Tuy nhiên, một số thông tin từ nội bộ của FBI lại khiến người ta nhìn nhận vụ việc này dưới khía cạnh khác. Theo đó, FBI đã bắt đầu “để ý” tới Lipka ngay từ năm 1966. Người bạn gái cũ của Lipka (lại là nhân viên một bộ phận phụ trách phản gián của FBI) đã thông báo về việc, Lipka đã khoác lác với mình về ba chiếc máy ảnh đặc biệt được tình báo Xôviết trao cho để chụp tài liệu. Tháng 1/1967, Lipka còn chỉ cho người tình một số hộp thư bí mật với các tài liệu để chuyển cho nhân vật “Ivan” nào đó và khoản tiền nhận được từ anh ta. Nếu đúng như vậy, Lipka chắc chắn đã bị lộ diện từ thời điểm đó. Điều khó hiểu là anh ta đã không bị bắt ngay, mà chỉ được thuyên chuyển khỏi vị trí nhạy cảm đã gây ra những tổn thất nặng nề cho an ninh quốc gia của Mỹ. Trong khi phải đến 30 năm sau, Lipka mới bị bắt giữ và xét xử.

Cuốn sách "The First Directorate".

Lời lý giải rõ ràng nhất cho mâu thuẫn này chỉ có thể tìm thấy ở chính tên phản bội Kalugin. Việc FBI (dù biết được hoạt động gián điệp của Lipka ngay từ năm 1967) đã không truy tố anh ta chỉ nhằm một mục đích quan trọng duy nhất: đó là che giấu một nguồn thông tin quan trọng khác của mình tại KGB. “Con chuột chũi” này không ai khác chính là Kalugin. Trên thực tế, Kalugin đã trao cho người Mỹ thông tin về Lipka ngay từ cuối năm 1966, khi hắn đang làm phó chỉ huy bộ phận tình báo tại Washington.

Năm 1994, Oleg Kalugin bí mật sang lẩn trốn tại Mỹ vì lo sợ sẽ bị truy tố về tội phản bội Tổ quốc. Đã đến lúc Lipka phải trả “món nợ” trong quá khứ của mình. Tuy nhiên cần phải có bằng chứng để mở lại phiên tòa xét xử vụ việc từ 30 năm về trước. Các dữ liệu trong hồ sơ Mitrokhin không thể là những chứng cứ trước tòa do không xác minh được. Trong khi Kalugin không thể xuất hiện tại phiên tòa do trên danh nghĩa hắn vẫn chưa phải là kẻ phản bội, và Kalugin vẫn xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng với tư cách một công dân CHLB Nga, một nhân vật lão luyện của tình báo Xôviết và một điệp viên đã nghỉ hưu từ KGB. Nhưng FBI với quyết tâm phải trừng phạt Lipka đã bắt buộc Kalugin phải gián tiếp tiết lộ về nhân vật này trong cuốn sách của mình.

Kết quả là Stephan Lipka sau một thời gian chối cãi đã nhận tội và bị kết án 18 năm tù. Còn bộ mặt thật của Kalugin cũng nhanh chóng lộ rõ từ sau phiên tòa này. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Kommersant về vụ việc trên, Tổng thống Vladimir Putin chỉ nhận xét bằng một câu ngắn gọn: “Kalugin là một kẻ phản bội!”. Khi biết được điều này, Kalugin đã phản ứng một cách chống chế: “Trong tình huống này, tôi buộc phải xin cư trú chính trị tại thế giới tự do. Tôi không có ý định quay trở lại nước Nga dưới thời Putin”

Thái Quân (Tổng hợp)
.
.