Vụ tàu gián điệp USS Peublo bị bắt ở Triều Tiên: Một sự sỉ nhục

Thứ Tư, 18/02/2015, 07:30
1. Trước những lời thú nhận của Bucher và thủy thủ đoàn trên tàu USS Peublo, Hải quân Mỹ rút tàu sân bay USS Enterprise CVN-65 về, áp lực quân sự từ phía Mỹ giảm đi. Tù nhân được phép viết thư và chụp ảnh để gửi cho gia đình.

Họ cho biết họ được đối xử nhân đạo đồng thời họ cũng soạn thảo một văn bản rồi cùng nhau ký tên gửi Tổng thống Mỹ, nội dung yêu cầu Chính phủ Mỹ phải lên tiếng chính thức xin lỗi CHDCND Triều Tiên vì đã cử tàu USS Peublo xâm nhập lãnh hải CHDCND Triều Tiên để hoạt động gián điệp. Sợ rằng sau này nếu được trả tự do, họ có thể gặp rắc rối vì lời yêu cầu ấy, một tù nhân khi bị đưa ra trình diện báo chí và khi bị chụp hình, anh ta đã cố ý đưa ngón tay giữa lên - bắt chước một cử chỉ diễn xuất của một diễn viên trong bộ phim “Hawaiian Goodluck”. Cử chỉ ấy có nghĩa là "nói vậy nhưng không phải vậy".

Thủy thủ đoàn tàu USS Peublo lúc bị bắt. Ảnh: TTX CHDCND Triều Tiên.

Rất nhanh chóng, CHDCND Triều Tiên hiểu ra ý nghĩa của cử chỉ này qua tấm ảnh đăng trên Tạp chí Time nhưng may mắn thay, chẳng ai bị trừng phạt. Sĩ quan Michael T. Barrett nhớ lại: "Hằng ngày, chúng tôi thức dậy lúc 6 giờ sáng. Tập thể dục xong, bữa ăn sáng của chúng tôi là súp củ cải. Bữa trưa và bữa chiều là mì sợi nấu với… củ cải, đi ngủ lúc 22 giờ. Hôm kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Triều Tiên, chúng tôi được ăn những bữa ăn đặc biệt - nghĩa là có bánh mì, thịt gà, thịt bò, trứng, cà chua và rau xà lách. Mỗi phòng giam có 4 người. Ngoài 4 chiếc giường, còn có 1 chiếc bàn và 4 chiếc ghế. Trên bàn lúc nào cũng có một bình nước và một chiếc ly. Thỉnh thoảng, một sĩ quan CHDCND Triều Tiên mở cửa bước vào, nhìn chúng tôi sinh hoạt nhưng không nói gì hết…".

Giữa tháng 3/1968, toàn bộ tù nhân tàu USS Peublo bị chuyển đến một trại giam nằm biệt lập ở ngoại ô thành phố Bình Nhưỡng - mà họ đặt tên cho nó là "nông trang" vì ở đây, họ được phép tham gia những hoạt động ngoài trời.

Sĩ quan Gerald W. Hagenson kể: "Lúc vừa xuống xe, chúng tôi được cho biết đây là nhà của chúng tôi, và chúng tôi sẽ ở đây cho đến khi nào Chính phủ Mỹ chính thức xin lỗi CHDCND Triều Tiên". Vẫn theo Gerald W. Hagenson, cuộc sống tại "nông trang" khá thoải mái. Cứ 8 người ở chung một phòng, còn thuyền trưởng Bucher và các sĩ quan chỉ huy tàu USS Peublo thì được ở riêng.

Cũng như trại giam cũ, tù nhân thức dậy lúc 6 giờ sáng, tập thể dục, tắm rồi sau đó là ăn sáng trong hội trường, gồm bánh mì nâu và bơ. Sĩ quan Michael T. Barrett kể: "Thời gian còn lại trong ngày, chúng tôi đọc tờ Thời báo Bình Nhưỡng bằng tiếng Anh cùng những tờ báo ảnh như: Triều Tiên ngày nay hoặc chơi thể thao. Bữa trưa, chúng tôi được cho ăn súp củ cải và bánh gạo, còn bữa chiều vẫn là súp củ cải, bánh mì, dưa chuột muối…". Thuốc lá cũng được phát nhưng khá hạn chế, dẫn đến những người nghiện thuốc xúi những người không hút, khai là mình có hút để nhận được nhiều hơn.

2. Khi hình ảnh về con tàu USS Peublo và thủy thủ đoàn bị CHDCND Triều Tiên bắt giữ đã tràn ngập trên các trang báo, Chính phủ Mỹ tiến hành lập kế hoạch giải cứu dưới hình thức một nhóm biệt kích sẽ đột nhập vào lãnh thổ CHDCND Triều Tiên, phá trại giam, cướp tù.

Tàu USS Peublo trên bờ sông Taedong biến thành một điểm tham quan du lịch.

