Vụ bê bối gián điệp giữa Ukraina và Rumani

Thứ Hai, 23/03/2009, 13:10
Giữa hai quốc gia Đông Âu là Rumani và Ukraina vừa nổ ra một vụ bê bối gián điệp lớn, sau khi Bucharest tuyên bố bắt giữ viên sĩ quan quân đội Rumani là Floricel Achim và một công dân Bulgari có tên Marinov Zikolov với lời cáo buộc hoạt động tình báo cho Ukraina.

Ngay sau đó, các phương tiện truyền thông đại chúng của Rumani thông báo về lệnh trục xuất tùy viên quân sự của Đại sứ quán Ukraina tại Bucharest, người được khẳng định đã trực tiếp nhận từ những kẻ tình nghi trên những thông tin bí mật liên quan đến các cơ sở của NATO…

Mối quan hệ giữa Kiev và Bucharest rất có thể sẽ bị xấu đi trong một thời gian dài, và Rumani sẽ trở thành quốc gia chống đối chủ yếu đối với mong muốn gia nhập NATO của Ukraina - đó là những nhận định đánh giá ban đầu của báo chí Rumani khi viết về vụ bê bối gián điệp, trong đó có sự dính líu của các nhân viên Đại sứ quán Ukraina.

Theo thông tin cụ thể, ngay từ hôm 2/3, các nhà chức trách Rumani đã bắt giữ Marinov Zikolov và viên sĩ quan quân đội Floricel Achim - người đầu tiên với lý do nghi ngờ hoạt động gián điệp, còn người thứ hai với cáo buộc phản bội Tổ quốc. Tòa thượng thẩm Bucharest ngay sau đó cũng phê chuẩn lệnh bắt giữ cả hai đối tượng trên với mức thời hạn điều tra tối đa là 29 ngày.

Theo tờ Ziua, dựa trên những dữ liệu từ các cơ quan an ninh Rumani, “tên phản bội Achim và tên gián điệp Zikolov” đã quen biết nhau ngay từ năm 2001. Khi biết được Zikolov rất quan tâm tới các thông tin bí mật, Achim đã đồng ý cung cấp chúng với những khoản tiền thưởng tương xứng. Trong suốt thời gian này, viên sĩ quan Rumani đã trao cho người bạn Bulgari của mình không dưới một chục tài liệu mật khác nhau, và tùy theo mức độ quan trọng của chúng để nhận những khoản tiền thưởng từ 800 đến 1.000 USD.

Điều tra cho thấy, viên sĩ quan quân đội Rumani này đã trao cho Zikolov dữ liệu về hệ thống liên lạc quân sự, tần số làm việc của các radar, các bản đồ của khối quân sự NATO, các sơ đồ khác nhau cũng như thông tin về kỹ thuật quân sự.  Những phương tiện kỹ thuật hiện đã giúp làm giảm nhẹ đáng kể hoạt động của hai gián điệp này: Achim chỉ cần có vài giây để sao chép thông tin với những thẻ nhớ siêu nhỏ.

Còn Zikolov lại chuyển giao các tài liệu nhận được (thường được lưu dưới dạng dữ liệu máy tính) cho tùy viên quân sự của Đại sứ quán Ukraina tại Bucharest. Trong khi theo báo chí Rumani, tại cơ quan đại sứ này khi đó đang có hai tùy viên quân sự: tùy viên hải quân Anatoli Yasenuk và tùy viên quân sự Sergey Ilniski. Vụ bê bối gián điệp này, theo khẳng định của 2 tờ báo Gardianul và Ziua, có liên quan đến Ilniski, người đã được phía Rumani tuyên bố tước quyền miễn trừ ngoại giao và trục xuất về nước.

Riêng Cơ quan phản gián Rumani (SRI) vẫn chưa công khai khẳng định quốc gia nào có liên quan đến âm mưu tình báo trên, mà chỉ khẳng định Zikolov làm việc cho một cơ quan tình báo nước ngoài. SRI cũng cho biết thêm, dù là một công dân Bulgari, nhưng không có bằng chứng cho thấy Zikolov có hoạt động cho cơ quan tình báo nước này.

