“Vụ án số 37” và chuyến tác nghiệp đầu đời của nữ nhà báo - văn sĩ Marta Rojas

Thứ Năm, 01/12/2016, 17:30
Những bài báo của Marta Rojas hồi đó gần như duy nhất, mô tả tỉ mỉ và chân thực nhất về Vụ án số 37 diễn ra tại Tòa án Santiago de Cuba, từ ngày 21-9 đến 16-10-1953 xét xử những người tham gia cuộc tấn công vào Moncada, mà Marta Rojas là người dự tất cả các phiên tranh tụng để rồi chúng trở thành chất liệu để 59 năm sau bà cho xuất bản quyển “El juicio del Moncada” đậm chất sử thi, trong đó nổi bật là phiên xét xử Fidel Castro tổ chức tại phòng Y tá Bệnh viện Saturnino Lora...

Pháo đài Moncada nằm gần tỉnh Santiago de Cuba, là đơn vị đồn trú quân sự lớn thứ hai ở Cuba thời bấy giờ với khoảng 1.000 binh lính thuộc trung đoàn Antonio Maceo hùng mạnh.

Ngày 26-7-1953, luật sư Fidel Castro, khi đó 27 tuổi, có văn phòng tại số 57 phố Tehadilio ở thủ đô Havana, cùng với những nhóm người vũ trang đã tấn công pháo đài Moncada nhằm mục đích châm ngòi nổ cho cuộc khởi nghĩa của nhân dân Cuba để lật đổ chế độ độc tài Fulgencio Batista do người Mỹ dựng lên - viên tướng đã tiếm quyền qua cuộc đảo chính quân sự ngày 10-3-1952 xóa bỏ chế độ hợp hiến của Tổng thống Carlos Prio Socarrás.

Như một định mệnh, Marta Rojas vừa tốt nghiệp trường báo chí ở tuổi 20, đã được tiếp cận một vụ án lịch sử ngay tại Santiago de Cuba quê hương. Bằng tất cả nhiệt huyết và nghị lực, bằng sự quan sát tỉ mỉ và kiên trì, tính chân thực và lòng dũng cảm, nữ nhà báo trẻ tuổi đã tìm mọi cách để không bỏ sót một phiên xét xử để rồi 59 năm sau bà cho xuất bản cuốn sách El juicio del Moncada đậm chất sử thi, trong đó nổi bật là phiên xét xử lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro.

Nữ nhà báo, văn sĩ Marta Rojas.

"Kế hoạch tấn công Moncada" quy tụ 165 tay súng trong tổng số 1.200 du kích quân cách mạng do đích thân Fidel Castro chỉ huy. Cùng phối hợp với họ là hai nhóm khác do Abel Santamaria lãnh đạo - chiếm bệnh viện thành phố, và Raul Castro (em trai Fidel, hiện là Chủ tịch Cuba) dẫn đầu - trấn giữ Cung Tư pháp, hai địa danh kề cận với pháo đài Moncada.

Chiến lược của quân khởi nghĩa là bất ngờ chiếm pháo đài, cướp vũ khí giao cho nhân dân, chiếm một số địa điểm quan trọng khác của địa phương, công bố Cương lĩnh Moncada trên đài phát thanh.

Các hành động đó đã không có được kết quả như mong đợi vì lực lượng mỏng và thiếu vũ khí. Nhiều chiến sĩ cách mạng đã hy sinh trong trận chiến đấu không cân sức này. Những người khởi nghĩa không biết rằng, việc phòng thủ trại lính đã được tăng cường ngay từ vòng ngoài nhân lễ hội Carnaval.

Một chiếc xe chở những người cách mạng mặc trang phục quân đội Batista bị lính tuần phòng phát hiện trước trạm gác số 3 - nơi tập kết những chiếc xe chở đoàn quân khởi nghĩa còn lại. Còi báo động bảo vệ rú lên và cuộc chạm súng nảy lửa bắt đầu lúc 5 giờ 15 phút ngày 26-7-1953.

