Vụ án gián điệp lớn nhất trong lịch sử Nhà nước Israel

Thứ Ba, 11/09/2007, 19:33
Tiết lộ của Giáo sư Marcus Klingberg trong buổi họp báo phát hành cuốn sách "Điệp viên cuối cùng" của tác giả Bob Reiss không chỉ khơi dậy trong dư luận Israel dư âm về vụ tai tiếng tình báo được đánh giá là tồi tệ nhất trong lịch sử Nhà nước Israel mà còn làm bùng phát làn sóng chỉ trích về hoạt động phản gián yếu kém của Shin Bet.

Ngày 23/8/2007, tại thủ đô Paris của Pháp, có mặt tại buổi họp báo nhân dịp phát hành cuốn sách có tựa đề "Điệp viên cuối cùng" của tác giả Bob Reiss, kể về cuộc đời của mình, Giáo sư Marcus Klingberg - điệp viên nội gián từng bị luật pháp Israel tuyên phạt 20 năm tù giam về tội chuyển giao tài liệu, thông tin khoa học tuyệt mật của quốc gia cho tình báo Liên Xô, đã tiết lộ với Kênh 2 của Đài Truyền hình ITV, Israel rằng ông không hoạt động đơn tuyến theo như điều tra và kết luận của Shin Bet - Cơ quan Phản gián Israel, mà trong một đường dây điệp báo gồm có cả vợ ông, bà Wanda, cùng 2 đồng nghiệp.

Abraham Marcus Klingberg sinh năm 1915 tại Ba Lan trong một gia đình người Do Thái. Năm 1939, Klingberg đang theo học ngành y tại Đại học Warsaw thì Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ với việc Đức Quốc xã xua quân xâm chiếm Ba Lan. Để tránh hiểm họa phát xít, ông trốn khỏi Ba Lan đến Liên Xô.

Tại đây, Klingberg được tạo điều kiện để hoàn chỉnh kiến thức của một bác sĩ. Tháng 6/1941, khi Đức Quốc xã tấn công Liên Xô, Klingberg tình nguyện gia nhập Hồng quân phục vụ trong ngành quân y trên chiến trường. Khi chiến tranh kết thúc, Klingberg đã là một sĩ quan Hồng quân mang quân hàm đại úy.

Năm 1948, Klingberg được phép quay về Israel để sinh sống và phục vụ trong ngành y của quân đội Israel. Đến năm 1957, mang quân hàm trung tá, Klingberg được chuyển đến làm việc tại một trong những cơ quan nhạy cảm nhất Israel, đó là Viện Nghiên cứu Sinh học Israel (IIBR) nằm tại khu Ness Ziona cách thủ đô Tel Aviv 20km.

IIBR được thành lập vào năm 1952 không chỉ có nhiệm vụ nghiên cứu phát triển các kỹ thuật mới trong chẩn đoán bệnh tật, phát hiện và giải mã gien của các loại virút gây bệnh, sản xuất vắcxin, phát triển các kỹ thuật chống ô nhiễm môi trường mà còn bí mật nghiên cứu chế tạo vũ khí sinh học, nhất là các loại khí độc như Sarin.

Đến năm 1972, với năng lực làm việc của mình, Klingberg được bổ nhiệm làm Phó giám đốc IIBR. Là một trong những nhà khoa học hàng đầu của Israel, đến năm 1978, ông còn được bổ nhiệm làm người đứng đầu Cục Nghiên cứu Dịch bệnh quốc gia. Năm 1976, ông được Liên Hiệp Quốc chỉ định làm người đứng đầu một ủy ban quốc tế điều tra về thảm họa môi trường do thất thoát chất dioxin tại thị trấn Seveso của Italia.

Phản gián Israel bắt đầu nghi vấn về hoạt động nội gián của Klingberg khi Cơ quan Tình báo hải ngoại Israel (Mossad) phát hiện ra rằng loại khí độc mà Ai Cập sử dụng trong cuộc chiến tranh biên giới với Yemen vào năm 1963 có cùng chủng loại với loại khí độc được bí mật nghiên cứu chế tạo tại IIBR.

Điều tra của Mossad cho biết là loại khí độc có thể được Liên Xô cung cấp cho Ai Cập. Cả Mossad và Shin Bet đều cho rằng tình báo Liên Xô đã cài điệp viên nội gián vào IIBR để đánh cắp tài liệu, thông tin về chế tạo vũ khí sinh học, kể cả các mẫu.

