“Viễn cảnh thế giới năm 2040” từ góc nhìn của Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ

Thứ Bảy, 17/07/2021, 21:01
Kể từ năm 1997, cứ 4 năm một lần, NIC (Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ) lại công bố một tài liệu có nhan đề “Báo cáo về những xu hướng của thế giới trong vòng 20 năm tới”.

Về nguyên tắc, đây là một tài liệu được biên soạn để dành cho vị tổng thống mới đắc cử, tuy nhiên trên thực tế, bản báo cáo này cũng được công bố rộng rãi và công khai cho mọi người dân Mỹ và thế giới được biết. 

Mục đích của bản báo cáo này, như các tác giả của nó đã nhấn mạnh, không phải là đưa ra những dự đoán cụ thể về thế giới mà là để giúp các nhà hoạch định chính sách và người dân nhìn thấy những gì “bên ngoài đường chân trời” và chuẩn bị cho một loạt các tương lai có thể xảy ra.

Buổi họp công bố bản báo cáo năm 2021 Của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.

Những nguyên tắc xây dựng báo cáo

Để có thể xây dựng được bản báo cáo quan trọng này, các tác giả thuộc Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ đã phát triển phương pháp luận và xây dựng cách phân tích của riêng họ. 

Quy trình này gồm nhiều bước: xem xét, đánh giá các lần tái bản trước để rút ra bài học; nghiên cứu và khám phá dựa trên các cuộc tham vấn khác nhau, thu thập dữ liệu và nghiên cứu được ủy quyền; tổng hợp, soạn thảo và viết; trưng cầu ý kiến bên trong và bên ngoài để chỉnh sửa và tinh chỉnh các phân tích. 

Đối tượng được tham khảo ý kiến rất rộng rãi: từ các học giả và nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau cùng với các lý thuyết và dữ liệu mới nhất cho tới những học sinh trung học ở Washington DC, từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở châu Á đến các nhân vật có tầm nhìn xa ở châu Âu và châu Á, các nhóm môi trường ở Nam Mỹ hay các tổ chức xã hội dân sự ở châu Phi.

Bản báo cáo mới nhất của NIC được công bố vào tháng 3-2021 có nhan đề là  “Những xu hướng toàn cầu, một thế giới gây nhiều tranh cãi hơn” được xem như là những phân tích và dự đoán nghiêm túc của NIC về hiện trạng thế giới từ nay cho tới năm 2040.

Bản báo cáo năm 2021 của NIC xoay quanh hai nguyên tắc tổ chức cơ bản: xác định và đánh giá các lực lượng chính định hình môi trường chiến lược trong tương lai, sau đó nghiên cứu cái cách các nhóm dân cư và các nhà lãnh đạo sẽ hành động và phản ứng ra sao với các lực lượng này. 

Bốn lĩnh vực được quan sát kỹ lưỡng nhất là: nhân khẩu học, môi trường, kinh tế và công nghệ. Đó là những lĩnh vực cơ bản và phổ quát để xác định các động lực trong tương lai, sự tương tác giữa các động lực này và sự giao thoa với những yếu tố khác để tạo ra những ảnh hưởng lên các cá nhân và xã hội, nhà nước và các mối quan hệ quốc tế là trọng tâm thứ hai của bản báo cáo này. 

Phần cuối trong bản báo cáo năm 2021 của NIC dành cho việc trình bày 5 kịch bản khác nhau của thế giới vào năm 2040, từ những kịch bản sáng sủa nhất cho đến những kịch bản tồi tệ nhất.

Trong bản báo cáo 2021 của NiC, các tác giả đã cho rằng ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới sẽ thu hẹp đáng kể trong vòng 20 năm tới .

Những điểm chính trong bản báo cáo năm 2021 của NIC

Dân số thế giới dự kiến sẽ tăng 1,4 tỷ trong 20 năm, đạt 9,2 tỷ người. Từ năm 2027, vượt qua Trung Quốc, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất, nhưng mức tăng trưởng dân số mạnh nhất sẽ là ở châu Phi cận Sahara, số người trẻ chiếm 2/3 tổng số dân. 