Sau khi số đạn ít ỏi sắp cạn, Fidel Castro hạ lệnh rút lui về một trang trại do Renato Gitart, con trai của một doanh gia, thuê mướn. Nơi đây nằm cách trung tâm Santiago De Cuba 13km. Cuộc tấn công trại lính Bayamo, cách Santiago 100 km với mục đích ngăn cản sự chi viện cho Moncada cũng không thành. Cuộc tấn công Moncada tuy thất bại nhưng đã trở thành sự kiện mở đầu cho hàng loạt những hoạt động đấu tranh chống chế độ độc tài Bastita, giành lấy tự do cho hòn đảo này.

Tiếng súng tấn công vào pháo đài Moncada được mệnh danh là “Tiếng chuông đánh thức nhân dân Cuba”. Bản Cương lĩnh Moncada với nội dung chỉ rõ đường lối đấu tranh, đã trở thành ngọn cờ dân tộc, dân chủ và tiến bộ, cổ vũ nhân dân Cuba đứng lên tham gia cách mạng cho  ngày khởi nghĩa 1-1-1959.

Fidel Castro (hàng đầu bên trái ảnh) và các đồng chí khi bị dẫn giải ra trước tòa.

Fidel Castro bị bắt ngày 1-8, một tuần sau cuộc tấn công vào pháo đài Moncada, tại vùng núi Sierra Maestra, nơi ông đang chỉ đạo các lực lượng du kích. Phiên tòa đầu tiên xử Fidel Castro và hàng chục nhà cách mạng khác (những người tuy không trực tiếp tham gia vụ tấn công trại lính Moncada, nhưng bị quy là "các phần tử chống đối chế độ") mở ra ngày 21-9-1953. Fidel yêu cầu được tự bào chữa cho mình và những lời nói của ông đã thức tỉnh mọi trái tim những người Cuba yêu nước.

Người luật sư trẻ tuổi nghiễm nhiên trở thành nhà lãnh tụ nhân dân qua những lời nói hùng hồn trước giới tư pháp bù nhìn. Batista lập tức ra lệnh phải xử riêng Fidel trong một phiên tòa khác. Phiên xử sau được mở vào ngày 16-10-1953.

Tại phòng xử án bố trí trong hội trường nhỏ thuộc Bệnh viện Saturnino Lora, Fidel một lần nữa lại ngạo nghễ tuyên bố những hành động của mình là "duy nhất theo ý nguyện của José Martí - nhà anh hùng dân tộc Cuba kiệt xuất, chứ không phải từ một phe nhóm chính trị đối lập nào khác - như lời buộc tội của ủy viên công tố. Để bắt đầu một cuộc cách mạng nhằm thay đổi bộ mặt đất nước Cuba nghèo đói, đầy rẫy bất công, đang bị xâu xé bởi các thế lực thực dân mới. "Lịch sử sẽ xóa án cho tôi!" - Câu nói bất hủ này là lời cuối cùng trước tòa của Fidel, sau khi giới tư pháp bù nhìn xử nhà lãnh tụ 15 năm tù giam.

Nhưng chỉ 6 năm sau, Fidel Castro được nhân dân nồng nhiệt nghênh đón trong ngày 1-1-1959 cùng với những đạo quân khởi nghĩa mãi mãi trung thành với truyền thống Moncada quật khởi tiến về giải phóng Havana lịch sử, thiết lập nhà nước vô sản đầu tiên ở Tây bán cầu.

Còn Marta Rojas sinh năm 1931 tại Santiago de Cuba, tốt nghiệp trường báo chí Manuel Márquez Sterling ở La Habana năm 1953, đúng vào thời điểm vừa xảy ra cuộc tấn công pháo đài Moncada và lãnh tụ Fidel cùng các đồng chí của mình sắp bị đưa ra tòa xét xử. Dù chưa hề có một chút kinh nghiệm nghề nghiệp và chưa được nhận vào làm việc ở một tòa soạn nào, bằng tất cả nhiệt huyết và nghị lực, bằng sự quan sát tỉ mỉ và kiên trì, tính chân thực và lòng dũng cảm, nữ nhà báo trẻ tuổi đã tìm mọi cách để không bỏ sót một phiên xét xử và sau mỗi phiên tòa lại gửi những ghi chép chi tiết của mình cho tạp chí Bohemia (tạp chí tư nhân ra hằng tuần lâu đời nhất ở Cuba).

