Vụ thảm sát Buzet-sur-Tarn vẫn là một bí ẩn

Thứ Ba, 26/07/2005, 07:38

Nhiều nạn nhân bị Đức quốc xã hành hình tại Buzet-sur-Tarn (Pháp) hiện vẫn chưa được xác định. Vụ thảm sát ở Buzet-sur-Tarn vẫn còn là một bí ẩn lịch sử trong thời kỳ có quá nhiều thảm kịch.

Trưa ngày 17/8/1944, hàng chục tù nhân ở nhà tù Saint-Michel (Toulouse) bị đưa ra khỏi phòng giam rồi đẩy lên một chiếc xe tải che bạt. Họ bị một toán lính Đức canh giữ chặt chẽ trên đường đến Buzet-sur-Tarn cách đấy 20km. Đoàn xe chạy vào rừng đến một nơi tên là Enfournet rồi dừng lại trước căn chòi của người gác rừng Gaston Ravary, cũng là một kháng chiến quân đã bị hành hình trước đó một tháng.

Và cuộc hành hình bắt đầu. Thảm kịch được mô tả lại một cách khô khốc trong thông báo của Sở Hiến binh vào ngày hôm sau: “Sau khi đã chuẩn bị 3 đống củi, lính Đức liền châm lửa đốt. Kế đó họ bắn tất cả đám tù nhân rồi ném xác họ vào đống lửa. Một số người chưa chết đã hét lên thảm thiết nên bọn lính Đức cùng nhau ca hát để át tiếng của họ. Đống lửa gần tàn thì bọn lính Đức lại đổ thêm xăng vào. Sáng hôm sau chỉ còn lại những bộ xương”.

Mô tả này dựa vào lời chứng của bố vợ người gác rừng, ông ta nấp ở gần đấy và đã chứng kiến từ đầu vụ thảm sát trước khi chạy trốn vì quá kinh hãi. Những chủ trại gần đấy cũng kể rằng họ đã nghe thấy những tiếng lựu đạn nổ và tiếng phụ nữ la hét.

Sau khi nước Pháp được giải phóng, các lời chứng rời rạc đó được Ủy ban tội ác chiến tranh thu thập lại. Buzet-sur-Tarn, Oradour-sur-Glane và nhiều địa điểm khác đã được liệt kê trong cáo trạng ngày 18/10/1945 trước phiên tòa Nuremberg xét xử Đức Quốc xã.

Ngày 22/8/1944, sau khi quân Đức rút đi, ông Thị trưởng Paul Pech cùng với một bác sĩ đã đến hiện trường. Thị trưởng đã ghi lại trong sổ của Tòa thị chính: “Trong đống đổ nát, chúng tôi nhận thấy có nhiều phần thi thể của người đã bị cháy đen không thể nhận dạng được. Cách đấy 30m có một đống tro khác cùng với nhiều hài cốt”. Dân làng đã rải hoa tại nơi xảy ra thảm kịch để cầu an cho các linh hồn.

Vài manh mối nhỏ nhặt được thu thập và cho vào một cái hộp giấy: vài chiếc răng vàng, 1 chiếc nhẫn cưới, 1 chuỗi tràng hạt, 1 huy chương, 1 trâm cài áo, vài cái móc dây nịt... 61 năm sau, chiếc hộp giấy đóng bụi đó vẫn được cất giữ trong ngăn kéo của Tòa thị chính.

Một cuộc kiểm tra hài cốt kỹ lưỡng hơn cho thấy rằng có 54 người đã chết trong vụ sát hại ngày hôm đó. Hai ngày sau thảm kịch, tức ngày 19/8/1944, quân Đức chạy khỏi Toulouse và các tù nhân đã phá nhà giam Saint-Michel. Nhà văn André Malraux bị giam tại đấy đã tả lại quang cảnh và sự náo loạn đó trong quyển “Phản hồi ký”. Không còn sổ sách hồ sơ gì trong nhà giam vì các tù nhân đã mang theo hoặc hủy đốt.

Nhờ sự kiên trì của một số gia đình nên vài nạn nhân mới được nhận biết. Người thân của Robert Azémar, 21 tuổi, đã sục sạo suốt một năm ròng trong danh sách những người bị tù đày, nhắn tin trên báo chí, và cuối cùng đến năm 1945 một tù nhân ở phòng giam 24 khu 2 đã viết thư cho  họ: “Ngày 17/8/1944, bọn Đức đã đến bắt anh ta đi lúc 16h30. Tôi hầu như chắc chắn rằng anh ta đã bị giết trong rừng Buzet cùng với nhiều người khác. Anh ta là một thanh niên dễ mến, chúng tôi thường nói chuyện với nhau”.

Robert Azémar sẽ không được biết đến đứa con trai của anh chào đời vào đầu năm 1945 và cũng được đặt tên là Robert. Giờ đây Robert con kể lại: “Tôi đã được nuôi nấng trong niềm tự hào về cha tôi. Đến một hôm tôi cảm thấy cần phải biết nhiều hơn về cha tôi và về hoàn cảnh của vụ hành quyết”.

Từ đầu những năm 1970, Robert Azémar bắt đầu truy tìm, tra cứu thư khố và báo chí thời kỳ đó nhưng vô ích. Hiện nay anh còn giữ được một chiếc nhẫn của người cha, những thư từ cũ, vài huy chương truy tặng và một nỗi mất mát vô bờ

Minh Luân (theo Le Monde)
.
.