Vụ bán tài liệu quốc phòng lớn nhất nước Pháp

Thứ Tư, 06/04/2005, 07:38

Trong khoảng từ tháng 10/1989 đến tháng 4/1990, Temperville, nhân viên Trung tâm Năng lượng hạt nhân Pháp (CEA), đã lần lượt chuyển giao cho Serge, sĩ quan tình báo Liên Xô, chừng 40 hồ sơ được xem là tuyệt mật, trong đó có cuốn Niên giám phân loại của Ban ứng dụng quân sự của CEA.

Sinh năm 1956 tại khu ngoại ô phía nam thành phố Strasbourg, lên chín tuổi, Francis Temperville đã mồ côi cha. Năm 1985, sau khi bảo vệ thành công luận án thạc sĩ vật lý hạt nhân tại Viện Đại học Orsay, Temperville được nhận vào làm việc tại Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân quốc gia (INSTN), một chi nhánh của Trung tâm Năng lượng hạt nhân Pháp (CEA). Để  phụ giúp mẹ lo toan cuộc sống và tích lũy tiền xây dựng một trung tâm khoa học tư ở thành phố Strasbourg, Temperville tổ chức những khóa dạy ngoài giờ. Năm 1987, Temperville có thêm một học trò mới tên là Serge. Serge khác hẳn các sinh viên khác nhờ vẻ lịch lãm và cách nói năng lưu loát khiến cho Temperville tin rằng, học trò mới của mình là doanh nhân thuộc một quốc gia Bắc Âu nào đó.

Tên thật của Serge là Serguei Smyrev, sĩ quan của Cơ quan Tình báo Liên Xô, đương nhiệm Bí thư thứ hai của Sứ quán Liên Xô tại thủ đô Paris. Dần dần, Serge khuyến khích thầy chuyển giao một số tài liệu làm việc để tăng chất lượng học tập. Hài lòng vì tinh thần ham học hỏi của Serge, Temperville hào phóng cung cấp các tài liệu bình thường cùng các tạp chí chuyên ngành hữu ích cho việc học tập.

Một buổi tối tháng 1/1988, Serge mời Temperville đi ăn tối tại một nhà hàng rồi đặt thẳng vấn đề được nhận các tài liệu liên quan đến kỹ thuật hạt nhân của Pháp. Đổi lại, Temperville sẽ nhận được những món tiền tương xứng. Để thuyết phục Temperville, Serge thú nhận mình chẳng phải là doanh nhân mà là chuyên viên làm việc cho một tổ chức khoa học của một quốc gia Bắc Âu rất quan tâm đến chương trình hạt nhân của Pháp.

Từ tháng 1 đến tháng 8/1988, Serge và Temperville gặp nhau hai tháng một lần tại các nhà hàng nhỏ ở vùng Yvelines. Trong những lần hẹn này, Temperville bắt đầu chuyển giao các tài liệu của INSTN để nhận từ 2.000 đến 4.000 frăng tiền mặt đựng trong túi giấy.

Ngày 1/10/1989, Francis Temperville được nhận vào làm việc tại CEA. Sau cuộc điều tra kỹ lưỡng của trung tâm, Temperville được quyền tiếp xúc với các hồ sơ mang tính bí mật quốc phòng. Cùng các chuyên viên khác, Temperville có nhiệm vụ diễn giải những lần thử hạt nhân của Pháp trên đảo san hô Mururoa ở Nam Thái Bình Dương. Temperville còn được tiếp xúc với vô số thông tin quan trọng - được xếp dưới mật danh Vulcain - về tiến trình các vụ thử hạt nhân ở Nam Thái Bình Dương.

Đôi khi việc sao chép và chuyển giao tài liệu của Temperville có vẻ tầm thường đến khó tin. Chẳng hạn ở CEA, Temperville thực hiện việc sao chụp hồ sơ tài liệu ngay tại phòng thư ký mà chẳng ai thèm chú ý đến việc này. Sau đó, Temperville bỏ hồ sơ, tài liệu sao chép vào túi nhựa và rời trung tâm khi hết giờ làm việc mà bảo vệ chẳng khám xét.

Trong khi đó, quan hệ giữa Temperville và Serge đầy vẻ bí mật. Họ cũng quy ước bằng ký hiệu hẳn hoi: khi muốn gặp Serge, Temperville phải đặt vỏ cam gần cột điện thoại cạnh hồ bơi ở khu Orsay. Nếu có vấn đề gì thì Serge sẽ đặt một hoa hồng ở trụ thứ ba trên cầu Orsay. Và khi Serge đã nhận được “bọc rác” chứa tài liệu thì phải để lại một gói thuốc lá Dunhill chỉ còn có hai điếu.

Thế nhưng đến tháng 8/1990, Temperville bỗng nghỉ việc tại CEA để trở về Strasbourg mở một trung tâm chuyên dạy về vật lý, điều mà anh hằng mong ước từ lâu và là một trong những lý do khiến anh phải bán tài liệu của CEA cho Serge. Temperville kể lại: “Tôi nghĩ là đã chấm dứt được quan hệ với Serge. Nhưng chúng tôi cũng thường xuyên gặp nhau dưới danh nghĩa thầy - trò cũ”. Biết là không còn trông mong gì ở Temperville nên Serge chỉ duy trì mối quan hệ ở mức độ này cho đến khi Serge được triệu hồi về Moskva.

Vào lúc này lại xảy ra một sự kiện, đó là việc Otchenko, một điệp viên phản bội của Tình báo Nga, đầu thú tại Anh, bắt đầu “hót”. Gã kể về các hoạt động bán tài liệu mật của Temperville cho Tình báo Liên Xô từ năm 1988 đến năm 1990. Thế là thông tin đắt giá này liền được Tình báo Anh chuyển giao cho Cơ quan Phản gián Pháp (DST). Ngày 14/9/1992, các thanh tra DST đã tiến hành bắt giữ Francis Temperville về tội chuyển giao tài liệu được xếp vào loại bí mật quốc phòng cho phía Liên Xô.

Theo đánh giá của các nhà điều tra Pháp thì trong vòng ba năm từ năm 1988 đến năm 1990, Temperville đã nhận khoảng 2 triệu frăng (tương đương 350.000 euro) tiền bán tài liệu cho phía Liên Xô. Nhưng theo thú nhận của Temperville sau khi được trả tự do thì số tiền mà ông ta nhận được chỉ chưa tới 200.000 frăng (tương đương 35.000 euro), bởi vì có nhiều tài liệu Temperville đã cho không Serge vì tình nghĩa...

Ngày 19/1/2005, Tem-perville, nay đã 49 tuổi, được trả tự do. Ông bình thản trả lời báo chí: "Chuyện ý thức hệ không hề có trong vụ này, nhưng đây cũng chính là quãng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi"

Hoàng Phú (Theo Hebdo)
.
.