Những bài báo của Marta Rojas hồi đó gần như duy nhất, mô tả tỉ mỉ và  chân thực nhất về Vụ án số 37 diễn ra tại Tòa án Santiago de Cuba, từ ngày 21-9 đến 16-10-1953 xét xử những người tham gia cuộc tấn công vào Moncada, mà Marta Rojas là người dự tất cả các phiên tranh tụng để rồi chúng trở thành chất liệu để 59 năm sau bà cho xuất bản quyển “El juicio del Moncada” (Vụ án Moncada - đã ấn hành tại Việt Nam năm 2013) đậm chất sử thi, trong đó nổi bật là phiên xét xử Fidel Castro  tổ chức tại phòng Y tá Bệnh viện Saturnino Lora.

Haydée Santamaria và Melba Hernández, hai nữ chiến sĩ tham gia cuộc tấn công vào trại lính Moncada, sau khi đọc bản thảo cuốn sách đã đánh giá: “Ngay từ đầu tác giả đã nắm được chiều hướng của tương lai, nên không chỉ ghi chép như một phận sự phải làm mà đã quan sát chăm chú, say sưa những gì diễn ra hồi đó trước những ngọn lê tua tủa khắp phòng xử án.

Marta Rojas đã có thể phân tích, đánh giá được rằng tại nơi đây có một hạt giống mới đang nảy mầm có thể sẽ cải tạo hoàn toàn nền tảng của xã hội thối nát ngày đó; tại phòng xử án ngày ấy không phải đang quyết định tương lai của một nhóm người mà là quyết định tương lai của cả một dân tộc. Do phản ánh được những chân lý, sự mong muốn và khát vọng của một dân tộc đã biết tự giải phóng mình nên chúng tôi cho rằng tác phẩm chắc chắn sẽ góp phần lớn lao cho sự hiểu biết đầy đủ về mục tiêu mà các chiến sĩ Moncada theo đuổi và những lý do thúc đẩy họ khi xông lên tấn công pháo đài quân sự ấy”.

Quân lính chế độ Batista trong pháo đài Moncada.

Những người tham gia cuộc tấn công Moncada năm 1953 còn được gọi là “Thế hệ một trăm năm”. Ngay hồi đó, trong phần tự bào chữa, Fidel đã nói: “Một ngày nào đó họ (những chiến sĩ hy sinh vì độc lập dân tộc) sẽ được đào lên và mang trên vai nhân dân đến tượng đài bên cạnh mộ José Martí, Tổ quốc tự do sẽ dựng lên tượng đài “Các liệt sĩ của Thế hệ một trăm năm”.

Và, ông dẫn lời của José Martí: “Trên đời cần phải có lòng danh dự như là cần ánh sáng mặt trời. Khi không có nhiều người có lòng tự trọng thì luôn luôn có những người khác mang trong mình lòng tự trọng của rất nhiều người. Những con người đó là những người đứng lên với sức mạnh mãnh liệt chống lại những kẻ tước quyền tự do của các dân tộc, là tước đoạt phẩm giá của những người đó. Trong những người đó có hàng nghìn người, có cả một dân tộc, có nhân phẩm…”.

Với văn phong ngắn gọn, súc tích và cực kỳ chuẩn xác, Marta Rojas đã nói được rất nhiều điều trong tác phẩm của bà. Toàn bộ diễn biến Vụ án số 37 năm 1953 được bà mô tả kỹ lưỡng, không thiếu một chi tiết nhỏ cùng những câu văn tinh tế, sắc sảo.

