Vụ đầu độc cựu Tổng thống Chile Eduardo Frei Montalva

Thứ Bảy, 01/07/2006, 08:00
Vào ngày 17/11/1981, Eduardo Frei Montalva, 70 tuổi, cựu Tổng thống Chile (nhiệm kỳ 1964 - 1970) được đưa vào Bệnh viện Santa Maria ở thủ đô Santiago để cấp cứu sau khi bị những cơn đau thắt ở vùng bụng hành hạ. Khám nghiệm của bác sĩ cho biết vị cựu Tổng thống này mắc chứng viêm ruột cấp tính và cần phải được phẫu thuật gấp.

Một tuần sau khi được phẫu thuật, Montalva được xuất viện. Thế nhưng, thay vì hồi phục thì sức khỏe của ông cứ giảm dần. Nghiêm trọng hơn là chứng co giật xuất hiện cùng với những cơn mê sảng. Trong tình hình tồi tệ như thế, gia đình buộc phải cho ông tái nhập viện. Các bác sĩ chẩn đoán có thể ông mắc một chứng bệnh lạ nhưng không biết nguyên do vì đâu và cũng lúng túng không biết chữa chạy như thế nào. Các bác sĩ khuyên nên để ông ở lại bệnh viện để theo dõi và tìm cách điều trị. Tuy nhiên, đến ngày 22/1/1982, cựu Tổng thống Montalva qua đời và được các bác sĩ kết luận là chết do mắc bệnh truyền nhiễm.

Cái chết của cựu Tổng thống Montalva được chế độ Pinochet đang cầm quyền tại Chile thời kỳ ấy tổ chức long trọng. Mặc dù vậy, báo chí lại nhận được lệnh chỉ ghi nhận nguyên nhân cái chết của Montalva là do mắc bệnh truyền nhiễm và không được làm rùm beng hoặc nghi vấn về cái chết của ông.

Thế nhưng các người con của Montalva là Eduardo Frei Ruiz-Tagle (Tổng thống Chile nhiệm kỳ 1994 - 2000) và Carmen Frei (nghị sĩ Quốc hội hiện nay) lại nghi vấn cha mình chết do bị đầu độc mà thủ phạm ra tay không ai khác hơn là mật vụ DINA. Lý do khiến hai người con của Montalva tin vào giả thuyết này là cha họ từng phản đối kịch liệt việc áp đặt chế độ độc tài ở Chile của Pinochet và đưa đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo, mà Montalva là người sáng lập, trở thành một tổ chức chính trị đối lập đòi hỏi dân chủ tự do cho Chile. Bất kỳ ai vào thời kỳ đó dám chống lại Pinochet và chế độ của viên tướng này đều bị thẳng tay trừng trị, cho dù đó có là dân thường, sĩ quan cao cấp quân đội, đại biểu Quốc hội hay nguyên thủ quốc gia.

Năm 1964, Montalva ra tranh cử chức vụ tổng thống Chile với khẩu hiệu Cách mạng và Tự do và đắc cử tổng thống với 56% phiếu bầu. Trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, Montalva đã thực hiện nhiều cải cách đáng kể nhằm cải thiện cuộc sống cho người dân Chile như cải cách ruộng đất, cải cách giáo dục...

Một hành động khác của Montalva làm cho Chính phủ Mỹ khó chịu là buộc giới chủ tư bản Mỹ phải để cho Chính phủ Chile nắm giữ 51% cổ phần của các mỏ đồng khai thác tại vùng Anaconda và Kennecott. Khác với chính phủ thân Mỹ tại nhiều quốc gia Nam Mỹ vào thời kỳ đó, Tổng thống Montalva quyết định duy trì các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế với Liên Xô và các quốc gia XHCN. Tuy có uy tín cao đối với dân chúng Chile nhưng do lớn tuổi nên  Montalva quyết định không tái tranh cử chức vụ tổng thống.

Năm 1973, khi tướng Augusto Pinochet được sự hậu thuẫn của Mỹ, tiến hành lật đổ chính phủ của Tổng thống Salvador Allende và thực thi một chế độ độc tài quân sự dìm Chile trong hoảng sợ với vô số các vụ bắt bớ, tra tấn, thủ tiêu, đã bị cựu Tổng thống Montalva lên tiếng chỉ trích và chuyển CDP thành đảng đối lập với Chính phủ Pinochet. Lo ngại uy tín tăng cao của Montalva đối với dân chúng sẽ là trở ngại trong việc thực thi chính sách bóp nghẹt dân chủ của mình, bằng bất cứ thủ đoạn nào, kể cả dùng thuốc độc, nên Pinochet quyết định ra tay sát hại vị cựu Tổng thống này.

Năm 1974, Pinochet ra lệnh thành lập tại khu rừng Lo Coumo cách thủ đô Santiago 23km  một xưởng nghiên cứu chế tạo các loại hóa chất độc như khí độc sarin, botulin, vi khuẩn gây bệnh than...

Chỉ huy xưởng nghiên cứu Lo Coumo là Eugenio Berrios, còn được gọi là “Nhà bác học điên”. Khi Pinochet cho triển khai chiến dịch Condor với mục tiêu truy sát đến cùng các nhân vật đối lập cả tại Chile và ở nước ngoài thì chất độc được chế tạo tại Lo Coumo đã trở thành một trong những loại vũ khí được các biệt đội tử thần Questopillo sử dụng. Và chính cựu Tổng thống Montalva đã trở thành một trong những nạn nhân của biệt đội tử thần Questopillo.

Ngày 17/11/1981, biết tin cựu Tổng thống Montalva phải nhập viện, Pinochet hạ lệnh cho một đội Questopillo ra tay. Cải trang thành nhân viên y tế của Bệnh viện Santa Maria, các sát thủ của Questopillo đã tiêm vào cơ thể của Montalva một loại chất độc khiến cơ thể ông bị suy nhược dần dần dẫn đến mê sảng rồi chết. Vì vậy vào chiều ngày 22/1/1982, Montalva đã qua đời. Biết là cha mình có thể đã bị đầu độc đến chết nhưng các người con của Montalva vẫn không dám làm lớn chuyện, bởi thế lực của Pinochet quá lớn nên đã chấp nhận kết luận của các bác sĩ là chết do mắc bệnh truyền nhiễm.

Sau khi lên làm Tổng thống chile năm 1994, Ruiz Tagle (con trai cố Tổng thống Montalva) đã ra lệnh điều tra vụ việc trên. Thế nhưng, trước khi từ bỏ quyền lực, Pinochet đã tiến hành xóa bỏ tất cả dấu vết tội ác của ông ta, trong đó có việc phá hủy xưởng sản xuất các loại chất độc tại Lo Coumo đồng thời thủ tiêu tất cả những ai từng biết đến sự tồn tại của xưởng này, trong đó có cả “Nhà bác học điên” Eugenio Berrios.

 

Năm 2000, trong một nỗ lực vào cuối nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Ruiz-Tagle đã ra lệnh bắt giữ Thomas Castella, một trong những tay chân thân cận của Pinochet và là thành viên cốt cán của chiến dịch Condor. Khai báo với các nhân viên điều tra, Castella thú nhận là dưới thời Pinochet, chất độc được sử dụng như là một loại vũ khí bí mật dùng để sát hại những ai dám chống lại Pinochet mà cựu Tổng thống Montalva là một nạn nhân. Hơn hai thập niên sau cái chết bí ẩn của cựu Tổng thống Eduardo Frei Montalva, người dân Chile mới biết đích thực nguyên nhân cái chết của ông

Văn Hòa (Theo Historia)
.
.