Vụ bê bối gián điệp của cảnh sát Anh

Thứ Sáu, 09/08/2013, 11:45

Sau những tiết lộ động trời về chương trình nghe lén của Trung tâm Kiểm soát viễn thông Anh (GCHQ) hợp tác với Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), hiện nay Cảnh sát London - lực lượng cảnh sát lớn nhất nước Anh - đang phải đối mặt với những cáo buộc sử dụng biện pháp gián điệp đáng lên án nhằm moi móc thông tin người dân ngay tại nhà riêng của họ! Với biện pháp này, cảnh sát mật London ra sức thu thập thông tin về những nhóm hoạt động chính trị trong nước cũng như về những công dân không hề có tiền án.

Theo tiết lộ của tờ Guardian, cảnh sát mật còn xây dựng mối quan hệ tình cảm lâu dài với mục tiêu và thậm chí trở thành những người cha bất đắc dĩ. Hơn nữa, cuộc sống hai mặt của cảnh sát mật còn để lại hậu quả tinh thần cho chính họ. Ví dụ, có ít nhất một cựu cảnh sát mật kiện Sở Cảnh sát London vì những nỗi đau tinh thần mà anh phải gánh chịu trong chương trình gián điệp phi đạo đức này.

Isabella Sankey, giám đốc chính sách của nhóm nhân quyền Liberty, nhận xét: "Chương trình gián điệp dân thường đáng hổ thẹn của Sở Cảnh sát London đã lừa gạt người dân vô tội trong suốt nhiều năm dài - từ đó để lại những đứa trẻ không có cha, hủy hoại cuộc đời của nhiều phụ nữ và phá hoại ngầm các chiến dịch đấu tranh vì công lý". 

Tiết lộ của The Guardian - tờ báo Anh công bố sự thật về chương trình nghe lén gây xôn xao dư luận của Mỹ thông qua sự hợp tác của cựu nhân viên Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden - là kết quả của cuộc điều tra kéo dài 2 năm đối với Sở Cảnh sát London. Tất cả sự thật cuối cùng được phơi bày trong cuốn sách mới xuất bản vào tháng 6 vừa qua - "Bí mật: Câu chuyện thật về lực lượng cảnh sát mật của nước Anh”, của hai nhà báo Rob Evans và Paul Lewis.

Trong cuốn sách, hai nhà báo kể ra nhiều câu chuyện cho thấy cảnh sát mật London lén lút theo dõi đời tư công dân như thế nào, thậm chí họ còn khuyến khích các mục tiêu của mình phạm tội - một cách bẩn thỉu để dễ dàng lập báo cáo về "thành tích" gián điệp của họ! Trước sự thật đáng xấu hổ như thế, Chính phủ Anh buộc phải ra lệnh mở cuộc điều tra về những bê bối mà tờ Guardian tiết lộ trên mặt báo. Hơn nữa, Sở Cảnh sát London cũng cho thành lập một đội đặc nhiệm điều tra những cáo buộc nhằm vào lực lượng này.

Cảnh sát mật Bob Lambert và đứa con trai có với Jacqui trong thời gian hoạt động ngầm.

Cảnh sát trưởng London Bernard Hogan-Howe cho biết, hành động của cảnh sát mật đã gây mất thể diện nghiêm trọng cho lực lượng Cảnh sát Anh. Số cảnh sát mật này là thành viên của 3 đội tuyệt mật riêng biệt do Scotland Yrad thành lập nhằm mục đích bí mật giám sát các nhà hoạt động chính trị, trong đó bao gồm một đội (đã giải tán năm 2008) do thám những người đối lập chính trị và một đội phụ trách dữ liệu của gần 9.000 công dân Anh bị coi là những phần tử cực đoan.

Cảnh sát London cũng thừa nhận đã triển khai một nhóm cảnh sát mật tìm kiếm thông tin để bôi nhọ gia đình của Stephen Lawrence - thiếu niên bị giết chết trong cuộc tấn công bạo lực mang tính phân biệt chủng tộc ở London vào năm 1993. Đây là một hành vi mà Cảnh sát trưởng Hogan-Howe nhận định rằng "không thể bào chữa được".

Vào tháng 3/2013, John Catt - một nhà hoạt động 88 tuổi không hề có tiền án - đã chiến thắng trong vụ kiện chống chiến dịch gián điệp của cảnh sát mật và buộc phải xóa bỏ hồ sơ về sự dính líu của ông đến những người đối lập chính trị ra khỏi dữ liệu về các thành phần cực đoan của Sở Cảnh sát London.

Tim Owen, luật sư của Catt, tuyên bố: "Tác động toàn diện của chiến dịch giám sát và hồ sơ về hoạt động chính trị của Catt chắc chắn mang tính dọa dẫm những người chống đối hợp pháp đồng thời gây ảnh hưởng lên các hoạt động luôn tuân thủ pháp luật của họ".

Cảnh sát trưởng London Bernard Hogan-Howe (phải).

Một trong những vụ việc được phanh phui chi tiết nhất trong thời gian gần đây liên quan đến Mark Kennedy, sĩ quan cảnh sát mật xâm nhập nội bộ các nhóm chiến dịch chống phân biệt chủng tộc trong suốt 7 năm dài. Sĩ quan Kennedy làm việc cho Đội Tình báo trật tự quốc gia (NPOIU) của Sở Cảnh sát London với nhiệm vụ hỗ trợ cảnh sát theo dõi các mối đe dọa cộng đồng. NPOIU lưu trữ các báo cáo chi tiết - kể cả đến những thói quen ăn mặc cũng như cụm từ in trên áo thun - về hàng ngàn người tham gia những cuộc biểu tình chính trị trong hòa bình và hợp pháp. Thậm chí, rất nhiều người trong số đó có lý lịch trong sạch!

Hoạt động gián điệp của Mark Kennedy dẫn đến việc bắt giữ 26 nhà hoạt động liên quan đến vụ tấn công vào một nhà máy điện, cuối cùng 6 người bị buộc tội trước tòa án. Kennedy cũng thừa nhận mình có vài quan hệ tình dục với các mục tiêu. Vụ Kennedy gây xôn xao dư luận ở Anh và lực lượng Cảnh sát Anh phải mở cuộc điều tra về hoạt động bí mật của NPOIU. Kết quả điều tra được công bố vào năm 2012 cho thấy, mọi hoạt động của NPOIU đều không chịu sự kiểm soát nào. Kết quả điều tra cũng tiết lộ "chiến thuật" vô đạo đức của cảnh sát mật.

Theo tờ The Guardian, một số cảnh sát mật còn có quan hệ vợ chồng với những mục tiêu mà họ chịu trách nhiệm gián điệp! Như trường hợp một sĩ quan có con với một phụ nữ trong nhóm nhà hoạt động mà anh xâm nhập rồi sau đó bỏ rơi cả hai mẹ con. Người phụ nữ bất hạnh tên là Jacqui, quen biết viên sĩ quan cảnh sát mật Bob Lambert năm 1984. Lúc đó, Lambert đóng vai nhà hoạt động quyền động vật "Bob Robinson" theo sự phân công của Đội Chiến dịch đặc biệt (SDS). Hai người có với nhau đứa con trai vào năm 1985 nhưng sau đó "Bob Robinson" đột nhiên biến mất.

Năm 2012, Jacqui bất ngờ phát hiện danh tính thật nhà hoạt động "Bob Robinson" sau khi nhìn thấy ảnh của người này trên mặt báo. Jacqui cũng biết Lambert thật ra đã có vợ và hai đứa con

Diên San (tổng hợp)
.
.