Như trong phiên thẩm vấn Pedro Miret Prieto ngày 25 và 26-7, nữ nhà báo mô tả: “Bị cáo nói rõ ràng, thong thả. Phòng xử im phăng phắc và mọi người đều nghe rất rõ tiếng nói của anh, ở mọi ngóc ngách của căn phòng, thậm chí cả ở ngoài hành lang, nơi trung úy Teodoro Rico, một trong những tên tay sai của Chivano đang ghi chép vào sổ những lời khai báo của những nhân chứng chính”.

Cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài Batista thành công, Marta vào làm phóng viên tại tòa soạn báo cách mạng của Đảng Cộng sản Cuba. Năm 1964, giữa lúc cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đang cam go quyết liệt, Marta đã chủ động tìm tới đại diện của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTGPMN) tại La Habana để xin tới Việt Nam viết báo.

Mấy ngày sau, đích thân Fidel gọi Marta lên và giao nhiệm vụ: “Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đã sẵn sàng đón tiếp, hãy lên đường ngay!”. Cùng đi sang Việt Nam với Marta còn có nhà báo Raul Valdes Vivo làm cho Báo Ngày nay (cũng thuộc Đảng Cộng sản Cuba, sau này hai báo sáp nhập và lấy tên là Gramma). Nhà báo Raul sau đó từng làm đại sứ Cuba tại Việt Nam trong một thời gian dài, về nước ông làm Trưởng ban Đối ngoại của Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, và hiện nay là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Cuba. Marta và Raul tới Việt Nam qua đường Campuchia rồi băng rừng vào Tây Ninh.

Sáu tháng đầu tiên sống cùng các chiến sĩ quân giải phóng, hàng loạt bài báo và bản thảo một cuốn sách đã được Marta liên tục gửi về nước. Nhờ đó, lần đầu tiên nhân dân Cuba và cả Châu Mỹ Latinh đã biết được những chi tiết sống động và chân thực nhất về cuộc chiến đấu kiên cường, mưu trí và dũng cảm của nhân dân Việt Nam.

Marta Rojas là nhà báo quốc tế cuối cùng được phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Người qua đời. Cuộc phỏng vấn của bà được thực hiện vào tháng 7-1969 tại Phủ Chủ tịch. Trước khi gặp Người, thông qua các hình ảnh, bà biết rằng Người hút thuốc. Vì vậy khi sang Việt Nam, bà đã mang theo một chiếc gạt tàn bằng đồng để nếu có được gặp mặt phỏng vấn Người thì đó sẽ là món quà từ đất nước Cuba.

Nữ nhà báo nhớ lại: “Lúc tôi đưa ra chiếc gạt tàn, đồng chí Hồ Chí Minh (bà gọi Chủ tịch bằng đồng chí) nói, bây giờ tôi không hút thuốc nữa, nhưng cái gạt tàn vẫn rất hữu dụng cho tôi. Lúc đó trên bàn làm việc của đồng chí rất nhiều giấy tờ và Người đã dùng chiếc gạt tàn để đựng ghim giấy”.

Là một  phóng viên chiến trường, Marta Rojas đã xuất bản một số cuốn sách tập hợp những ký sự, phóng sự về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tác phẩm  “Người cần phải sống sót” của bà được trao Giải thưởng Nhà văn châu Mỹ cho thể loại điều tra năm 1978. Bà là thành viên Ban Giám khảo Giải thưởng Mighen de Cervantes 2011 (Tây Ban Nha) do Liên hiệp các Nhà báo Mỹ La-tin (FELAP) đề nghị.

Ngoài ra, Marta Rojas còn viết nhiều tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết viễn tưởng. Trong đó, cuốn tiểu thuyết lịch sử “Hang chết” (ấn hành năm 1983, tái bản năm 2002) được dịch ra một số tiếng nước ngoài và được chuyển thể thành bộ phim “Những người tị nạn của hang chết” do đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Santiago Aslvarez  thực hiện. Tiểu thuyết viễn tưởng “Làm người Anh trong một năm” được trao Giải thưởng tiểu thuyết Alejo Carpentier, Hội Nhà văn Cuba vào năm 2006.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.