Vụ từ chức khó hiểu của một tướng tình báo Pakistan

Thứ Tư, 19/08/2009, 12:30
Tướng Javed Nasir là vị chỉ huy thứ 9 của Cơ quan Tình báo quốc gia Pakistan (ISI) kể từ khi tổ chức tình báo này được thành lập vào năm 1959. Vào tháng 5/1953, vụ từ chức bất ngờ của tướng Nasir đã tạo ra nhiều luồng dư luận và đồn đại khác nhau trong giới tình báo quốc tế mà theo thời gian mới dần được làm sáng tỏ.

Tướng Javed Nasir sinh ngày 21/3/1940, gia nhập quân đội Pakistan năm 1957 và phục vụ trong ngành quân khí. Năm 1959, ông được cử đến Australia tu nghiệp ngành quân khí tại Học viện Quân sự hoàng gia ở thành phố Melbourne. Đến năm 1965, ông trở thành một giảng viên của Học viện Quốc phòng quốc gia tại thành phố Rawalpindi.  Sau 8 năm làm công tác giảng dạy, Nasir được điều chuyển về Cục Quân khí. Ông từng tham chiến trong các cuộc đối đầu quân sự giữa Pakistan và Ấn Độ.

Những sáng kiến và cải tiến của ông về hoạt động quân khí, cung ứng vũ khí cho quân đội đã mang lại nhiều hiệu quả to lớn trong chiến đấu. Đây là lý do khiến Nasir thăng tiến rất nhanh trên con đường binh nghiệp. Đến cuối thập niên 80, Nasir đã là Cục phó Cục Quân khí.

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ điều tra vụ nổ kho vũ khí tại căn cứ Ojhri của quân đội Pakistan (tháng 7/1998), Nasir được thăng chức tướng và bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Quân khí. Con đường binh nghiệp của tướng Nasir trở nên xán lạn hơn khi một bạn thân là Nawar Sharif trở thành Thủ tướng Pakistan vào năm 1990.

Năm 1991, tướng Nasir còn được Thủ tướng Sharif bổ nhiệm làm Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp quốc phòng Pakistan kiêm Cục trưởng Cục Quân khí. Và đến ngày 14/3/1992, tướng Nasir bỗng bất ngờ được bổ nhiệm vào chức vụ chỉ huy Cơ quan Tình báo quốc gia (ISI) bởi Thủ tướng Sharif, nhiệm vụ mà theo đánh giá của giới tình báo trong và ngoài nước là nằm ngoài khả năng của tướng Nasir.

Tướng tình báo Javed Nasir.

Trong khi dư luận còn chưa yên ắng về việc bổ nhiệm đầy bất ngờ trên thì chỉ hơn một năm sau, chính xác là vào ngày 13/5/1993, tướng Nasir lại bất ngờ tuyên bố rời bỏ chức vụ chỉ huy ISI.

Dư luận đặt câu hỏi: Tại sao Thủ tướng Sharif lại để cho bạn thân của mình phải rời bỏ một chức vụ quan trọng như vậy? Phải chăng việc bổ nhiệm tướng Nasir làm chỉ huy ISI là thiếu cân nhắc? Phải chăng tướng Nasir đã mắc sai lầm nghiêm trọng? Phải chăng tướng Nasir buộc phải từ chức là do sức ép của phương Tây, nhất là từ Mỹ?

Phải mất nhiều năm sau đó, các câu hỏi này mới lần lượt được giải đáp. Vào năm 1993, tại Pakistan đã xảy ra vụ sụp đổ của Ngân hàng Mehran. Điều tra của Cơ quan Kiểm toán quốc gia cho biết, từ lâu Ngân hàng Mehran là nơi cất giấu một quỹ đen lên đến hàng trăm triệu USD của ISI dùng vào mục đích tài trợ cho các tổ chức Hồi giáo quá khích trong và ngoài nước, tài trợ cho lực lượng mujahedeen chống lại sự chiếm đóng của quân đội Liên Xô ở Afghanistan, tài trợ cho các đảng phái chính trị và các chính khách...

