Vụ án điệp viên nội gián John Semer Farnsworth

Thứ Năm, 19/10/2006, 08:30
Trong lịch sử đối đầu tình báo Mỹ - Nhật nổi lên sự kiện sĩ quan Hải quân Mỹ John Semer Farnsworth làm điệp viên nội gián cho tình báo Nhật vào cuối thập niên 30. Nhiều người cho rằng chính nhờ tài liệu mật được Farnsworth chuyển giao mà Nhật đã nắm được cách bố phòng của quân ở cảng Trân Châu, Hawai và tiến hành tấn công quy mô vào ngày 7/12/1941 gây nên sự kiện Trân Châu cảng.

John Semer Farnsworth sinh ngày 13/8/1893 tại thành phố Cincinnati, bang Ohio, Mỹ trong một gia đình có cha là sĩ quan quân đội và mẹ là nhân viên y tế.  Phục vụ trong ngành Hải quân Mỹ, năm 1927, ở tuổi 34, Farnsworth được phong quân hàm Trung tá.

Thế nhưng tai họa bắt đầu đổ ập xuống cuộc đời và cả sự nghiệp của Farnsworth khi ông lập gia đình với một phụ nữ thuộc giới thượng lưu. Thói quen tiêu xài hoang phí của vợ chẳng mấy chốc đã biến Farnsworth thành một con nợ do tiền lương không đủ chu cấp  nên phải vay mượn nhiều người. Tin tưởng vào uy tín của Farnsworth trong xã hội nên nhiều người đã cho vay mượn tiền bạc mà không hề biết ông ta chẳng thể nào trả nợ nổi. Nợ nần chồng chất đã biến Farnsworth  từ một sĩ quan đầy triển vọng của Hải quân Mỹ, trở thành một kẻ phạm tội bị truy tố về tội lừa đảo vào năm 1933. Đến tháng 11/1933, Farnsworth bị sa thải khỏi Hải quân Mỹ.

Một kẻ bất mãn, thất nghiệp và rất cần tiền để thanh toán nợ nần và trang trải chi phí cho cuộc sống, Farnsworth dễ dàng trở thành đối tượng tuyển mộ của tình báo Nhật, lúc đó đang hoạt động rất mạnh trên lãnh thổ Mỹ. Năm 1934, thông qua một điệp viên “chim mồi” đội lốt doanh nhân Nhật đến Mỹ làm ăn, Farnsworth gặp gỡ Yosiyuki Itimiya, phụ trách tình báo Nhật tại Mỹ dưới vỏ bọc Tùy viên quân sự tại Sứ quán Nhật ở thủ đô Washington. Biết rằng Farnsworth là một cựu sĩ quan có quan hệ rộng rãi trong giới Hải quân Mỹ nên Itimiya đặt vấn đề tuyển mộ Farnsworth làm điệp viên nội gián với mức lương hàng tháng là 500 USD (một số tiền lớn vào lúc đó), và chưa kể những khoản tiền thưởng nếu thông tin được chuyển giao  thực sự có giá trị quân sự cao.

Tuy đã bị sa thải khỏi hải quân, nhưng Farnsworth còn giữ được nhiều mối quan hệ không những trong hải quân mà cả trong giới thượng lưu Washington. Tận dụng các mối quan hệ này, Farnsworth tiến hành thu thập thông tin liên quan đến các hoạt động của hải quân được “phun” ra từ đồng đội trong quân ngũ trước đây, từ các sĩ quan cấp cao trong hải quân vốn là chỉ huy cũ rồi bí mật chuyển giao cho Itimiya.

Cả gan hơn, lấy danh nghĩa cộng tác viên cho một số tờ báo, Farnsworth đến các căn cứ hải quân và cả Học viện Hải quân Annapolis để thu thập thông tin về các cuộc chuyển quân, cách bố phòng, việc thử nghiệm thế hệ tàu chiến và vũ khí mới. Có lần, Farnsworth còn mặc quân phục sĩ quan cấp tá lên một tàu chiến vừa trở về từ châu Á, neo đậu tại căn cứ Hải quân San Diego, để sao chụp tài liệu mà tàu chiến này thu thập được trong khi thi hành nhiệm vụ tại châu Á để chuyển giao cho Itimiya.

