Vụ nổi loạn đầu tiên trên tàu chiến của NATO

Thứ Hai, 21/12/2009, 22:35
HNS Velos là một khu trục hạm Hy Lạp hoạt động trong Hạm đội Địa Trung Hải của Hải quân Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngày 23/5/1973, khi đang tham gia tập trận với các tàu chiến NATO khác tại vùng biển gần đảo Sardinia của Italia, thủy thủ đoàn của chiếc Velos đã nổi loạn bắt giữ thuyền trưởng.

Họ cũng đưa ra yêu sách yêu cầu các quốc gia thành viên NATO chấm dứt hậu thuẫn cho chế độ quân sự độc tài cầm quyền tại Hy Lạp từ tháng 4/1967. Đây được xem là vụ nổi loạn đầu tiên trên một tàu chiến của NATO trong suốt 60 năm thành lập của tổ chức quân sự quốc tế này.

HNS Velos nguyên là tàu khu trục USS Charrette của Hải quân Mỹ, được đóng mới tại Nhà máy đóng tàu Boston vào tháng 2/1942 và hạ thủy vào tháng 5/1943. Tàu chiến USS Charrette từng tham chiến tại Thái Bình Dương trong Thế chiến II. Tháng 7/1959, tàu khu trục USS Charrette đã được chuyển giao cho Hải quân Hy Lạp trong một chương trình tăng cường sức mạnh chiến đấu cho Hải quân NATO mà Hy Lạp là một thành viên. Sau đó tàu chiến USS Charrette được Hải quân Hy Lạp đặt tên mới là HNS Velos.

Tháng 4/1967, tại Hy Lạp đã xảy ra cuộc binh biến do Đại tá George Papandreou chỉ huy nhằm lật đổ chính phủ dân cử của Thủ tướng Panagiotis Kanellopoulos để thiết lập một chế độ độc tài quân sự. Cuộc binh biến không chỉ gây bất bình đối với người dân Hy Lạp mà cả với giới quân nhân.

Tháng 11/1968, sau khi xảy ra vụ chính quyền quân sự đàn áp dã man cuộc tuần hành phản kháng của gần 500 nghìn người dân tại thủ đô Athens, một số sĩ quan quân đội toan tính tổ chức một cuộc binh biến khác để lật đổ chế độ độc tài quân sự và thiết lập chế độ dân chủ tại Hy Lạp. Nhưng âm mưu làm binh biến này đã không thành hiện thực. Tuy nhiên trong giới quân đội, nhất là hải quân vẫn âm ỉ ý đồ làm binh biến. Đây chính là lý do khiến thủy thủ đoàn của tàu chiến  HNS Velos quyết định nổi loạn vào ngày 23/5/1973.

Sáng ngày 23/5/1973, khi đang tham gia cuộc tập trận có tên gọi Tự do 1973 tại biển Tyrhénia gần đảo Sardinia của Italia, sĩ quan vô tuyến Stylianos Salanis đã nghe được thông báo của giới quân sự cầm quyền tại Hy Lạp về việc đã bắt giữ 18 sĩ quan cao cấp, trong đó có nhiều sĩ quan hải quân, tham gia một âm mưu làm binh biến.

Sau đó, Salanis liền bàn với Thuyền phó Evangelos Averoff tiến hành kêu gọi thủy thủ đoàn nổi dậy chiếm giữ tàu HNS Velos. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít thủy thủ đoàn không đồng ý tham gia cuộc nổi dậy do lo ngại những người thân ở Hy Lạp sẽ bị liên lụy.

Đến trưa cùng ngày, sau khi thuyết phục được những người còn lại đồng ý tham gia cuộc nổi dậy, Thuyền phó Averoff ra lệnh cho thủy thủ đoàn bắt giữ Thuyền trưởng Nicholaos Pappas sau đó tuyên bố không cho tàu HNS Velos quay về Hy Lạp đồng thời chấm dứt tham gia cuộc tập trận với NATO để phản đối một số quốc gia thành viên NATO đã hậu thuẫn cho chế độ độc tài quân sự đang cầm quyền tại Hy Lạp.