Tuy nhiên, không một ai, kể cả CIA biết thủy thủ đoàn của tàu USS Peublo hiện đang bị giam ở nơi nào. Hơn nữa, những chứng cứ do CHDCND Triều Tiên đưa ra đã khiến người Mỹ há miệng mắc quai, đồng thời vào thời điểm tàu USS Pueblo bị bắt, quân đội Mỹ đang dồn toàn lực cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam vào lúc Tổng tiến công, nổi dậy tết Mậu Thân nổ ra nên cuối cùng, Washington quyết định không có hành động quân sự nào nhằm vào Bình Nhưỡng. Thay vào đó, Tổng thống Mỹ Lyndon B Johnson đã sử dụng các biện pháp ngoại giao để giải thoát các thủy thủ trên tàu USS Peublo.

Sau nhiều lần thông qua các nhà trung gian Liên Hiệp Quốc, 11 giờ trưa ngày 4/3/1968, Chuẩn Đô đốc John Smith Victor thuộc Hải quân Mỹ bước vào một căn phòng đặt tại khu phi quân sự Bàn Môn Điếm, ranh giới phân chia giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc. Ngồi đối diện với ông là Thiếu tướng Pak Chung-kuk, người đại diện cho cuộc đàm phán của CHDCND Triều Tiên.

Nhìn chằm chặp vào mặt Thiếu tướng Pak, John Smith Victor phát biểu: "Tôi muốn nói với ngài Pak, rằng các bằng chứng chống lại Nhà nước CHDCND Triều Tiên mà các ngài đưa ra là bịa đặt vì tàu USS Pueblo lúc ấy ở trong vùng biển quốc tế. Điều cần thiết mà các ngài phải làm bây giờ là: Một, trả lại tàu và thuyền viên ngay lập tức. Hai, xin lỗi Chính phủ Mỹ đối với hành động bất hợp pháp này. Ngài nên biết rằng nước Mỹ có quyền yêu cầu bồi thường theo luật pháp quốc tế".

Khách du lịch Mỹ chụp ảnh "tự sướng" trên tàu USS Peublo.

Đáp lại, Thiếu tướng Pak Chung-kuk nói: "Tôi rất lấy làm tiếc vì những ý nghĩ và lời nói điên rồ của ngài. Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng về hành vi do thám lãnh thổ chúng tôi của tàu USS Peublo, và đó không phải là lần đầu. Trước đây, đã nhiều lần chúng tôi yêu cầu các ngài dừng ngay việc cử tàu thuyền vũ trang xâm nhập vùng nước ven biển của chúng tôi nhưng các ngài vẫn phớt lờ. Những hành động như thế đã gây thêm căng thẳng giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên, tạo ra nguy cơ xuất hiện một cuộc chiến tranh xâm lược do các ngài chủ xướng…".

Ngừng lại một chút, Thiếu tướng Pak Chung-ku nói tiếp: "Vì thế, các ngài phải thừa nhận rằng Pueblo đã xâm nhập hải phận CHDCND Triều Tiên, phải xin lỗi vì sự cố ý này, phải đảm bảo rằng những sự kiện tương tự sẽ không bao giờ còn xảy ra với Nhà nước CHDCND Triều Tiên".

Trong những cuộc họp diễn ra sau đó, Thiếu tướng Pak Chung-kuk đã cung cấp cho Chuẩn Đô đốc John Smith Victor danh sách toàn bộ sĩ quan, thủy thủ đoàn trên tàu USS Peublo. Ông cũng đưa ra bằng chứng về sự xâm nhập của Pueblo, bao gồm bản đồ hải trình và nhật ký làm việc, mật lệnh công tác. Ông nói: "Chính phủ Mỹ phải thừa nhận, phải xin lỗi và phải cam kết chuyện này sẽ không bao giờ lặp lại".

Đến cuối tháng 4/1968, Chuẩn Đô đốc John Smith Victor chuyển sang công tác khác. Người kế nhiệm ông trong cuộc đàm phán là Thiếu tướng Gilbert H. Woodward. Ngày 8/5/1968, tại một cuộc họp, Thiếu tướng Pak Chung-kuk vẫn giữ nguyên quan điểm của mình vì đó là cơ sở duy nhất để giải quyết vụ tàu USS Peublo.

Tại Nhà Trắng, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là Paul Warnke cùng Thứ trưởng Ngoại giao Nicholas Katzenbach nhận định Mỹ nên xuống thang, nhìn nhận vụ xâm nhập trái phép nhưng Ngoại trưởng Dean Rusk thì không. Ông ta cho rằng có thể nó là một cái bẫy.

Với Tổng thống Johnson, ông nói: "Trong suốt mùa hè, đã không có tiến bộ nào cả. CHDCND Triều Tiên vẫn cương quyết với công thức của họ. Bây giờ Nicholas Katzenbach nghĩ là đã nhìn thấy một cách để phá vỡ thế bế tắc. Giả sử nếu tôi xác nhận tàu USS Peublo cố ý xâm nhập lãnh thổ của họ thì liệu CHDCND Triều Tiên có thả người của chúng ta như đã cam kết hay không vì từ trước đến nay, chúng ta vẫn khẳng định tàu USS Peublo ở ngoài hải phận quốc tế?".