Năm 1937, khi Itimiya mãn nhiệm kỳ quay về Nhật, Thiếu tá Arika Yamaki, một sĩ quan tình báo giàu kinh nghiệm của Nhật trở thành chỉ huy trực tiếp của Farnsworth. Nhằm chuẩn bị cho chiến lược Đại Đông Á của Nhật, trong đó có việc Hải quân Nhật phải làm chủ các vùng biển là một yếu tố quan trọng, Yamaki yêu cầu Farnsworth thu thập thông tin, kể cả tài liệu, sơ đồ về cách bố phòng của các căn cứ hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương. Giả dạng có lúc là phóng viên báo chí, có khi là sĩ quan hải quân, Farnsworth lợi dụng sự mất cảnh giác, lơ là trong công tác bảo vệ, lọt vào các địa điểm chiến lược của Hải quân Mỹ để thu thập thông tin, tài liệu, trong đó quan trọng nhất là cách bố phòng của căn cứ San Diego và Trân Châu cảng.

Năm 1938, Tình báo Hải quân Mỹ (ONI) bắt đầu nghi vấn về hành vi của Farnsworth khi xảy ra vụ mất cắp tài liệu quan trọng có tên gọi “Hướng dẫn về xử lý thông tin tình báo và đề ra biện pháp an ninh” có nội dung hướng dẫn các phương pháp thu thập thông tin trên chiến trường và đề ra các biện pháp điều động các tàu chiến để  phối hợp hành động tác chiến khi xảy ra chiến tranh tại Học viện Annapolis.

Theo khai báo của các quân nhân bảo vệ, Farnsworth có mặt tại Học viện Annapolis trong thời gian xảy ra vụ mất cắp với tư cách là phóng viên của nhật báo Hearst. Bí mật điều tra, ONI biết rằng từ nhiều năm qua bỗng nhiên Farnsworth có nhiều tiền và thường phóng túng chiêu đãi các đồng đội cũ để moi thông tin về việc triển khai các tàu chiến mới, các vũ khí mới của Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương. Vợ một sĩ quan hải quân cao cấp còn khai với ONI là Farnsworth hứa sẽ chi cho một số tiền lớn nếu bí mật sao chụp các tài liệu mà chồng bà thường mang về để nghiên cứu tại nhà. Vào tháng 11/1938, Farnswoth được cả ONI và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) giám sát chặt chẽ.

Đến tháng 1/1939, Farnsworth lân la làm quen với Fulton Lewis Jr., một sĩ quan làm việc tại căn cứ Hải quân San Diego và đề nghị “mua” thông tin về tình hình di chuyển của tàu chiến, việc triển khai kế hoạch bố phòng mới của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương mà không biết Fulton là nhân viên của ONI. Vào ngày 21/1/1939, trong khi đang nhận tài liệu từ Fulton trong một nhà hàng ở thành phố San Diego thì các nhân viên ONI và FBI ập vào bắt giữ cả hai.

Bị buộc tội làm điệp viên nội gián cho tình báo Nhật, vào ngày 27/3/1939, Farnsworth bị tuyên phạt 12 năm tù, một mức án xem ra quá nhẹ với tội trạng của Farnsworth. Sau này, nhiều chuyên gia tình báo, nhiều sử gia cho rằng chính từ tài liệu về cách bố phòng của căn cứ Trân Châu cảng được Farnsworth chuyển giao cho Yamaki vào năm 1937 mà Không quân Nhật đã tiến hành tập kích gây thiệt hại nặng cho Hải quân Mỹ tại căn cứ này vào tháng 12/1941.

Sau 11 năm thụ án tại nhà tù liên bang ở Maryland, Farnsworth qua đời vì bệnh tật vào năm 1952. Năm 1999, chi tiết về cuộc đời hoạt động nội gián của Farnsworth được nhà báo kiêm sử gia Richard Millet làm sáng tỏ trong một cuốn sách có tựa đề "Người bán bí mật quốc gia cho nước Nhật", trong đó có đề cập đến sự kiện Trân Châu cảng và lỗi lầm của Farnsworth

Văn Hoà (Theo Eyes Spies)
.
.