Vì sao thế giới quyết định mở kho dầu dự trữ chiến lược?

Thứ Tư, 13/07/2011, 08:35

Theo The Wall Street Journal, Mỹ và 27 quốc gia khác đã đạt được thỏa thuận tung ra thị trường 60 triệu thùng dầu lấy từ các kho dự trữ chiến lược. Đây được coi là một nỗ lực chung lớn nhằm hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn mỏng manh dễ tổn thương. Quyết định trên ngay lập tức có tác dụng tạm thời làm giảm giá dầu xuống còn dưới 90USD/thùng, mức giá thấp kỷ lục trong vòng 4 tháng qua.

Washington tuyên bố, quyết định mở các kho dầu dự trữ chiến lược (đây mới là lần thứ ba trong lịch sử) được thông qua là nhằm bù đắp một phần nào lượng dầu mỏ thiếu hụt từ Libya, cũng như tăng lượng cung để đáp ứng cho nhu cầu đỉnh điểm của thế giới trong dịp hè này. Cần biết là chỉ trong 3 tháng diễn ra cuộc chiến tại Libya, lượng dầu mỏ khai thác thiếu hụt từ quốc gia này đã lên tới 140 triệu thùng.

Tuy nhiên, theo các phóng viên của Wall Street Journal, quyết định can thiệp trên của chính quyền Obama ngay lập tức đã hứng chịu sự chỉ trích của các công ty dầu mỏ, các hiệp hội thương gia cũng như giới nghị sĩ đảng Cộng hòa.

Cụ thể Tổng thống Obama bị cáo buộc chỉ vì các mục đích chính trị của mình đã "phung phí" một lượng dầu dự trữ chiến lược, thay cho việc phải chiều theo đề xuất của phe Cộng hòa về việc đẩy mạnh khai thác dầu ngay tại Mỹ.  Dù sao, quyết định mở kho dầu dự trữ còn đem lại cho Mỹ và các đồng minh thêm một số lợi ích nữa - chẳng hạn như tăng cường áp lực lên Iran, quốc gia đang nhờ vào giá dầu mỏ lên cao để có tiền cung cấp cho chương trình hạt nhân và các chính sách mở rộng ảnh hưởng của mình.

Dù giá dầu ngay từ trước khi có quyết định trên đã có phần hạ nhiệt so với mức đỉnh điểm vào mùa xuân vừa rồi, nhưng các chuyên gia tại Cơ quan Năng lượng quốc tế cho rằng, ý tưởng mở các kho dầu dự trữ chiến lược chỉ thực sự được ủng hộ rộng rãi, sau khi các quốc gia thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã không thể đạt được thỏa thuận về việc tăng sản lượng khai thác trong kỳ họp ngày 8/6 vừa qua. Như vậy với quyết định mới trên, sẽ có khoảng một nửa trong tổng số 60 triệu thùng dầu được xuất ra từ các kho dự trữ của Mỹ, còn lại là 30% từ các nước châu Âu và 20% từ châu Á.

Một kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ.

Cũng theo thông báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế, những thùng dầu này (chiếm khoảng 4% trong tổng cộng 1,6 tỉ thùng dầu tại các kho dự trữ chiến lược trên khắp thế giới) sẽ chính thức xuất hiện trên thị trường vào những ngày đầu tháng 7 này.

Thông tin khai thác được từ The Wall Street Journal cho biết, Tổng thống Obama - do biết được Arập Xêút thường có truyền thống chống lại việc sử dụng các kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ - để có được thỏa thuận này đã có những bước đi nhằm bàn bạc trước về ý tưởng trên với nhà vua Abdullah, cụ thể với việc một phái đoàn Mỹ đã bí mật tới Arập Xêút, UAE và Kuwait.

Tiếp theo trong Hội nghị G-8 tại Deauville (Pháp), Tổng thống Obama tiếp tục kêu gọi nỗ lực phối hợp hành động từ các nguyên thủ quốc gia khác. Cũng theo lời các quan chức cao cấp Mỹ, Washington sẽ tiếp tục theo dõi sát sao thị trường dầu mỏ trong tháng 7 để nếu cần thiết có thể tiếp tục mở thêm kho dự trữ chiến lược một lần nữa.

Thỏa thuận mở các kho dầu dự trữ chiến lược được các nhà phân tích đón nhận với thái độ có phần hoài nghi và lo ngại. Theo các chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), hiện tượng giá dầu giảm là phản ứng không phải chỉ từ thỏa thuận trên, mà còn do những lo ngại liên quan đến thị trường lao động tại Mỹ, tình trạng nền kinh tế Trung Quốc và những dự định của Cục Dự trữ liên bang tạm thời không tiếp tục tung ra những biện pháp thúc đẩy kinh tế. Hơn nữa, thỏa thuận mở kho dự trữ chiến lược thật ra chỉ mang ý nghĩa tâm lý nhiều hơn: 60 triệu thùng dầu trên thực tế không đủ để cho cả thế giới sử dụng trong 1 ngày

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.