Vụ xìcăngđan tình báo giữa Đức và Nga

Thứ Ba, 10/05/2005, 07:30
Một vụ xìcăngđan tình báo lớn nhất từ sau Chiến tranh Lạnh trong quan hệ Nga - Đức diễn ra 4 tháng trước đây đã được dàn xếp ổn thỏa trước khi có cuộc gặp thượng đỉnh của hai nguyên thủ quốc gia tại Hội chợ triển lãm Hannover vào đầu tháng 4/2005.

Cơ quan Tình báo Đức giữ kín chuyện này và giờ đây mới tiết lộ để giữ hòa khí cho cuộc gặp cấp cao Đức - Nga “có ý nghĩa lịch sử” đó. Tại hội chợ này, Tổng thống Nga V.Putin và Thủ tướng Đức G.Shroeder đã ký kết các văn bản hợp tác rất quan trọng.

 

Theo nhận xét của ông Gernot Erler, Phó chủ tịch phái đảng Dân chủ - xã hội trong Quốc hội Đức, thì quan hệ Đức - Nga hiện nay là “tốt đẹp hơn bao giờ hết”. Cuộc gặp giữa Thủ tướng Đức và Tổng thống Nga diễn ra trong bầu không khí thân mật và cởi mở nhất và hai bên đã đạt được những thỏa thuận “có ý nghĩa lịch sử” trong kinh tế nhờ những nỗ lực của Tổng thống Nga V.Putin.

Nhưng Tổng thống V. Putin, người đứng đầu Nhà nước Nga hiện nay, một thời đã từng là điệp viên cao cấp của KGB hoạt động ở Dresden không chỉ quan tâm đến đầu tư của Đức vào Nga. Các nhà ngoại giao đi theo ông trong chuyến đi này không bỏ lỡ cơ hội để tuyển mộ những người cung cấp tin trong số các quan chức của Đức. Điện Kremli rất quan tâm đến quan điểm của Đức về vấn đề Chechnya và bất kỳ thông tin nào về NATO.

Theo thông báo mới đây của Cục Bảo vệ pháp luật, thực chất là Cơ quan Phản gián của Đức, hiện nay ở CHLB Đức có tới 130 nhân viên tình báo chuyên nghiệp của Nga đang hoạt động. Số lượng nhân viên tình báo này ngang với thời kỳ cao điểm đối đầu giữa phương Tây và phương Đông.

Vụ xìcăngđan tình báo vừa được Cơ quan Phản gián Đức tiết lộ liên quan đến Kuzmin, một điệp viên của Tổng cục Tình báo Nga hoạt động ở Đức. Các chuyên gia gọi hoạt động phản gián của Đức chống lại Kuzmin là một trong những chiến dịch tình báo lớn nhất kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ. Theo tin của tờ “Spiegel” xuất bản ở Đức, năm 2000,  Kuzmin đã từng tuyển mộ các sĩ quan quân đội Đức làm điệp viên cho Nga khi ông được điều động đến công tác ở lãnh sự quán Nga tại Hamburg.

 

Nhà ngoại giao này và điệp viên người Đức của ông đã gặp nhau nhiều lần để trao đổi thông tin. Điệp viên Nga quan tâm đến những thông tin về hệ thống vũ khí của Đức, các văn kiện bí mật của quân đội Đức, về tình hình nội bộ của Bộ Quốc phòng Đức. Điệp viên người Đức do Kuzmin tuyển mộ đã chuyển cho điệp viên Nga những văn bản, đĩa CD, đĩa mềm và được trả một khoản tiền mặt lớn. Theo tính toán của Cơ quan phản gián Đức, điệp viên người Đức đã nhận của Kuzmin khoảng 10.000 euro.

Điệp viên Nga không biết rằng, viên sĩ quan người Đức này từ lâu đã bị Cơ quan Phản gián Đức tuyển mộ và trở thành điệp viên hai mang. Y thông báo cho Cơ quan Phản gián Đức biết nội dung từng cuộc gặp với Kuzmin. Từ đó, Cơ quan Mật vụ Đức nảy ra kế hoạch tuyển mộ chính Kuzmin làm gián điệp cho Đức để từ đó biết được nội tình của Cơ quan Tình báo Nga. Cho đến nay chưa một cơ quan tình báo phương Tây nào chui được vào mạng lưới tình báo của Nga.

 

Theo đánh giá của Cơ quan Phản gián Đức, Kuzmin là một đối tượng đầy triển vọng. Để thực hiện chiến dịch đó, phía Đức huy động sự nỗ lực của Cục Phản gián và Cục Tình báo trung ương Mỹ. Họ đã có ít nhất 3 lần định tuyển mộ Kuzmin. Lúc đầu, Kuzmin nhận được một mẩu giấy ghi số điện thoại đề nghị được tiếp xúc. Sau đó, Cơ quan Phản gián Đức và CIA gây áp lực và đe dọa vợ của Kuzmin.

 

Cuối cùng, Cơ quan phản gián Đức và Cục Tình báo trung ương Mỹ đã gặp được Kuzmin trên bờ sông Alster ở Hamburg. Họ định trực tiếp đề nghị Kuzmin hợp tác nhưng không đạt kết quả. Kuzmin kiên quyết từ chối và cho đến nay Cơ quan Tình báo Đức vẫn không thể nào hiểu được vì sao. Cuối cùng, vào cuối tháng 11-2004, Cục Phản gián Đức và Cục Tình báo trung ương Mỹ phải tổ chức bắt quả tang  Kuzmin mang hộ chiếu ngoại giao đang gặp điệp viên hai mang của mình tại một khách sạn.

Sau đó, vì thất bại trong những nỗ lực tuyển mộ Kuzmin, Cục trưởng Cục Phản gián Đức phải đáp máy bay sang Moskva theo giấy mời của Cục Tình báo đối ngoại của Nga. Giữa họ đã diễn ra một cuộc “nói chuyện lịch sự nhưng thẳng thắn”. Cục trưởng Cục phản gián Đức trình bày với Cục trưởng Cục Tình báo đối ngoại của Nga toàn bộ câu chuyện liên quan với Kuzmin. Hai ngày sau đó, điện Kremli đã triệu hồi nhân viên của Vụ lãnh sự Nga Kuzmin trở về nước

Lê Minh Quang (Theo báo độc lập, Nga)
.
.