“Vũ khí bí mật” của bà đầm thép Margaret Thatcher

Thứ Hai, 28/10/2013, 14:45

Lịch sử từng ghi nhận, ông Denis Thatcher có vai trò rất mờ nhạt bên cạnh người đàn bà quyền lực nhất nước Anh Margaret Thatcher. Thế nhưng, trong cuốn hồi ký sẽ xuất bản chính thức vào ngày 24/10 về bà cố Thủ tướng, tác giả Jonathan Aiken đã tiết lộ khá nhiều thông tin đặc biệt và thậm chí là trái ngược với suy nghĩ lâu nay của mọi người. Ông khẳng định, Denis Thatcher đã âm thầm trở thành "vũ khí bí mật", giúp Bà đầm thép thắng thương vụ mua bán vũ khí lớn nhất nước Anh có giá trị lên tới 90 tỉ bảng.

Là một doanh nhân dầu mỏ có cá tính mạnh mẽ, thực tế và ưa hài hước, ông Denis Thatcher  đặc biệt thích thú được bỏ ra những khoản tiền lớn để hỗ trợ cho các hoạt động chính trị của vợ mình. Sống bên cạnh người phụ nữ quyền lực, giỏi giang, ông Denis đã không ít lần phải nhận những lời châm biếm, song ông vẫn làm tốt vai trò hậu phương vững chắc.

Chính Denis Thatcher đã kiên quyết ngăn cản con trai ông sử dụng mọi thủ đoạn để kiếm lời bất chính từ các vụ thương thuyết mua bán vũ khí của Chính phủ Anh. Và lại một lần nữa, ông bảo vệ vẹn tròn danh dự cho người vợ - Thủ tướng Margaret Thatcher, trong sự âm thầm đến kỳ lạ…

Một hậu phương vững chắc

Margaret Thatcher luôn dành những lời lẽ cảm động nhận xét về Denis: "Làm thủ tướng là một công việc cô độc. Nhưng với Denis, tôi không bao giờ cô đơn. Một người đàn ông tuyệt vời, một người chồng tuyệt vời, một người bạn tuyệt vời". Margaret Thatcher từng ví Denis giống "một sợi chỉ đỏ" xuyên suốt cuộc đời bà, khiến mọi thứ đều có thể xảy ra.

Khi bà Thatcher bước lên ngôi vị thủ tướng, ông Denis luôn thể hiện sự đồng thuận với các chính sách của vợ. Trong khi đó, bản thân bà Thatcher cũng rất đề cao sự hỗ trợ về cả vật chất lẫn tinh thần của ông Denis. Trong một cuốn tự truyện, bà thổ lộ: "Tôi sẽ không thể giữ vai trò thủ tướng Anh nếu không có Denis bên cạnh. Tôi nghĩ điều tuyệt vời ở ông ấy là luôn khiến tôi tự nguyện chia sẻ suy nghĩ". Và con người Denis cũng rất đặc biệt khi ông luôn biết cách giữ hòa khí, giúp Margaret bình tâm khi bà căng thẳng và tỏ ra nóng nảy trong mỗi cuộc tranh luận. Tuy nhiên, không bao giờ ông lấn sâu vào con đường chính trị của vợ.

Margaret Thatcher từng tranh luận rất gay gắt với Ngoại trưởng Anh thời bấy giờ là Lord Carrington về xung đột Falkland. Đây là cuộc chiến diễn ra năm 1982 giữa Argentina và Vương quốc Anh nhằm tranh chấp các quần đảo Falkland, Nam Georgia và Nam Sandwich. Bà Thatcher không nén nổi bực tức, đến mức dọa sẽ cách chức ông Lord Carrington, khiến Denis Thatcher phải ôn tồn làm hòa và nhẹ nhàng khuyên bảo: "Có lẽ em đã quá lời và chưa suy nghĩ kỹ về vụ này!".