Sau nhiều cuộc gặp gỡ diễn ra liên tiếp từ tháng 5 đến tháng 11/1968 mà nội dung chỉ xoay quanh vấn đề câu chữ trong bản tuyên bố chung về vấn đề trả tự do cho những người tù, ngày 17/12, Thiếu tướng Gilbert H. Woodward gặp Thiếu tướng Pak Chung Kuk. Woodward đề nghị: "Lễ Giáng sinh đang đến gần. Đây là một ngày truyền thống và quan trọng đối với người Mỹ. Tổng thống Johnson muốn những người đàn ông có mặt ở nhà với gia đình họ".

Mặc dù Woodward không đề cập đến chuyện xin lỗi nhưng có lẽ tướng Pak hiểu. Lần đầu tiên kể từ khi các cuộc đàm phán bắt đầu gần một năm trước, Thiếu tướng Pak đề nghị nghỉ giải lao. 50 phút sau, hẳn là ông đã điện thoại cho Bình Nhưỡng để được hướng dẫn, Thiếu tướng Pak Chung - kuk quay lại bàn: "Tôi lưu ý rằng quốc gia ngài sẽ thực hiện đúng với yêu cầu của chúng tôi". Vài phút sau đó, Woodward gọi về Nhà Trắng: "Đã đạt được thỏa thuận".

3. Với những tù nhân tàu USS Peublo, họ không hề biết một tin tức gì về cuộc đàm phán nhưng họ nhận thấy có một số thay đổi. Đó là họ được xem phim hằng tuần, được khám sức khỏe, được nhận thư từ và quà bánh của gia đình thường xuyên hơn.

Nhờ vậy, họ biết Tổng thống Robert F. Kennedy và Mục sư Martin Luther King đã bị ám sát, Johnson lên thay Kennedy làm Tổng thống. Trong các trận đấu bóng chuyền, họ được cho ăn kẹo, uống bia. Nhiều lần, họ được hỏi về quan điểm của họ đối với CHDCND Triều Tiên và một ngày nào đó, họ có muốn trở lại như một khách du lịch hay không? Có lần, họ được cho lên xe bus, vào thủ đô Bình Nhưỡng để xem xiếc và tham dự một buổi hòa nhạc.

Ngày 19/12/1968, tất cả tù nhân được yêu cầu phải viết kiểm điểm, trong đó thừa nhận về hành vi gián điệp của mình. Ngày 22/12, họ nhận quần áo mới và được đưa đến một phòng họp. Tại đó, họ nghe thông báo, rằng Chính phủ Mỹ đã chính thức xin lỗi CHDCND Triều Tiên, rồi họ được đưa lên một chuyến xe lửa. Sĩ quan Michael T. Barrett cho biết: "Lúc ấy, chúng tôi không rõ số phận của mình sẽ như thế nào? Họ trả tự do cho chúng tôi hay chuyển chúng tôi đến một nhà giam khác vì ai cũng biết gián điệp là một tội rất nặng". Khi thấy con tàu quay mũi về hướng nam và khi nhìn thấy khu phi quân sự, họ mới biết rằng mình sắp được tha.

Ngày 23/12/1968 ở Washington - là ngày 22/12 ở Triều Tiên, Chính phủ Mỹ đã chính thức đưa ra lời xin lỗi đối với CHDCND Triều Tiên, thừa nhận tàu chiến của họ xâm nhập trái phép lãnh hải Triều Tiên, thực hiện các hoạt động tình báo. Đổi lại, thủy thủ đoàn được trao trả sau 11 tháng bị giam giữ nhưng tàu USS Peublo thì không! Lúc bước qua chiếc cầu bắc ngang sông Áp Lục, Thuyền trưởng Bucher khẽ ngoái đầu nhìn lại nơi ông đã sống 11 tháng. Chẳng hiểu ông nghĩ gì!

Năm 1999, tàu USS Peublo được đưa đến neo đậu trên bờ sông Taedong. Sau khi sửa chữa, phục hồi một số những thiết bị trên tàu và hàn những vết đạn, năm 2013 CHDCND Triều Triên chính thức cho người dân được lên tàu để tham quan.

Ngày nay, tàu USS Pueblo là một trong những điểm du lịch chính ở Bình Nhưỡng, thu hút hơn 250.000 khách thăm quan kể từ khi nó được chuyển đến sông Taedong. Thông thường du khách được một hướng dẫn viên đưa đi thăm tàu và được xem một video clip dài khoảng 15 phút, tái hiện lại việc bắt sống tàu USS Peublo. Bên cạnh đó, khách cũng được cho xem các căn phòng bí mật với những máy mã hóa và thiết bị vô tuyến vẫn trong tình trạng một phần bị đập phá, tháo rời. Ngoài ra, khách còn được phép chụp ảnh tại bất cứ nơi nào trên tàu, từ phòng chỉ huy, khu vực đặt thiết bị trinh sát điện tử đến điểm bố trí 2 khẩu súng máy.

Với Hải quân Mỹ, việc CHDCND Triều Tiên sử dụng tàu USS Peublo làm điểm du lịch đến nay vẫn là một sự sỉ nhục!

Cao Trí
.
.