Vụ bức tử nhà ngoại giao Canada John Watkins

Thứ Sáu, 18/05/2007, 09:15

Sáng ngày 13/10/1964, báo chí Canada đồng loạt đưa tin trang nhất về sự kiện nhà ngoại giao kỳ cựu người Canada John Watkins, 62 tuổi, nguyên Đại sứ Canada tại Liên Xô, đã đột tử do trụy tim khi đang ăn tối tại một nhà hàng ở thành phố Montreal vào ngày 12/10/1964.

Đám tang của Watkins được cử hành trọng thể tại thành phố Montreal có sự tham dự của Thủ tướng Lester Pearson cùng toàn bộ nội các. Chính phủ Liên Xô cũng đã cử một phái đoàn cấp cao đến Canada để dự lễ tang của nhà ngoại giao đã có công lớn trong việc thắt chặt bang giao giữa Liên Xô và Canada, nhất là vào thời kỳ căng thẳng của chiến tranh lạnh.

Thế nhưng, đằng sau cái chết bất ngờ của Watkins lại ẩn chứa một sự thật mà khi được đưa ra ánh sáng đã gây sửng sốt và phẫn nộ cho mọi người: đó là việc nhà ngoại giao này không phải qua đời vì trụy tim mà là bị bức tử cho đến chết sau 4 ngày bị giam giữ và thẩm vấn bởi Lực lượng An ninh Canada (RCMP) có sự tham gia của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Vậy đâu là sự thật?

John Watkins sinh năm 1902 tại thị trấn Norval Station, bang Ontario của Canada trong một gia đình nông dân. Ham học và sáng dạ, ngay từ nhỏ Watkins đã lân la làm quen với những người nhập cư nước ngoài làm thuê tại trang trại của gia đình để học tiếng của nước họ.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Watkins học liền hai ngành lịch sử và địa lý tại Đại học Mannitoba. Là giảng viên về lịch sử và địa lý châu Âu của Đại học Mannitoba, năm 1946 Watkins được Bộ Ngoại giao Canada tuyển dụng.

Năm 1948, ông được bổ nhiệm làm Đại sứ Canada tại Liên Xô và nhanh chóng kiến tạo bang giao giữa hai quốc gia. Năm 1955, Watkins đã tổ chức thành công cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Bộ trưởng Ngoại giao Canada Lester Pearson (người sau này trở thành Thủ tướng Canada vào tháng 4/1963) và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Kruschev.

Cuộc gặp gỡ này đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử bang giao Liên Xô - Canada với việc Liên Xô và Canada ký kết nhiều hiệp định quan trọng về kinh tế và khoa học kỹ thuật.

Với tác động của Đại sứ Watkins, Canada đã thỏa thuận bán cho Liên Xô dưới dạng trao đổi nguyên vật liệu một lượng lớn lúa mì mà Liên Xô rất cần để thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ trong nước do chưa kịp khôi phục lại nông nghiệp bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh. Tuy nhiên, mối quan hệ này đã gây khó chịu cho một số nhân vật chống Cộng sản trong Chính phủ Canada và nhất là từ phía Mỹ.

Là bạn thân của Lester Pearson, Watkins đã có tác động tích cực đến chính sách ngoại giao của Canada cả trong thời kỳ ông này còn giữ chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao hay đã làm Thủ tướng.

Cả Pearson và Watkins đều lên tiếng phê phán chính sách bài Cộng sản điên cuồng của Chính phủ Mỹ vào thập niên 50 và kiên quyết không ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam.

Cho rằng Pearson là một người có tư tưởng thân Cộng sản, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson từng tuyên bố thẳng thừng với ông Pearson rằng: “Hoặc Canada phải quay lưng lại với Liên Xô hoặc phải quay lưng lại với Mỹ!”.

Đương nhiên nhân vật bị phía Mỹ chỉ trích thậm tệ, còn CIA thì phối hợp với RCMP tổ chức theo dõi không ai khác hơn là Đại sứ Watkins với tội danh được gán cho là làm nội gián cho phía Liên Xô.

Để loại bỏ Watkins, đầu năm 1964, CIA và RCMP mở chiến dịch phao tin đồn là nhà ngoại giao này mắc chứng đồng tính rồi được thổi phồng bởi một số tờ báo quá khích ở Canada.

Cú “đấm” quyết định mà CIA và RCMP nhắm vào Watkins là cho công khai lời thú nhận của hai điệp viên Liên Xô đào thoát là Anatoli Golitsin và Youri Nosenko, rằng Watkins là điệp viên nội gián làm việc cho tình báo Liên Xô và được điệp viên Liên Xô Anatoli Gorski tuyển dụng (Gorski cũng là người đã tuyển dụng điệp viên nội gián người Anh Anthony Blunt).

