Vì sao thủ phạm vụ khủng bố Lockerbie được thả tự do trước thời hạn?

Thứ Hai, 14/09/2009, 21:50
Việc ngành tư pháp Scotland hôm 20/8 vừa qua trả tự do vì lý do sức khỏe cho Abdel Basset al-Megrahi, bị kết án tù chung thân vì đã gây ra vụ khủng bố Lockerbie năm 1988 làm 270 người chết đã khiến không những báo chí và các đảng phái đối lập tại Anh phẫn nộ mà còn gây bất bình cho Chính phủ Mỹ.

Năm nay 57 tuổi và được chẩn đoán bị ung thư tuyến tiền liệt hồi năm ngoái và đã bước vào giai đoạn cuối chỉ còn sống được 3 tháng nữa, hôm 20/8 vừa qua, al-Megrahi đã được Bộ trưởng Tư pháp Scotland Kenny MacAskill chính thức công bố thả tự do và cho phép về Libya để chết sau khi đã thụ án 8 năm của bản án chung thân. "Tôi biết có rất nhiều cảm xúc đã phải kìm nén và nhiều người không đồng tình, nhưng quyết định đã được đưa ra" - Bộ trưởng MacAskill nói. Ông khẳng định quyết định này là của cá nhân ông, và rằng al-Megrahi được thả vì lý do nhân đạo, để có thể được chết ở Libya.

Tháng trước, chính quyền Scotland thông báo nhận được đơn xin khoan hồng cho al-Megrahi vì lý do nhân đạo. Hồi tháng 5/2009, Libya thỉnh cầu cho ông ta được chuyển về quê theo hiệp ước chuyển giao tù nhân giữa Anh và Libya. Al-Megrahi cũng đã gửi đơn kháng cáo lần thứ hai hồi tháng 4/2009 sau khi đơn kháng cáo lần đầu vào năm 2002 bị bác. Vụ án Lockerbie nổi tiếng thế giới về sự phức tạp, thiếu chứng cứ, thời gian kéo dài, liên quan đến Libya, Anh và Mỹ.

Ngày 21/12-1988, chiếc máy bay Boeing 747-121 mang số hiệu N739PA của Hãng Hàng không Pan Am, Mỹ, đang thực hiện chuyến bay lịch trình vượt Đại Tây Dương từ London tới Sân bay Quốc tế John F. Kennedy đã bị thổi bay khi đang bay trên bầu trời Lockerbie, Scotland, Anh, sau khi một loại chất nổ plastic nặng khoảng 340-450g phát nổ ở khoang chứa hàng trước, gây ra một chuỗi sự kiện khởi đầu cho việc phá hủy nhanh chóng của máy bay. 270 người từ 21 quốc gia khác nhau đã bị thiệt mạng, kể cả 11 người ở dưới mặt đất. Với 189 hành khách thiệt mạng là người Mỹ, vụ đánh bom này là vụ tấn công khủng bố tệ hại nhất chống lại nước Mỹ cho đến vụ 11/9/2001.

Năm 2001, al-Megrahi bị kết án tù chung thân vì tội đặt bom khủng bố trên chuyến bay trên nhưng bản thân al-Megrahi, là cựu nhân viên tình báo của Libya, chưa bao giờ thừa nhận phạm tội. Đến năm 2003, một tòa án Scotland ra phán quyết nói rằng al-Megrahi phải thụ án ít nhất 27 năm tù trước khi có thể được ân xá.

Ngay tối ngày được trả tự do, al-Megrahi đã được đưa trở về Libya để đoàn tụ với gia đình và được đón tiếp như một anh hùng tại Sân bay Quốc tế Tripoli. Đích thân ông Seif al-Islam, con trai nhà lãnh đạo Libya Muamar Gaddafi, lên tận cầu thang máy bay đón tiếp. Hàng trăm thanh niên Libya ra sân bay vẫy quốc kỳ Libya và hô những khẩu hiệu yêu nước chào mừng al-Megrahi trở về.

Việc trả tự do cho al-Megrahi và việc người này được đón tiếp nồng nhiệt ở quê nhà đã gây ra những phản ứng trái chiều ở Anh và Mỹ. Đặc biệt, báo chí và phe đối lập tại Anh tình nghi việc thả thủ phạm vụ khủng bố Lockerbie xuất phát từ quyền lợi kinh tế của Chính phủ Gordon Brown.

Abdelbasset Ali Al-Megrahi được trả tự do hôm 20/6 và được chào đón như người hùng tại Libya đã gây bất bình cho dư luận.

Phát biểu trên Đài Truyền nhà nước Libya tối ngày 21/8, ông Seif al-Islam đã khẳng định rằng, trong mọi hợp đồng thương mại, dầu khí với Anh, việc trả tự do cho al-Megrahi bao giờ cũng nằm trên bàn nghị sự, ám chỉ rằng London mong muốn thủ phạm vụ Lockerbie được phóng thích để cải thiện quan hệ thương mại với Tripoli.