Chính Denis đã luôn kề vai sát cánh với Thatcher trong những quãng thời gian khủng hoảng nhất khi xung đột Falkland lên tới cao trào. Trải nghiệm đời lính trong Thế chiến II, những cố vấn quân sự hữu ích cùng tình yêu của một người chồng là liều thuốc an thần tốt nhất giúp Thatcher bình tĩnh theo dõi tin tức cuộc chiến trong suốt những đêm không ngủ tại căn nhà trên phố Downing. Cố Thủ tướng lo sợ thương vong và bị ám ảnh về những cái chết nơi chiến trường. Và cho dù Denis đã từng cảnh báo bà phải thận trọng với tính mạng quân nhân, Thatcher đã "liều một phen" trong trận Falkland để rồi phải vỡ òa trong hối hận.

Vợ chồng cố Thủ tướng Margaret Thatcher.

Margaret Thatcher đau đớn tột cùng khi biết tin tàu hải quân hoàng gia đã bị đánh chìm khiến toàn bộ thủy thủ, mới ngoài 20 tuổi, thiệt mạng và vĩnh viễn không tìm thấy thi thể ngoài Đại Tây Dương. Denis, với thái độ bình tĩnh vốn có, lần đầu tiên đã quát lên trước phản ứng của vợ: "Tại sao một Margaret Thatcher cứng rắn lại suy sụp như thế này? Chiến tranh là mất mát, và chính em đã phải tiên liệu trước điều đó rồi chứ!".

Khi Thatcher mất ngủ giữa đêm, trầm ngâm trong bóng tối về những chiến hạm liên tiếp bị đánh chìm, Denis đã an ủi bằng những câu chuyện về cuộc đời lính chiến khốc liệt của ông, cho rằng đó là sự hy sinh cao cả và sẽ được các thế hệ sau nhớ mãi trong lịch sử của nước Anh.

Hơn ai hết, Denis hiểu rõ Thatcher, và luôn tìm cách giúp bà khắc phục nhược điểm. Trong một chuyến viếng thăm các quần đảo ở phía nam Đại Tây Dương kể từ sau khi xung đột Falkland kết thúc, Denis đã tế nhị lấy hình ảnh các thùng thuốc súng bị vứt bỏ trên nền đất để nhắc khéo bà Thatcher, vốn đang nói chuyện với bạn về thời trang, tập trung vào công việc chính trị. "Này các quý cô, thật mệt mỏi nếu cứ bàn luận và bình phẩm về độ đẹp của mấy viên đạn xấu xí kia. Và các cô sẽ không lôi chúng ra để ngắm đấy chứ?". 

Denis Thatcher có những dự cảm tương đối chính xác nhưng không được Margaret Thatcher chú ý tới. Ông từng yêu cầu Thatcher bãi nhiệm Bộ trưởng Tài chính Nigel Lawson trong một cuộc nói chuyện gay gắt sau khi biết những hạn chế trong chính sách phát triển do Lawson đề xuất. Bản thân bà Thatcher cũng tranh cãi quyết liệt với Lawson, phản bác ý kiến can thiệp sâu vào thị trường ngoại hối để giúp đồng bảng Anh "đánh bại" đồng mác Đức.

Tuy nhiên, vì nể tài năng và e dè trước nguy cơ không tìm được người thay thế, bà Thatcher đã gạt bỏ ý kiến của Denis để rồi phải chịu cảnh 18 tháng làm việc chung với ông bộ trưởng bảo thủ. Sau này, Lawson đưa ra những chính sách quá bất lợi, trở thành cá nhân gây nhiều tranh cãi nhất dưới thời Thatcher, và mối quan hệ với cố Thủ tướng ngày càng đi vào ngõ cụt.--PageBreak--

Người hùng thầm lặng

Trong thời kỳ Thatcher nắm quyền, không ai biết rằng Denis trở thành lá bài bí mật được cựu Thủ tướng sử dụng trong các thương vụ mua bán vũ khí. Chính Denis đã giúp Chính phủ Anh giành được một hợp đồng quân sự  cung cấp vũ khí và máy bay chiến đấu cho Hoàng gia Arập. Đây được coi là hợp đồng có giá trị nhất lịch sử Anh, khoảng 5,2 tỉ bảng khi được ký kết năm 1986 và tăng vọt lên tới 90 tỉ bảng chỉ sau 20 năm.

