Vụ bê bối gián điệp gây chấn động Nato và EU

Thứ Ba, 02/12/2008, 09:00

Suốt nhiều năm qua, có một viên chức Chính phủ Estonia lén thu thập những bí mật nhạy cảm nhất của NATO và EU, rồi chuyển giao chúng cho phía Nga. Vụ bê bối gián điệp này rõ ràng là một thảm họa đối với NATO.

Khi các chi tiết thông tin mật trao đổi giữa nghi can gián điệp hàng đầu với kẻ liên lạc người Nga được công bố, không chỉ Chính phủ Estonia mà các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều cho rằng họ thật sự bị sốc. Các nhà điều tra Estonia tiết lộ, để gửi tin cho vệ tinh liên lạc Nga của mình, Herman Simm, 61 tuổi, sử dụng một máy vô tuyến đã cải tạo cho có vẻ cổ lỗ sĩ. Tuy nhiên, đó là một vật không lạc hậu tí nào, bởi nhờ nó mà Simm, một viên chức cao cấp trong Bộ Quốc phòng Estonia tại Tallinn, đã chuyển thành công vô số thông tin tình báo cho Nga suốt nhiều năm liền.

Dẫu rằng Simm bị bắt cùng với vợ Heete tại thủ đô Tallinn của Estonia vào ngày 21/9 vừa qua, nhưng câu chuyện gián điệp này được giữ tuyệt đối bí mật cho đến nay với lý do hết sức quan trọng: Nó liên quan đến những hoạt động của EU và NATO có trụ sở chính đặt tại Brussels. Bởi vì Simm là người chịu trách nhiệm xử lý các thông tin mật tại Tallinn, nên y có điều kiện truy cập gần như tất cả các tài liệu được trao đổi giữa EU và NATO.

Các viên chức quen thuộc với bê bối gián điệp như vậy nhận định rằng hầu như mọi thứ thông tin qua lại giữa các quốc gia thành viên EU đều đã được chuyển cho Cục Tình báo Đối ngoại Nga (gọi tắt là SVR), kể cả những phân tích đáng tin cậy của NATO về cuộc khủng hoảng Kosovo, cuộc chiến ở Georgia và thậm chí cả chương trình phòng thủ tên lửa của châu  Âu nữa. Các nhà điều tra tin rằng Simm quả thật là “con cá mập” trong tay SVR.

Tổng hành dinh của Nato tại Brussells (Bỉ) đang hứng chịu vụ bê bối gián điệp tồi tệ nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh.

Trong khi đó, một số nhóm điều tra từ EU và NATO cũng bay sang Tallinn để điều tra về mức độ nghiêm trọng của vụ scandal này. Cuộc điều tra do Cục An ninh NATO chỉ đạo và dưới quyền lãnh đạo của một viên chức Mỹ (như thông lệ đó là một quan chức CIA cấp cao). Các nhà điều tra cho thấy ngày một nhiều chứng cứ và mức độ phản bội của Simm là lớn. Một viên chức Chính phủ Đức gọi tình huống này là “thảm họa”, còn Jaanus Rahumgi, thành viên Quốc hội và là người đứng đầu Ủy ban Giám sát Quốc hội Estonia,  sợ rằng sự thật này đem lại mối nguy hại khủng khiếp cho lịch sử Estonia.

Các viên chức NATO tại Brussels so sánh vụ bê bối gián điệp của Slimm ngang với vụ của Aldrich Ames, một cựu nhân viên CIA suốt nhiều năm từng cung cấp thông tin cho KGB. Tuy nhiên, những thông tin bị rò rỉ tại Estonia quá quy mô khiến nó trở thành vụ bê bối gián điệp tồi tệ nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Vụ scandal này cho thấy liên minh EU và NATO khinh suất đến thế nào trong việc mở rộng liên minh này tại Đông  Âu. Khi đưa ra quyết định cho Estonia – một quốc gia nhỏ bé với dân số chỉ 1,3 triệu người – và 6 quốc gia khác gia nhập NATO và EU vào năm 2006, Bộ trưởng Quốc phòng Đức lúc đó là Peter Struck thuộc đảng Dân chủ Xã hội tả khuynh (SPD) bày tỏ thái độ hân hoan, rằng đó là một bước tiến mạnh mẽ hướng đến một châu Âu tự do và không chia rẽ, hướng đến một khu vực an ninh hơn và một NATO mạnh mẽ hơn.

Giờ đây các nhà điều tra đang làm rõ xem có phải tiền bạc là động cơ cho những hành vi phản bội của Simm hay không. Chỉ có một điều rõ ràng là Simm sở hữu khoảng 5-6 lô đất và nhiều tài sản có giá trị khác, kể cả một trang trại gần bờ biển Baltic và một khu biệt thự mới cải tạo sang trọng trong thành phố Saue gần Tallinn. Các điều tra viên bắt đầu giám sát căn nhà này khi ngày càng có nhiều đầu mối rõ ràng cho thấy vệ tinh liên lạc với Simm bắt đầu lộ diện. Vệ tinh này là một điệp viên SVR đang du lịch châu  Âu với một hộ chiếu Tây Ban Nha giả. Hiện tại, các viên chức tại Viện Công tố Estonia hy vọng sẽ có được các tội danh của Simm ngay từ đầu năm 2009, và nhanh chóng đưa vụ án này ra xét xử.

Tuy nhiên, NATO đặc biệt quan tâm đến “việc giải mã bằng được kế hoạch trò chơi của người Nga”, các nguồn tin từ Bỉ cho biết. Nhưng không hẳn NATO và EU chọn phương cách trả đũa Nga, mà về sau có khả năng vụ bê bối gián điệp này sẽ được gút lại bằng phương thức trao đổi tài liệu mật có kiểm soát trong liên minh châu  Âu. Một cuộc khảo sát toàn diện theo mong đợi sẽ giúp tìm ra xem liệu có nguồn tài liệu nào khác bị rò rỉ sang Đông Âu hay không. Một viên chức Bỉ khẳng định: “Chúng tôi sẽ truy xét đến cùng trong hy vọng không còn tìm thấy kẻ phản bội nào như Simm được Nga cài đặt trong các quốc gia vùng Baltic nữa”

Lệ Đào (Tổng hợp)
.
.