Vụ biển thủ tiền bồi thường nạn nhân chiến tranh

Thứ Ba, 31/05/2011, 22:15

Trong nhóm can phạm gồm 17 người, mạo danh hòng bòn rút 42,5 triệu USD từ ngân quỹ bồi thường nạn nhân thời Chiến tranh thế giới thứ II có 6 người thuộc Tổ chức Conference on Jewish Material Claims Against Germany (thường được gọi tắt là Claims Conference), một cơ quan đại diện sắc dân Do Thái trên thế giới trong việc đòi bồi thường cho các nạn nhân của chủ nghĩa phát xít.

Sự việc bị phát giác từ cuối năm 2009, khi một nhân viên tổng hợp của Claims Conference chợt nhận thấy số lượng người được hưởng trợ cấp "một cục" bỗng tăng đột biến.

Theo sự thỏa thuận với Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức là bên đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường, thì các nạn nhân phải lẩn trốn sự truy lùng của bè lũ Quốc xã trong cảnh khốn khó chí ít là 18 tháng, sẽ được nhận khoản trợ cấp một lần tương đương 3.600USD; còn những người sống tối thiểu nửa năm trong các trại tập trung hay các trại lao động cưỡng bức do quân phát xít dựng lên, sẽ hưởng mức trợ cấp thường xuyên hàng tháng là 411USD.

Sau khi FBI vào cuộc tổng rà soát, đã phát hiện hơn 5.600 người nộp đơn đã cố tình chỉnh sửa mốc thời gian cho "khớp" với quy định chung, đa phần những trường hợp này đến từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Nhưng hồ sơ của họ vẫn được xét duyệt qua thủ đoạn tiếp tay của đám nhân viên biến chất nói trên, đổi lại họ sẽ nhận được số tiền "lại quả" tương xứng.

Cụ thể là trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2009 đã có 4.957 người nhận mức "một cục" tương đương 18 triệu USD, trong khi 658 người khác hưởng trợ cấp hàng tháng tương đương 24,5 triệu USD.

Nguồn tin từ Viện Công tố New York còn cho biết, hầu hết số người từng hưởng trợ cấp phi lý trong vụ scandal gây chấn động này đều sinh ra sau thời điểm kết thúc Chiến thanh thế giới thứ II, thậm chí một vài trường hợp không phải là dân Do Thái đích thực.

Ngoài số bị cáo thuộc Tổ chức Claims Conference ra, 11 can phạm còn lại chủ yếu là người gốc Nga liên quan đến vụ lừa đảo qua vai trò trung gian cò mồi, ráo riết tìm và hướng dẫn người nộp đơn để hưởng phần trăm hoa hồng.

Nếu bị buộc tội cố tình làm giả chứng từ khiến thông tin sai lệch vì mục đích vụ lợi, mỗi bị cáo có thể lĩnh mức án tối đa là 60 năm tù giam kèm 750.000USD tiền phạt

Kim Dung (theo The New York Times)
.
.