Margaret Thatcher muốn theo đuổi hợp đồng này tới cùng và đã thể hiện một thứ cá tính mạnh mẽ và kiên quyết nhất trong thương thuyết với Hoàng gia Arập. Tuy nhiên, bà chưa hề nhắc tới việc này cho dù đây là một trong những thành công lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của mình. Mọi liên lạc với bên Arập đều được Thatcher giữ bí mật, và chính bà đã nhờ Denis làm "kênh thông tin giao dịch".

Theo hồi ký, Denis Thatcher đã tham gia cuộc mua bán ngay từ những ngày đầu, đàm phán với các đối tác và các hoàng tử Arập, đẩy nhanh tiến độ thanh toán và đưa thỏa thuận "Al Yamamah" (Chim bồ câu) thành hiện thực.

Vai trò then chốt của Denis trong vụ mua bán hàng tỉ bảng này xuất phát từ chính yêu cầu của người vợ thủ tướng. Phía Arập lại tỏ ý đồng thuận, cho phép ông tìm hiểu và đánh giá cơ hội làm ăn song phương. Sẵn có lòng yêu nước và không muốn các đối thủ khác "nhảy" vào miếng mồi ngon này, Denis mạo hiểm một mình sang Arập đàm phán.

Chưa hết, ông tận dụng quan hệ với người đứng đầu ngành hàng không Anh bấy giờ là Dick Evans, tiếp cận Bandar - con trai Bộ trưởng Quốc phòng Arập, người luôn ủng hộ nước Anh. Denis rất tinh quái, muốn nhờ Bandar thuyết phục cha - vốn thích các công ty của Pháp và đã từng gửi thư yêu cầu Margaret Thatcher chấm dứt theo đuổi hợp đồng vũ khí quân sự, và lấy lòng người cậu để đứng về phe Denis.

Theo tiết lộ, có ít nhất 6 cuộc gặp mặt bí mật giữa Denis và Bandar, cùng những cuộc đàm thoại khác có nội dung chưa bao giờ được tiết lộ.

Chiến lược "mượn" Bandar của Denis dường như hiệu quả, giúp Thatcher nhanh chóng thuyết phục Hoàng gia Arập tiếp tục đơn hàng 5,2 tỉ bảng. Denis nhận định cuộc chiến này không đơn thuần liên quan tới chuyện mua bán máy bay, vũ khi hay giá cả. Đây là cơ hội khẳng định rằng Margaret Thatcher và Chính phủ Anh trở thành các đối tác lâu dài, đáng tin cậy hơn bất cứ quốc gia nào của Arập, dựa trên quan hệ lịch sử từ trước khi phía Anh từng đào tạo và dạy tiếng Anh cho phi công Arập. Và nhờ mối quan hệ bằng hữu tốt đẹp giữa Denis và Bandar, bà Thatcher thuyết phục được Vua Arập Fahd chính thức ký kết hợp đồng quân sự.

Tưởng chừng mọi việc đã êm xuôi thì Denis lại gặp phải rắc rối từ chính cậu con trai Mark Thatcher. Sáu tháng trước khi thỏa thuận được công khai, ông Denis và bà Thatcher đã tranh luận gay gắt để giải quyết triệt để những vấn đề phát sinh từ lòng tham của con trai. Denis biết rằng Mark là "quả bom nổ chậm", sẽ rất nguy hiểm nếu không tiết chế cậu, và tốt nhất là để Mark đứng ngoài cuộc chơi.

Denis Thatcher đã kiên quyết ngăn cản con trai Mark sử dụng mọi thủ đoạn để kiếm lời bất chính từ thương vụ "chim bồ câu".

Mark Thatcher khiến cố Thủ tướng xấu hổ khi tự nhận là người đại diện tư vấn trong một hợp đồng xây dựng của Anh ở Oman. Mark luôn khoe khoang về khả năng thương lượng "trời phú", khiếu ăn nói và ảnh hưởng cá nhân lên toàn thế giới Arập. Báo chí đã đưa ra rất nhiều bình luận trái chiều về việc này.

