Vũ khí động vật ngày nay

Thứ Ba, 11/01/2011, 11:10
Hiện nay, động vật bắt đầu được tích cực sử dụng nhiều hơn trong lĩnh vực quân sự, cho dù phạm vi áp dụng của chúng còn hạn chế. Hiện một vài căn cứ hải quân Mỹ cũng đang được bảo vệ bởi các chú sư tử biển và cá heo. Chúng có nhiệm vụ phát hiện thủy lôi hay tàu chiến của đối phương.

Khuynh hướng sử dụng động vật cho mục đích quân sự đang trên đà gia tăng, nhưng chủ yếu là tại Mỹ. Chẳng hạn hải quân Mỹ đang có kế hoạch mở rộng quy mô đào tạo sư tử biển và cá heo để triển khai tăng cường an ninh cho tất cả các căn cứ hải quân.

Ngoài ra theo một số nguồn tin, Mỹ đã bắt đầu triển khai dự án sử dụng chuột được huấn luyện cho các mục đích quân sự. Như ngay cuối tháng 11/2010, báo chí Mỹ tiết lộ thông tin cho biết quân đội nước này đang quan tâm tới khả năng sử dụng loài chuột túi lớn châu Phi (có tên khoa học là Cricetomys gambianus) để phát hiện mìn và các cơ cấu nổ tự tạo. Cần biết rằng từ trước đó, loài gặm nhấm trên cũng đã được quân đội Tanzania và Mozambic tích cực sử dụng để dò tìm mìn chống bộ binh. Việc huấn luyện những con chuột túi tại Tanzania đang do tổ chức APOPO đảm nhiệm.

Vào thời điểm hiện tại, một nhóm chuyên gia đặc biệt thuộc Phòng thí nghiệm nghiên cứu của quân đội Mỹ đang có mặt tại Mozambic để quan sát và nghiên cứu hoạt động của những "chú chuột công binh". Những chiến binh loại này thu hút được sự chú ý của giới quân sự bởi những chi phí nuôi dưỡng và huấn luyện không đáng kể. Cơ thể chúng lại gọn nhẹ - chưa đầy 3 kg, nên mìn thường không nổ dưới trọng lượng của chúng. Khi phát hiện được mìn, chuột bắt đầu đào một hố ở ngay vị trí phát hiện. Nhược điểm duy nhất của loài chuột này là một ngày mỗi con chỉ đánh hơi được không quá 84m2 diện tích bãi mìn.

Bom hạt nhân "Blue Peacock" được bảo quản bằng... gà sống.
Chuột dò mìn tại châu Phi.

Có một chi tiết thú vị ở chỗ, mối quan tâm đến sử dụng động vật cho quân sự đang gia tăng, bất chấp sự hoàn thiện của nhiều công nghệ hiện đại khác nhau. Chẳng hạn như các hệ thống phát hiện mìn bằng laser và robot ngầm dưới nước có thể phát hiện ra thủy lôi nhanh chóng và hiệu quả hơn. Nhưng giới quân sự vẫn thích sử dụng cá heo hay chó vì đơn giản và rẻ tiền hơn nhiều so với việc thường xuyên phải tổ chức các chuyến bay do thám bằng trực thăng được gắn đầy những thiết bị tối tân và phức tạp nhất

Linh Nga (tổng hợp)
.
.