Ở các nước châu Âu, tỷ lệ người trên 65 tuổi có thể đạt 25%, so với 15% vào năm 2010. Do những căng thẳng gây ra bởi dòng người di cư, một số nước phát triển sẽ chọn giải pháp chỉ mở cửa cho lực lượng lao động có tay nghề cao, việc đổi mới công nghệ và tự động hóa sẽ bù đắp cho việc thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và lành nghề.

Môi trường kinh tế có những sự trồi sụt bất ngờ. Đặc điểm nổi trội trong kinh tế là sự gia tăng các khoản nợ có chủ quyền, những biến động trên thị trường lao động, sự chế ngự của các tập đoàn tư nhân hùng mạnh đối với cuộc sống của các công dân và các mối quan hệ thương mại thường xuyên bị rạn nứt giữa các quốc gia, đi ngược lại với những nguyên tắc của thị trường tự do. 

Vấn đề nhân khẩu học sẽ chiếm một vị trí trung tâm, với hệ quả là nạn di cư. Mất an ninh lương thực và thảm họa môi trường sẽ ảnh hưởng mạnh đến các khu vực đang tăng tốc đô thị hóa. Tương tự như vậy, sự phát triển của các đại dịch mới, tình trạng đáng lo ngại về hiện tượng “nhờn” thuốc kháng sinh và sự giảm tiến độ trong cuộc chiến chống bệnh lao và sốt rét sẽ đặt ra những thách thức lớn đối với sức khỏe.

Các nhà máy điện gió và quang điện sẽ có chi phí đầu tư giảm dần và công suất tăng lên, vì vậy cần có những giải pháp công nghệ mới để lưu trữ năng lượng.

Báo cáo cũng đưa ra một con số đáng kinh ngạc liên quan đến bệnh tâm thần, chi phí ước tính trong hai mươi năm để chữa trị căn bệnh này là 16.000 tỷ USD. 

Việc áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo ngày càng phổ biến sẽ gây ra những khủng hoảng xã hội, dẫn tới mất việc làm và thu nhập. Nó có thể liên quan cả đến các vị trí đòi hỏi tới những kỹ năng cao, chẳng hạn như bác sĩ, giáo viên hoặc kỹ sư.

Gia tăng biến đổi khí hậu sẽ kích thích nhu cầu về việc ứng dụng các công nghệ mới và năng lượng tái tạo. Cuộc đua giành một số khoáng chất như coban hoặc lithium (cho pin) sẽ ngày một gay gắt. Các nhà máy điện gió và quang điện sẽ có chi phí đầu tư giảm dần và công suất tăng lên, vì vậy sẽ đòi hỏi cần có những giải pháp công nghệ mới để lưu trữ năng lượng. 

Các lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ (SRM) có thể cung cấp các nguồn lực chưa từng biết đến cho các nước đang phát triển. NIC cũng cảnh báo về những ứng dụng thiếu cân nhắc nhằm điều chỉnh nhiệt độ Trái đất - đặc biệt là thông qua việc quản lý bức xạ mặt trời - có thể gây ra “những tác dụng phụ thảm khốc không lường trước được” và “những thay đổi tàn khốc” trong hệ thống thời tiết và lượng mưa.

Sự phát triển vũ bão của  “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” sẽ khiến đa phần chúng ta chóng mặt và một số sẽ không còn khả năng phục hồi được. Các chuỗi sản xuất và phân phối truyền thống sẽ được thay đổi một cách căn bản. 

Trí tuệ nhân tạo được áp dụng phổ biến trong mọi lĩnh vực và sẽ biến đổi hoàn toàn cuộc sống hàng ngày của chúng ta, trong lĩnh vực giao thông, y tế hoặc nông nghiệp. Nó cũng sẽ cho phép các quốc gia phát triển nhất - ở Châu Âu và Đông Á - đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của một dân số đang ngày càng già đi. Nhưng các tiến trình này cũng chứa đựng rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. 