Khi trở thành người đứng đầu ISI, tướng Nasir ra lệnh chuyển toàn bộ quỹ đen này từ Ngân hàng Mehran đến cất giữ tại Ngân hàng Quốc gia Pakistan. Việc bất ngờ thiếu hụt một ngân khoản quá lớn (chiếm đến 70% tổng vốn hoạt động) là nguyên nhân khiến Ngân hàng Mehran phải khốn đốn và phá sản. Sự kiện phá sản của Ngân hàng Mehran cũng làm sáng tỏ việc ISI lập quỹ đen bất hợp pháp và khiến chính phủ của Thủ tướng Sharif gặp nhiều chỉ trích, nhất là trong thời điểm cuộc bầu cử Quốc hội Pakistan sắp diễn ra. Nhiều người cho rằng tướng Nasir bị buộc phải từ chức do liên quan đến vụ phá sản của Ngân hàng Mehran.

Sau khi ngồi chiếc ghế chỉ huy ISI, tướng Nasir luôn là mục tiêu công kích của cả Mỹ và Ấn Độ do ông này luôn ủng hộ các hoạt động phản kháng của các tổ chức Hồi giáo quá khích đối với phương tây và kích động cộng đồng người Sikh ở Ấn Độ ly khai.

Chỉ trong thời gian hơn một năm làm chỉ huy ISI của tướng Nasir, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho ban hành gần 150 văn bản tố cáo tướng Nasir là một nhân vật Hồi giáo cực đoan và là thành viên tích cực của phong trào Hồi giáo Tablighi Jamaat vốn có quan hệ bí mật  với một số tổ chức Hồi giáo quá khích mang tính chất khủng bố tại Nam Á. Mỹ còn tố cáo tướng Nasir đã chuyển giao hàng trăm tên lửa vác vai Stinger cho CHDCND Triều Tiên. Đây là số tên lửa mà Mỹ đã viện trợ cho Pakistan để cung cấp cho lực lượng mujahedeen ở Afghanistan vào những năm 80.

Biện minh cho hành động này, tướng Nasir cho rằng việc chuyển giao nằm trong một chương trình hợp tác quân sự và cũng là để CHDCND Triều Tiên nghiên cứu cải tiến hệ thống kích hoạt của tên lửa Stinger. Tuy nhiên, Mỹ đã lên án đây là một hình thức viện trợ vũ khí nhằm giúp CHDCND Triều Tiên sản xuất phiên bản tên lửa Stinger trang bị cho quân đội.

Còn theo một tiết lộ của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) vào năm 2002, một trong những nguyên nhân khiến tướng Nasir buộc phải từ chức là từ sự kiện Hải quân Mỹ chặn bắt được một tàu hàng của Pakistan tại biển Adriatique vào tháng 2/1993 khi đang vận chuyển 10 container vũ khí để chuyển giao cho người Hồi giáo ở Bosnia. Mỹ buộc tội ISI đã tổ chức vụ vận chuyển vũ khí trái phép vi phạm nghiêm trọng lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc.

Tướng Nasir nghỉ hưu vào năm 1997 và được Thủ tướng Sharif bổ nhiệm làm Chủ tịch Tập đoàn kinh doanh ETFB chuyên quản lý các nguồn vốn dự trữ quốc gia. Đến năm 2002, tướng Nasir lại dính dáng đến một vụ tai tiếng khác được cho là do Mỹ giật dây khi bị tố cáo đã biển thủ 3,3 tỉ rupi của Tập đoàn ETFB rồi bỏ trốn ra nước ngoài. Thực ra, tướng Nasir chỉ có chuyến công tác đến Malaysia để thực hiện một nhiệm vụ của phong trào Tablighi Jammat và không hề biển thủ tiền bạc của Tập đoàn ETFB

Văn Hòa (theo CiCentre)
.
.