Chính phủ Anh ngay lập tức đã bác bỏ tuyên bố của ông Seif Al-Islam: "Không có bất cứ mối liên hệ nào giữa việc phóng thích Abdel Basset al-Megrahi với những hợp đồng thương mại giữa Anh và Libya".

Thế nhưng, báo chí Anh hôm 22/8 đã không che giấu thái độ bất mãn đối với cách xử lý của chính quyền London trong vụ này. Nhật báo The Guardian đánh giá là Scotland, Anh, cũng như Libya, và nhất là Washington, sẽ không thấy uy tín tăng lên sau vụ này. Tờ báo lấy làm tiếc là điểm chung liên kết các chính quyền nói trên là thái độ không mấy nhiệt tình để tìm ra sự thật trong vụ khủng bố Lockerbie, nếu họ đã nắm được các chứng cứ. Đây cũng là cảm nghĩ của tờ The Independent, khi cho rằng phải ngây thơ lắm mới không thấy có cuộc thương lượng đằng sau quyết định của ngành tư pháp Scotland, Anh.

Tờ Daily Telegraph thì chú ý đến sự im lặng kỳ lạ của Thủ tướng Anh Gordon Brown trong vụ này, một thái độ nuôi dưỡng những tin đồn theo đó Thủ tướng Anh đã tán đồng việc trả tự do cho al-Megrahi, để bảo vệ quyền lợi của các tập đoàn dầu khí Anh ở Libya. Có tin cho rằng LondonTripoli đã đạt được những thỏa thuận chính trị kín diễn ra tối 19-8 liên quan đến những quyền lợi dầu mỏ của Anh tại Libya.

Sáng ngày 23/8, phe đối lập tại Anh bắt đầu lên tiếng và đặt ra những nghi vấn lớn trước công luận về vai trò của Chính phủ Gordon Brown trong vụ việc này. Lãnh đạo phe đối lập bảo thủ David Cameron đã viết thư cho Thủ tướng Brown yêu cầu ông giải thích quan điểm của người đứng đầu Chính phủ Anh về việc trả tự do cho cựu nhân viên tình báo của Libya và cho rằng sự im lặng của ông là rất "đáng ngờ". Về phía mình, một phát ngôn viên của đảng Tự do dân chủ tại Anh cho rằng dường như đã có sự móc nối giữa London và Edimbourg trong vụ việc này.

Cho đến nay, Thủ tướng Brown cũng như chính phủ của ông mới chỉ đưa rất ít bình luận liên quan tới vụ việc vì theo giới quan sát ông Brown đang nghỉ hè tại Scotland nên ông có lý do chính đáng cho sự im lặng của mình. Hiện mọi tuyên bố của Chính phủ Anh đều do Peter Mandelson, một nhân vật thân tín của cựu Thủ tướng Tony Blair, hiện là Bộ trưởng Thương mại, đảm nhiệm để trả lời những phản ứng và phát biểu của các bên liên quan.

Trong khi đó, tại Mỹ Tổng thống Barack Obama nói ông cảm thấy bị sốc mạnh trước việc al-Megrahi được đón mừng như vị anh hùng ở sân bay Tripoli. Tờ Washington Post cho rằng ông Obama sẽ xem xét lại quan hệ giữa Mỹ và Libya, vốn được sưởi ấm dưới thời chính quyền của Tổng thống George Bush. "Nếu chính quyền Tripoli không quản thúc tại gia đối với al-Megrahi đúng theo yêu cầu của Washington thì rất có thể chính quyền Obama sẽ phải nghĩ đến việc tái lập lại các biện pháp trừng phạt đối với Libya" - Washington Post số ra ngày 22/8.

Nhiều gia đình nạn nhân vụ Lockerbie bày tỏ tức giận trước việc tù nhân này được phóng thích. Trước đó, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã điện thoại cho ông MacAskill kêu gọi không thả al-Megrahi. 7 thượng nghị sĩ Mỹ cũng viết thư với thông điệp tương tự.

Thậm chí, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Robert Mueller, người không có thói quen bình luận những quyết định của các thẩm phán, nhưng trong bức thư gửi Bộ trưởng Tư pháp Scotland MacAskill ngày 22/8 nói rõ ông cảm thấy không có lý do nào có thể biện minh cho quyết định thả tự do cho al-Megrahi, quyết định trên là gây tổn hại tới sự công bằng và đào sâu vào nỗi đau của gia đình các nạn nhân.

Hiệp hội gia đình các nạn nhân trong vụ khủng bố Lockerbie ngày 21/8 đã chuẩn bị một cuộc biểu tình nhằm phản đối chuyến thăm Mỹ vào ngày 23/9 tới của nhà lãnh đạo Gaddafi khi tới dự khóa họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.