Việc sản xuất các bộ phận sinh học tổng hợp, lưu trữ dữ liệu trong DNA, sự tăng cường năng lực nhận thức của con người bằng sự hỗ trợ của máy móc được cài đặt các “phần mềm thông minh”: tất cả những hiện tượng này này đều đặt ra các vấn đề cần phải giải quyết về phương diện đạo đức, an ninh và kinh tế.

Trong tương lai, màn hình và camera có mặt ở khắp nơi, các chính quyền sẽ có khả năng giám sát và “chấm điểm” các công dân của mình.

Màn hình và camera có mặt ở khắp nơi, Internet vạn vật sẽ kết nối dễ dàng mọi đối tượng với nhau. Số lượng các đối tượng được kết nối sẽ có sự bùng nổ đáng kinh ngạc, từ 10 tỷ trong năm 2021 đến có thể là vài nghìn tỷ trong hai mươi năm tới. 

Khả năng thao túng đám đông, vì mục đích chính trị hoặc thương mại, sẽ tăng lên gấp mười lần. Ngay cả trong các xã hội tiên tiến nhất, tình trạng căng thẳng cũng có thể trở nên trầm trọng hơn, quyền riêng tư của các cá nhân bị đe dọa nghiêm trọng. Đây cũng là những vũ khí đầy hiệu quả mà các chế độ độc tài khai thác để giám sát và đàn áp các công dân của họ.

Biến đổi khí hậu, những bước nhảy vọt về công nghệ và những thay đổi xã hội sâu rộng sẽ làm thay đổi tâm trí công chúng. Xu hướng tụ tập lại thành từng nhóm, đầu tiên là trên mạng xã hội, sau đó là trong xã hội ngày càng được ưa chuộng và gia tăng không ngừng. 

"Trong những năm tới", bản báo cáo nhấn mạnh "những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo, học máy, 5G và các công nghệ khác sẽ mở rộng khả năng truy cập internet, dẫn tới xu hướng làm suy giảm lòng tin của công chúng hơn nữa, ngay khi mọi người có ý thức tranh đấu để xác định đâu là sự thật và đâu là những tin tức đồn đại hoặc bị thao túng…

Thế giới năm 2040 sẽ đối mặt với nhiều bất ổn hơn?

Những kịch bản dự báo cho tương lai

Phần cuối của phóng sự là một “trò chơi trí tuệ” kích thích mạnh mẽ trí tưởng tượng của người đọc. Các tác giả bản báo cáo đã xây dựng năm kịch bản cho thế giới tương lai vào năm 2040, ba trong số 5 kịch bản đó được xây dựng xoay quanh cái trục chính là cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ. 

Kịch bản đầu tiên và lạc quan nhất là kịch bản được đặt tên là sự "Phục hưng các nền dân chủ". Có thể coi đây là một giấc mơ đẹp của những tác giả bản báo cáo. Sự phục hưng này sẽ dựa trên sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, được kích thích bởi một bước nhảy vọt về công nghệ.

Bản báo cáo của NIC công bố năm 2021 đã thể hiện rõ một mối quan tâm của các tác giả về cái cách để cân bằng giữa các tiềm năng và những rủi ro trong tương lai. 

Các nhà lãnh đạo các quốc gia sẽ phải giải quyết những nhiệm vụ vô cùng khó khăn: có được một tư duy sáng suốt với tầm nhìn dài hạn, có khả năng ứng phó nhanh nhạy và hiệu quả với những tình huống khẩn cấp sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn: dịch bệnh, đổ vỡ kinh tế, triệt tiêu bản sắc... 

Làm thế nào để kích thích những đổi mới công nghệ mà vẫn giữ được sự ổn định đời sống cho mỗi cá nhân? Làm thế nào để thúc đẩy sự hợp tác quốc tế -ví dụ như trong vấn đề biến đổi khí hậu trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ sẽ ngày càng gay gắt hơn?

Dương Thắng
.
.