Denis thừa hiểu sẽ tiềm tàng nhiều nguy cơ thất bại nếu để cậu con trai vào cuộc. Bởi lẽ sau khi nắm rõ tầm quan trọng của hợp đồng thỏa thuận "Chim bồ câu", Mark đã tự xưng danh môi giới và muốn độc lập hợp tác với các bên liên quan thuộc Hoàng gia Arập nhằm kiếm lợi nhuận. Không một ai biết Mark đã làm những gì và cung cấp bí mật nào cho Vua Fahd. Denis từng cho rằng Mark chẳng có quyền hạn nào khi mọi quyết định cuối cùng đều thuộc về Margaret Thatcher - người đại diện hợp pháp duy nhất đứng ra đàm phán với Arập.

Denis vừa duy trì quan hệ với hàng không nước Anh, vừa trở thành kênh truyền thông giữa Hoàng gia Arập và Thatcher. Khi Mark quyết tâm "chen chân" vào thời cuộc, Denis buộc phải mạnh tay ngăn chặn vì cậu con trai chỉ toàn gây phiền hà và rắc rối không cần thiết.

Nỗ lực kiếm chác của Mark khiến Denis lo lắng trong khi ông muốn toàn tâm dốc sức giúp vợ thành công. Có lần, Mark đã gọi điện to tiếng với bố và nói rằng anh ta đang thuê phòng tại một khách sạn ở châu Âu và sẽ nhảy lầu nếu không được tham gia vụ mua bán. Denis nổi cáu và thẳng thừng tuyên bố: "Cứ nhảy đi. Con là đứa ngu ngốc và hành xử tệ hại nhất", khiến Mark choáng váng.

Dù vậy, mọi hành động của Mark đều được Denis kiểm soát. Đồng thời ông cũng đảm bảo mọi vấn đề được thông báo trực tiếp tới bà Thatcher mà cậu con trai không được biết một chút nào. Bản tính hiếu thắng, tham tiền và những việc làm của Mark đã bị kiềm tỏa bởi sự âm thầm, vô hình và kiên trì của chính người cha. Và cơ chế này tỏ ra hiệu quả. Trái với những gì truyền thông đồn thổi, Mark thực tế đã thất bại và không nhận được bất kỳ một khoản hoa hồng nào. Cậu con trai cuối cùng không thể làm gì được người cha cứng rắn, đành rời bỏ thương vụ mua bán và lựa chọn đi học.

Suy cho cùng, Denis chính là người ở phía sau tạo nên thành công cho Margaret Thatcher bởi vì ông rất yêu vợ. "Denis là người hùng phía sau thỏa thuận “Chim bồ câu”, âm thầm giúp bà Thatcher và không hề đòi hỏi điều gì. Động cơ duy nhất thúc đẩy Denis cống hiến là lòng ái quốc, và trên tất cả là mong muốn sự nghiệp của Thatcher được thuận buồm xuôi gió", Dick Evans chia sẻ.

Người ta tự hỏi tại sao Margaret Thatcher phải giấu giếm một thành công lớn đến vậy trong sự nghiệp của bà? Có lẽ, Thatcher cảm thấy xấu hổ về cậu con trai Mark và cá tính ngạo mạn, thế nên bà chưa từng tiết lộ về đời tư hay sự nghiệp kinh doanh của Denis. Mà cũng có khả năng Thatcher không muốn ai biết về sự có mặt của Denis trong công việc của bà - vì một Thủ tướng luôn muốn tự mình hoàn thành mọi việc bằng chính khả năng.

Denis Thatcher không hề tiết lộ với Thatcher về chuyện ngăn cản Mark tham gia vào hợp đồng giữa nước Anh và Hoàng gia Arập. Nếu ông làm điều này thì có lẽ bà Thatcher đã hiểu lý do vì sao cuộc đời Denis luôn thầm lặng đến vậy. Người chồng đã cứu bà "nhiều bàn thua" mà chẳng hề khoa trương, vẫn yêu quý và hết mực chung thủy với Thatcher cho tới khi qua đời. Con gái bà tâm sự: "Ông ấy là một người nhút nhát, nhưng ông ấy đã giấu đi sự nhút nhát ấy một cách nhanh chóng. Bố tôi đã làm nó một cách xuất sắc"…

Lâm Anh - Trần Quân (theo Dailymail.co.uk)
.
.