Những lời thú nhận không được kiểm chứng của Golitsin và Nosenko đã làm rúng động dư luận. Nhiều đại biểu Quốc hội, thành viên nội các chính phủ yêu cầu Thủ tướng Pearson phải triệu hồi Đại sứ Watkins từ Moskva về Canada để điều tra và điều trần.

Ngày 9/10/1964, ngay sau khi vừa đáp xuống sân bay Montreal, Watkins liền bị áp giải về quản thúc tại một khách sạn ở trung tâm thành phố Montreal. Suốt mấy ngày liền, Watkins liên tục bị thẩm vấn bởi các nhân viên RCMP có sự tham gia của nhân viên CIA đến từ Mỹ nhằm làm sáng tỏ câu hỏi: Phải chăng Watkins làm việc cho tình báo Liên Xô?

Nhằm ngăn chặn Thủ tướng Pearson có thể can thiệp vào việc quản thúc và thẩm vấn Watkins, RCMP đã giật dây cho một tổ chức ly khai có tên gọi Mặt trận Giải phóng Canada tổ chức biểu tình khắp nơi đòi độc lập cho tỉnh Quebec để gây bất ổn xã hội. Thủ tướng Pearson do phải tập trung giải quyết các bất ổn xã hội nên đã để mặc RCMP xử lý vụ Watkins.

Ngày 12/10/1964, sau 4 ngày liên tục bị thẩm vấn, Watkins qua đời một cách đột ngột và được thông báo là đột tử do trụy tim khi đang ăn tối tại một nhà hàng ở thành phố Montreal. Những người thân của nạn nhân bị buộc phải ký nhận vào biên bản giám định pháp y và cam đoan không kiện cáo. Sau một lễ tang đình đám, cái chết của nhà ngoại giao Watkins bị rơi vào quên lãng.

Năm 1980, cái chết bí ẩn của John Watkins được làm sáng tỏ bởi Ian Adams, đảng viên đảng Tự do và là một nhà báo. Trước đó, Adams từng làm sáng tỏ cái chết nghi vấn của Herbert Norman, Đại sứ Canada tại Ai Cập vào tháng 4/1957.

Bị buộc tội làm việc cho tình báo Liên Xô, Norman bị đẩy rơi từ tầng 5 một cao ốc ở thủ đô Cairo rồi ngụy tạo thành một vụ tự tử. Ian Adams cho rằng, đã có một sự trùng hợp giữa cái chết được cho là nghi vấn của cả Norman và Watkins nên một mặt tổ chức điều tra, đồng thời kiến nghị Chính phủ Canada cho tái thẩm tra về cái chết bí ẩn của Watkins.

Một trong những chứng cứ mà Adams trưng ra để  buộc tội RCMP đã bức tử Watkins là giấy chứng tử tạm do một sĩ quan RCMP ký xác nhận còn lưu trong hồ sơ về Watkins của RCMP. Adams lập luận, nếu cho rằng Watkins bị đột tử do trụy tim tại một nhà hàng thì lấy cớ gì RCMP lại xác nhận vào giấy chứng tử của Watkins, trong khi pháp y lại lập một giấy chứng tử khác không có xác nhận của RCMP. Vì vậy, Adams đã thu thập chữ ký của dân chúng kiến nghị  cho điều tra lại cái chết bí ẩn của Watkins.

Kết quả điều tra cho biết, Watkins không phải là điệp viên nội gián của tình báo Liên Xô, nhưng lại bị cáo buộc có cảm tình đặc biệt với Liên Xô, được thể hiện bằng việc cải thiện quan hệ ngoại giao, kinh tế và khoa học giữa hai quốc gia.

Hành động này của Watkins nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Pearson nhưng lại gây khó chịu cho các thế lực chống Cộng sản ở Canada và nhất là Mỹ. Vì vậy RCMP và CIA đã tổ chức mưu hại Watkins bằng việc tung tin ông mắc chứng đồng tính và buộc hai điệp viên Liên Xô đào thoát khai ra cái tên John Watkins. Và thế là Watkins bị bắt giữ và quản thúc để thẩm vấn cho đến khi ông đột ngột qua đời.

Vụ bức tử nhà ngoại giao John Watkins trở thành đề tài khai thác của văn học và điện ảnh. Đã có 4 cuốn sách viết về cái chết bí ẩn của nhà ngoại giao người Canada này. Trong đó, nổi tiếng nhất là cuốn "Sự thật về cái chết của John Watkins". Đạo diễn tài ba Oliver Stone cũng đã làm một bộ phim về đề tài John Watkins có tên gọi "Điệp vụ cuối cùng"

Văn Hòa (Theo Historia)
.
.