Bộ Ngoại giao Ukraina đã từ chối bình luận về sự kiện này dù vẫn xác nhận thông tin có một tùy viên quân sự của mình vừa bị trục xuất khỏi Rumani. Một số chi tiết liên quan đến vụ bê bối này cũng được hé lộ cho biết, Tổng thống Traian Basescu mới đây đã có kế hoạch tới thăm Kiev (dự tính vào ngày 25, 26/2), nhưng sau đó đã bất ngờ hoãn lại mà không nêu rõ nguyên nhân. Chỉ hai ngày sau, đến lượt Floricel Achim và Marinov Zikolov bị bắt vì tội hoạt động gián điệp cho Ukraina.

Ngoài ra, vụ án gián điệp trên có thể bắt nguồn từ một tranh cãi về biên giới từ lâu giữa Ukraina và Rumani liên quan đến hòn đảo Zmeiny. Ukraina trước đó tuyên bố rằng, hòn đảo thuộc chủ quyền của họ theo nguyên tắc phải giúp mở rộng thêm phần thềm lục địa, trên đó đã khảo sát được một trữ lượng lớn dầu và khí gas. Trong khi Rumani cho rằng, hòn đảo trên chẳng qua chỉ là một khối đá lớn nhô lên trên vùng biển gần Odessa, nên không thể là lý do được đưa ra để xem xét lại ranh giới giữa hai nước ở thềm lục địa.

Ukraina sau đó đã thua kiện khi vụ tranh chấp được đưa ra xét xử tại Tòa án quốc tế của Liên Hiệp quốc tại La Haye. Nhưng ngay sau đó, Kiev vẫn tuyên bố rằng, phần lớn những mỏ dầu được phát hiện dù sao vẫn nằm trên phần lãnh thổ của Ukraina, nên họ hoàn toàn có quyền thu hút các nhà đầu tư để khai thác.

Trước mắt, những hậu quả của vụ việc trên tiếp tục có những diễn biến theo chiều hướng xấu đi. Điển hình là việc Kiev quyết định trả đũa khi tuyên bố trục xuất 2 nhà ngoại giao Rumani – trong đó có một tùy viên quân sự và một thư ký tổng lãnh sự - vì tội âm mưu và tuyên truyền những tư tưởng ly khai chống lại Ukraina. Ngoài ra, 2 nhân vật trên còn được khẳng định đã tìm cách khai thác những thông tin có định hướng về các cơ quan chính quyền Ukraina để sau đó sử dụng bôi xấu uy tín của Ukraina trên trường quốc tế.

Phía Ukraina còn cho rằng, Bucharest đã “chơi trò hai mặt” với họ, khi bề ngoài cam kết ủng hộ họ gia nhập EU và NATO, nhưng mặt khác lại tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Kiev. Dù sao theo đánh giá của công luận, vụ bê bối gián điệp trên rất có thể sẽ gây nhiều khó khăn cho nỗ lực gia nhập NATO của Ukraina trong thời gian tới. 

Đôi điều về cơ quan phản gián Rumani

SRI (còn gọi là Cơ quan thông tin Rumani) là Cơ quan Phản gián hàng đầu trên lãnh thổ Rumani, chuyên trách việc thu thập, phân tích và kiểm chứng thông tin nhằm phát hiện, ngăn chặn và chống lại những hành động có thể đe dọa tới lợi ích an ninh quốc gia.

Thẩm quyền của SRI còn bao gồm cả hoạt động chống khủng bố, cũng như giải quyết các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ các dữ liệu bí mật của quốc gia trên mọi lĩnh vực. SRI nằm dưới quyền điều hành trực tiếp của Quốc hội thông qua một ủy ban chuyên trách đặc biệt.

Cơ quan này hàng năm còn có nhiệm vụ phải soạn thảo một báo cáo tổng quát về hoạt động phản gián để trình lên Quốc hội.  Từ tháng 10/2006, Giám đốc của SRI là George Cristian Maior

Thái Quân (tổng hợp)
.
.