Vụ tai tiếng khi xây dựng tòa sứ quán Mỹ ở Iraq

Thứ Sáu, 20/07/2007, 14:10

Một nhân công người Mỹ từng tham gia xây dựng tòa sứ quán Mỹ tại Iraq tiết lộ với tờ Điện tín hàng ngày của Anh rằng, hãng thầu công trình trên đã lừa gạt một số công nhân ở các nước thế giới thứ ba đến Baghdad tham gia xây dựng sứ quán Mỹ trong tình trạng không chỉ đối mặt với sự nguy hiểm tính mạng, mà còn phải làm việc trong môi trường rất khắc nghiệt, cực khổ.

Công nhân đến từ châu Á và Tây Phi

Anh công nhân người Mỹ tên là John Owens đã khẳng định rằng hãng thầu công trình tòa sứ quán mới của Mỹ tại Iraq đã sử dụng các hình thức lừa gạt tinh vi, hoàn hảo đối với một số công nhân ở các nước thế giới thứ ba ở châu Á và Tây Phi để họ chấp nhận đến Baghdad, tham gia việc xây dựng tòa sứ quán của Mỹ.

Lúc đầu, các công nhân trên chỉ nhận được thông báo sẽ bay đến Dubai, Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất để làm việc cho hãng. Không những vậy, những tấm vé máy bay trong tay họ cũng in rõ nơi đến là Dubai. Nhưng trên thực tế, họ đã bị đưa đến thủ đô Baghdad của Iraq, nơi đang xảy ra chiến sự rất ác liệt giữa các phe phái vũ trang. Sau khi đặt chân đến Baghdad, hộ chiếu của những công nhân trên đã bị thu lại, họ buộc phải làm theo yêu cầu của chủ thầu là tham gia xây dựng công trình tòa sứ quán Mỹ tại Baghdad nếu như họ muốn có cơ hội quay trở lại quê hương.

Theo Owens cho biết thì trong số công nhân trên, số lượng nhiều nhất đến từ nước láng giềng của IraqKuwait. Sở dĩ hãng thầu lựa chọn như vậy vì những người này có tuổi đời khá trẻ, có sức khỏe và sức chịu đựng rất tốt trước cái nóng của khu vực Trung Đông, lại khá quen thuộc với đất nước Iraq.

Bị đối xử như nô lệ và tính mạng không được bảo đảm an toàn

Mặc dù nhận được khoản thù lao tương đối cao, mỗi tháng khoảng 1.000 USD, nhưng môi trường làm việc của họ rất khắc nghiệt, cực khổ. Ban ngày, họ phải làm việc quần quật trên các công trình xây dựng với lượng thời gian nhiều hơn quy định, và trong mọi điều kiện thời tiết, khí hậu. Buổi tối, khoảng 20 người bị ép ngủ chung trong một căn phòng khá chật hẹp, không đủ tiện nghi và điều kiện sinh hoạt bẩn thỉu.

Không những thế, việc cung cấp nước sạch cho họ cũng rất hạn chế, vì vậy buộc họ phải ra lấy nước sông Tigris ở gần đó đã bị ô nhiễm về để tắm giặt, thậm chí là uống, tình trạng rối loạn tiêu hóa thường xuyên xảy ra. Những công nhân này đã có hành động phản đối và suýt nữa tạo ra vụ bạo động, nhưng ngay lập tức bị lực lượng quân cảnh của Mỹ với súng trong tay và thực hiện các biện pháp rất thô bạo ngăn chặn.

Bên cạnh môi trường làm việc khắc nghiệt, trong quá trình xây dựng công trình tòa sứ quán này, những công nhân  còn phải thường xuyên đối mặt với những nguy hiểm vì tình hình bạo động ở Iraq.

Phản ứng của các bên

Trước tuyên bố trên của Owens, người phụ trách Cơ quan Giám sát luật  pháp Quốc hội Mỹ là Howard Kelangjiade cho biết, từ tháng 9-2007, ông đã tiến hành thị sát việc xây dựng tòa sứ quán này và chưa tìm thấy bất cứ chứng cứ nào chứng minh điều Owens tố cáo là sự thực.

Lầu Năm Góc cũng đang tiến hành điều tra đối với các hoạt động của hãng thầu công trình trên, nhưng vẫn chưa công bố chứng cứ nào liên quan đến hoạt động lừa gạt công nhân để bóc lột sức lao động. Còn người phụ trách hãng thầu tuyên bố rằng, những cáo buộc trên của Owens là không có căn cứ, vì họ luôn tuân thủ các quy định làm việc, các việc làm của hãng hoàn toàn phù hợp với luật pháp của nước Mỹ liên quan đến các hãng thầu.

Quốc hội Mỹ đã tiến hành điều trần về việc này và xác nhận những tố cáo trên không đúng sự thực. Nhưng một số nhân viên điều tra của Bộ Quốc phòng Mỹ thì kiên quyết ủng hộ lời tố cáo trên của Owens và họ đang đẩy mạnh việc điều tra, tìm chứng cứ.

Trước tình trạng này, Tòa án liên bang Mỹ, cơ quan đại diện Bộ Tư pháp đã phải bắt tay vào cuộc để điều tra rõ chân tướng sự việc này. Thời gian tới, cơ quan này sẽ đưa ra kết luận liên quan đến sự việc trên

Thanh Trung (Theo Thời báo Hoàn cầu)
.
.