Vì sao nhà ngoại giao Trung Quốc Kiều Quán Hoa bị cách ly, thẩm tra?

Thứ Hai, 16/01/2006, 09:25

Kiều Quán Hoa là một nhà ngoại giao nổi tiếng của Trung Quốc chỉ sau Trần Nghị, trước và sau năm 1970, ông là Bộ trưởng Ngoại giao được Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai rất tín nhiệm. Vậy tại sao sau khi "Bè lũ 4 tên" bị đánh đổ, ông lại bị bắt, cách ly điều tra thẩm vấn?

Có tên trong tổ chức của “bè lũ 4 tên”

Ngày 6/10/1976, toàn bộ các thành viên “Bè lũ 4 tên” bị bắt, liền sau đó ngay trong cơ quan Bộ Ngoại giao tại Bắc Kinh có người dán báo chữ lớn, tố cáo Kiều Quán Hoa từng ngầm theo chỉ lệnh của “Bè lũ 4 tên”, dọn đường dư luận để “Bè lũ 4 tên” thoán Đảng, đoạt quyền.

Sự việc khởi nguồn từ chuyện khi bắt “Bè lũ 4 tên”, khám nhà bọn chúng, tình cờ tại nhà Vương Hồng Văn, nhân viên điều tra phát hiện bản danh sách sắp xếp “nội các” do Giang Thanh và Diêu Văn Nguyên soạn thảo, trên đó có bút tích chỉnh sửa của Vương Hồng Văn. Theo đó thì “nội các” sắp tới của chúng sau khi đoạt được quyền sẽ bao gồm: Chủ tịch TW Đảng là Giang Thanh, Ủy viên trưởng Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Chủ tịch Quốc hội) là Vương Hồng Văn, Thủ tướng Quốc vụ viện là Trương Xuân Kiều, Phó thủ tướng là Diêu Văn Nguyên, Kiều Quán Hoa...

Tháng 11 năm ấy, cuộc họp lần thứ ba Quốc hội khóa 4 của Trung Quốc, quyết định bãi miễn chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Kiều Quán Hoa.

Thẩm tra không có Kết luận

Bởi nghi ngờ có dây mơ rễ má với “Bè lũ 4 tên”, Kiều Quán Hoa bị thẩm tra trong một thời gian dài, ông và vợ ông là bà Chương Hàm Chi cách ly mỗi người một nơi. Tháng 3/1977, chứng nhồi máu cơ tim của Kiều Quán Hoa tái phát phải vào bệnh viện điều trị, bệnh tình vừa thuyên giảm, thì ông lại bị gọi đến cơ quan điều tra, tiếp tục chịu thẩm vấn.

Ít lâu sau phát hiện Kiều Quán Hoa bị ung thư, thì cũng lúc ấy có người nêu ý kiến cần chuyển Kiều Quán Hoa vào nhà tù Tần Thành, may được Đặng Tiểu Bình vừa khôi phục chức vụ ra chỉ thị ngăn cản. Tháng 8 cùng năm, Kiều Quán Hoa được đưa vào Bệnh viện Bắc Kinh làm phẫu thuật cắt bỏ ung thư phổi, lãnh đạo hữu quan lại nêu kiến nghị cắt bỏ “chế độ đãi ngộ điều trị cán bộ cao cấp” đối với ông. Lại phải nhờ tới sự can thiệp của Đặng Tiểu Bình, Vương Chấn... chuyện mới êm.

Ngày 11/2/1979, sức khỏe sau mổ của Kiều Quán Hoa tương đối hồi phục, bà Chương Hàm Chi được phép đón ông về nhà chăm sóc. Ít lâu sau Bộ Ngoại giao đưa tới một bản thông báo sửa sai với nội dung: đợt chỉnh Đảng năm 1958, việc phê phán Kiều Quán Hoa phạm sai lầm hữu khuynh là phê phán sai, quá đáng và xóa bỏ hình thức xử lý “cảnh báo nghiêm khắc trong Đảng đối với ông.

Trung ương ra tuyên bố sửa sai cho Kiều Quán Hoa

Ngày 22/12/1982, Tổng Bí thư TW Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang chỉ thị cho Tập Trọng Huân và Trần Phôi Hiển thay mặt TW tiếp Kiều Quán Hoa và Chương Hàm Chi tại Trung Nam Hải. Hai ông ân cần thăm hỏi bệnh tình của Kiều Quán Hoa. Cuối cùng Tập Trọng Huân thay mặt TW nói: “Chuyện vừa qua coi như cơn gió thoảng, chấm hết! Anh là đồng chí lâu năm trong Đảng, chịu chút ấm ức, thôi cho qua đi”. Dừng giây lát thăm dò thái độ, Tập Trọng Huân nói tiếp: “Mặt trận Ngoại giao đang rất cần anh phát huy tác dụng, mươi mười lăm ngày nữa sẽ có quyết định chính thức. Anh cứ yên tâm tĩnh dưỡng cho khỏe”.

Mặc dù biết rằng chứng ung thư của mình đã ở giai đoạn di căn, vô phương cứu chữa, nhưng Kiều Quán Hoa vẫn vui vẻ nói: “Tuy bệnh tật, nhưng tôi vẫn mong muốn được tiếp tục làm việc, cống hiến hết mình cho Đảng”. Về sau, Kiều Quán Hoa được sắp xếp làm cố vấn Hiệp hội Hữu hảo đối ngoại nhân dân Trung Quốc, còn bà Chương Hàm Chi cũng được phân công làm Ủy viên Thường trực của Hiệp hội Đối ngoại này.

Ngày 2/9/1983, Kiều Quán Hoa phải vào Bệnh viện Bắc Kinh điều trị vì bệnh tình quá nặng. Tập Trọng Huân thay mặt Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Trung Quốc vào thăm ông. Kiều Quán Hoa ngước cặp mắt mệt mỏi nhìn Tập Trọng Huân, cố gượng cười: “Cảm ơn anh cất công vào thăm tôi”, rồi quay đầu lại nói với bà Chương Hàm Chi: “Thôi chả còn gì để nói nữa”.

Buổi sáng hôm sau, nhà ngoại giao nổi tiếng một thời lặng lẽ về chốn vĩnh hằng

Bùi Hữu Cường
.
.