Và đối tượng mà Shin Bet quan tâm nhất chính là Klingberg vì ông có thời gian sinh sống và phục vụ trong quân đội Liên Xô. Thế nhưng, cho dù có bí mật điều tra, theo dõi, kể cả gài bẫy, dùng máy phát hiện nói dối. Shin Bet và cả Mossad vẫn không thể phát hiện bất cứ hành vi nào có thể tố cáo Klingberg.

Vào ngày 11/1/1983, Klingberg được IIBR cử đến Malaysia để nghiên cứu việc xuất hiện của một loại virút gây bệnh lạ có liên quan đến sự biến đổi môi trường. Thế nhưng, khi đến sân bay quốc tế David Ben Gourion ở thủ đô Tel-Aviv, Klingberg bị nhiều người lạ mặt áp giải lên một chiếc xe bít bùng, bịt mắt đưa đến một địa điểm bí mật đâu đó trên lãnh thổ Israel để thẩm vấn chỉ với câu hỏi: ông có làm việc cho tình báo Liên Xô hay không?

Bị thẩm vấn liên tục, bị dọa nạt sẽ bị thủ tiêu kể cả việc bí mật giam giữ cả vợ và con gái, cuối cùng Klingberg phải thú nhận về hoạt động nội gián của mình. Theo đó, từ năm 1957, tình báo Liên Xô đã bí mật tuyển dụng Klingberg làm điệp viên nội gián khi biết rằng ông được chuyển đến làm việc tại IIBR.

Theo điều tra của Shin Bet thì Klingberg thú nhận việc mình chấp thuận làm việc cho tình báo Liên Xô như là một hành động để trả ơn cho quốc gia đã cưu mang mình khỏi họa diệt chủng của Đức Quốc xã.

Tuy nhiên, Klingberg chỉ thú nhận làm nội gián đơn tuyến, nhận mệnh lệnh và chuyển giao tài liệu về hoạt động của IIBR qua hộp thư chết. Sau khi bắt giữ Klingberg, cho dù có giăng bẫy cách mấy, Shin Bet vẫn không phát hiện ra dấu vết của điệp viên Liên Xô nhận tài liệu và gửi chỉ thị cho Klingberg qua hộp thư chết.

Tin rằng, Klingberg chỉ hoạt động một mình nên vào ngày 17/6/1983, một tòa án đặc biệt đã tuyên phạt nhà khoa học này 20 năm tù giam cấm cố về tội làm điệp viên nội gián và chuyển giao tài liệu mật quốc gia cho tình báo nước ngoài.

Vợ và con gái của Klingberg yêu cầu phải tuyệt đối giữ bí mật về việc Klingberg bị bắt giữ và tuyên án nếu không sinh mạng của họ gặp nguy hiểm. Để cho chắc ăn, Shin Bet cử người giám sát suốt đêm ngày mọi hành vi và thái độ của họ.

Còn để đối phó với dư luận xôn xao về việc Klingberg không xuất hiện tại IIBR hay đến giảng dạy tại Đại học Y khoa Tel-Aviv, Shin Bet yêu cầu Ban giám đốc IIBR thông báo là Giáo sư Klingberg đã bị nhiễm một loại virút lạ khi đến Malaysia công tác. Virút này đã gây rối loạn tinh thần của Klingberg nên ông buộc phải đưa đến Mỹ để điều trị.

Nhưng vụ việc bị bại lộ sau khi Giáo sư Shlomo Shibolet làm việc tại Đại học Tel-Aviv được đưa đến để điều trị cho Klingberg. Ông này đã nhờ Tổ chức Ân xá quốc tế can thiệp, cuối cùng Klingberg được tự do nhưng buộc phải ký một cam kết là không tiết lộ bất cứ thông tin nào liên quan đến vụ bắt giữ, tuyên án và hoạt động nội gián của mình cho ai.

Năm 2003, Klingberg thôi bị quản thúc và được phép đến Pháp định cư cùng gia đình cô con gái duy nhất tên là Sylvia. Do Klingberg nhận hết tội trạng về mình khi bị bắt giữ, nên Shin Bet tin rằng ông chỉ hoạt động nội gián đơn tuyến.

Còn bà Wanda, vợ ông và 2 cộng sự vô can. Năm 1990, bà Wanda qua đời tại Tel-Aviv, còn 2 cộng sự của Klingberg chuyển đến sinh sống tại Nam Mỹ vào năm 1992

Văn Hòa (theo CiCentre)
.
.