Vì sao tình báo Isarel phá hoại tàu Sol Phryné của Palestine?

Thứ Năm, 21/01/2010, 09:25
Sáng sớm ngày 12/2/1988, cư dân thành phố cảng Limassol của đảo quốc Chypre, nằm trên biển Địa trung Hải, bỗng giật mình thức giấc bởi một tiếng nổ lớn xuất phát từ cầu cảng chính của thành phố Limassol. Có mặt ngay tại hiện trường sau khi vụ nổ xảy ra, cảnh sát hàng hải của đảo Chypre phát hiện chiếc tàu phà Sol Phryné, mang cờ Hy Lạp bị phá thủng một lỗ lớn ở mạn phải khiến nước tràn vào thân tàu.

Điều tra của nhà chức trách đảo Chyppre nghiêng về giả thuyết đây là một vụ phá hoại mà thủ phạm có thể là tình báo Israel. Bởi vì hai ngày trước đó, ngày 10/2/1988, tình báo Israel đã thực hiện một số các vụ ám sát nhắm vào các nhân vật cao cấp của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại thành phố Limassol trong đó có mục tiêu chính là Marwan Kayyali, người phụ trách các hoạt động chống phá Israel tại Liban và Abdul Madival al-Nakrad, chỉ huy các hoạt động của PLO tại Syria.

Mặc dù cả hai nhân vật này đều may mắn thoát chết, nhưng hai phụ tá, cũng là thành viên quan trọng của PLO đã bị giết hại khi chiếc xe Volkswagen của họ bị nổ tung bởi một quả bom hẹn giờ được điều khiển từ xa ngay trên đường phố Limassol. Một cuộc săn đuổi những sát thủ đã diễn ra ngay sau đó và kết thúc bằng vụ bắn hạ hai kẻ lạ mặt, đều là điệp viên của Cơ quan Tình báo hải ngoại Israel (Mossad). Vụ việc sau khi được làm sáng tỏ đã làm căng thẳng quan hệ giữa Israel và Chypre, đến nỗi chính quyền đảo Chypre quyết định không cấp thị thực nhập cảnh cho công dân Israel vào lãnh thổ Chypre.

Chiếc Sol Phryné nguyên là tàu phà Taetsu Maru của Nhật đuợc hạ thủy vào năm 1948 tại nhà máy đóng tàu Mitsubishi Jukogyo của thành phố Kobe. Đây là loại tàu phà hạng trung có tổng trọng lượng 1.150 tấn, dài 118.7m, có thể chuyên chở đến 630 hành khách với vận tốc 15,5 hải lý/giờ. Tàu phà Sol Phryné thuộc sở hữu của Hãng tàu Ephthymiades Line của Hy Lạp từ năm 1967 đến năm 1974, làm nhiệm vụ vận chuyển hành khách quanh các đảo của Hy Lạp. Năm 1974, Công ty Hàng hải Sol Maritime đã mua lại chiếc tàu phà Taisetsu Maru và đổi tên thành Sol Phryné.

Năm 1982, khi bùng nổ các cuộc tranh chấp quân sự dữ dội giữa PLO và Israel tại Liban, PLO được sự tài trợ về tài chính của một số quốc gia Arập và Hồi giáo đã mua lại chiếc tàu phà  Sol Phryné từ Công ty Hàng hải Sol Maritime để vận chuyển những người Palestine tị nạn từ nước ngoài về lại lãnh thổ Palestine hay đến những quốc gia khác mà họ được phép định cư. Điển hình là cuộc hồi cư  9.135 tù nhân người Palestine bị Israel bắt giữ trong các cuộc nổi dậy của người Palestine từ thành phố cảng Haifa của Israel về lại Bờ Tây và thành phố Jerusalem.

Chiếc Sol Phryné còn được xem là biểu tượng của cuộc chiến đấu ngoan cường của dân tộc Palestine trước sự đàn áp của Israel. Nhiều nhà lãnh đạo Israel còn cho rằng chiếc Sol Prhyné  không chỉ là biểu tượng sự đấu tranh ngoan cường của người Palestine mà còn là mối đe dọa đối với an ninh của Nhà nước Israel khi vận chuyển không chỉ có thành viên PLO từ khắp nơi bí mật tập kết về lại lãnh thổ Palestine mà còn lén lút vận chuyển vũ khí mà một số quốc gia Arập cung cấp cho PLO.

Năm 1974, Chủ tịch PLO Yasser Arafat còn đặt tên mới cho chiếc Sol Phryné là Al Awda (Hồi cư). Việc đặt tên mới cho chiếc Sol Phryné đã làm quan hệ giữa Israel và Palestine xấu đi khi Israel cho rằng đây là một hành động khiêu khích. Đỉnh điểm  mâu thuẫn giữa Palestine và Israel diễn ra vào tháng 9/1982 khi hải quân Israel tiến hành lục soát chiếc Sol Phryné ngoài khơi vùng biển Liban và phát hiện trên tàu có nhiều vũ khí. Lập tức Thủ tướng Israel Yitzhak Shamir liền ra lệnh bắt giữ chiếc Sol Phryné đưa về giữ tại thành phố Haifa của Israel. Trong khi PLO và nhiều quốc gia Arập kiên quyết tố cáo hành vi được cho là bạo ngược của Israel khi bắt giữ chiếc Sol Phryné, thì PLO khẳng định rằng, chiếc Sol Phryné không hề được sử dụng vào mục đích vận chuyển vũ khí bất hợp pháp gây ảnh hưởng đến an ninh của Israel.

Nhiệm vụ phá hoại chiếc Sol Phryné được giao cho Mossad thực hiện trong một điệp vụ có tên gọi “Những bông hồng của Limassol” và bắt đầu được triển khai vào đầu tháng 2/1988 và hoàn thành vào ngày 12/2/1988 khi một toán điệp viên Mossad giả trang thành ngư dân tiến hành gắn chất nổ có hẹn giờ và được điều khiển từ xa vào mạn phải của chiếc tàu phà Sol Phryné và sau đó phát nổ gây thiệt hại nặng cho chiếc tàu phà này.

Bị săn đuổi bởi lực lượng an ninh Chypre, các điệp viên Mossad đã kịp tẩu thoát trên một tàu đánh cá đang đợi sẵn trên biển Địa Trung Hải. Sau một thời gian điều tra, lực lượng an ninh Chypre kết luận chính tình báo Israel đã tổ chức vụ phá hoại chiếc tàu phà Sol Phryné mặc cho  sự phản đối quyết liệt từ phía Israel. Từ vụ việc này, Chypre cũng quyết định tạm ngừng các quan hệ ngoại giao với Israel và trục xuất một số nhân viên Sứ quán Israel tại Chypre về lại Israel.

Số phận của chiếc tàu phà Sol Phryné cũng chỉ được giải quyết 20 ngày sau khi bị phá hoại. Được để nằm ụ tại cảng Limassol, chiếc Sol Phryné được rao bán với giá phế liệu đến 600.000 USD cho một công ty đóng tàu Nam Tư. Chiếc tàu một thời vốn được xem là biểu tượng cho sự đấu tranh ngoan cường của người Palestine được xóa tên khỏi danh sách những chiếc tàu nổi tiếng trên thế giới liên quan đến số phận của nhiều dân tộc như chiếc Exodus (hồi cư người Do Thái từ châu Âu từ Pháp về Israel), chiếc Ourang Medang (hồi cư người Indonesia từ các thuộc địa của Hà Lan tại châu Á...)

Hoàng Phú (theo Times Online)
.
.