Cuộc nổi dậy của thủy thủ đoàn trên tàu chiến HNS Velos đã thu hút sự quan tâm của dư luận Hy Lạp và cả thế giới. Người dân Hy Lạp khi nghe tin về cuộc nổi dậy đã xuống đường bày tỏ quan điểm ủng hộ yêu sách của những người nổi dậy đồng thời  đề nghị các quốc gia thành viên thôi không hậu thuẫn cho chế độ quân sự độc tài tại Hy Lạp.

Việc Chính phủ Italia bác bỏ yêu cầu để tàu chiến HNS Velos neo đậu tại thành phố cảng Cagliari, buộc thủy thủ đoàn tham gia cuộc nổi dậy phải trả tự do ngay lập tức cho Thuyền trưởng Pappas và không chấp nhận để những người này được hưởng quy chế tị nạn chính trị tại Italia không chỉ gây phản ứng mạnh của dân chúng Hy Lạp mà cả với người dân Italia. Nhiều cuộc biểu tình, tuần hành đã diễn ra tại thủ đô Roma của Italia và thủ đô Athens của Hy Lạp yêu cầu Chính phủ Italia phải để cho thủy thủ đoàn của tàu chiến HNS Velos hưởng quy chế tị nạn chính trị và không bắt giữ họ theo đề nghị của chính quyền quân sự tại Hy Lạp.

Tàu chiến HNS Velos.

Phản ứng của dư luận đối với thái độ của NATO về cuộc nổi dậy trên tàu chiến HNS Velos cũng gay gắt không kém, nhất là kể từ sau khi NATO yêu cầu thủy thủ đoàn của chiếc HNS Velos phải trả tự do cho Thuyền trưởng Pappas và quy hàng.

Để gây áp lực, NATO quyết định điều động nhiều tàu chiến bao vây chiếc HNS Velos và dọa sẽ tấn công bằng vũ lực để trấn áp cuộc nổi loạn. Tuy nhiên, hành động này của NATO vẫn không làm nao núng những người nổi dậy. Thuyền phó Averoff thông báo nếu NATO tấn công, những người nổi dậy sẽ cho nổ tung chiếc HNS Velos đang neo đậu tại cảng Cagliari.

Việc NATO tuyên bố sẽ tấn công chiếc HNS Velos đã gây phản ứng quyết liệt của dư luận. Tại Hy Lạp đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình bên ngoài các căn cứ NATO yêu cầu không được tấn công tàu HNS Velos. Tại Italia cũng xảy ra nhiều cuộc biểu tình tại thủ đô Roma yêu cầu Chính phủ Italia chấm dứt hậu thuẫn cho chế độ quân sự độc tài tại Hy Lạp và rút khỏi NATO, đồng thời cho phép thủy thủ đoàn của chiếc HNS Velos được tị nạn chính trị tại Italia. Các cuộc biểu tình, tuần hành cũng xảy ra quanh các căn cứ quân sự của NATO tại một số quốc gia thành viên NATO như Pháp, Anh, Bỉ, Tây Ban Nha...

Cuộc khủng hoảng liên quan đến việc nổi dậy của thủy thủ đoàn trên tàu chiến HNS Velos chỉ chấm dứt vào ngày tháng 7/1974 sau khi chế độ quân sự độc tài tại Hy Lạp bị lật đổ cùng với sự quay trở lại của chế độ dân chủ do Thủ tướng Konstantinos Karamanlis đứng đầu. Hành động đầu tiên của Thủ tướng Karamanlis là xóa tội nổi loạn cho toàn bộ thủy thủ đoàn của chiếc HNS Velos và cho phép những người này quay trở về Hy Lạp.

Vào ngày 23/7/1974, tàu chiến HNS Velos rời cảng Cagliari của Italia lên đường trở về lại Hy Lạp. Tại Hy Lạp, toàn bộ thủy thủ đoàn cùng thuyền phó Averoff được đón tiếp như những anh hùng. Việc chiếc HNS Velos quay về lại Hy Lạp cũng làm chấm dứt cuộc nổi dậy đầu tiên trên một tàu chiến NATO

Văn Hòa (theo Historia)
.
.