William Henrichovich Fishe - Một tình báo Xô Viết huyền thoại

Thứ Hai, 10/11/2008, 19:00
Cách đây 45 năm, vào ngày 10/2/1962, trên cây cầu Glinika nối liền Đông và Tây Berlin, đã diễn ra cuộc trao đổi tù binh đặc biệt giữa Liên Xô và Mỹ. Phía Liên Xô trao cho Mỹ viên phi công Francis Pauwers lái máy bay trinh sát bị bắn rơi ngày 1/5/1960 trên vùng trời tỉnh Sverdlovsk và bị Tòa án Liên Xô kết tội làm gián điệp; còn phía Mỹ trao cho Liên Xô nhà tình báo "Mark" bị bắt vào mùa hè năm 1957 tại New York và bị Tòa án Mỹ kết án 32 năm tù.

Mark tên thật là William Henrichovich Fishe, được cả thế giới biết đến như một huyền thoại trong lĩnh vực tình báo đối ngoại, ông đã góp phần rút ngắn thời gian chế tạo bom nguyên tử của Liên Xô.

Dòng máu anh hùng

William Henrichovich Fishe sinh ngày 11/7/1903 tại thành phố cảng Newcastle của nước Anh. Ông là hậu duệ của một dòng tộc người Đức di cư sang sống ở tỉnh Yaroslav (cách Moskva khoảng 200 km). Cha của William là Henrich Fishe ngay từ thuở niên thiếu đã tham gia hoạt động chống sự bất công, vô cùng hà khắc của chế độ Sa hoàng; còn mẹ ông là dân gốc thành phố Saratov, trên bước đường hoạt động cách mạng đã gặp Henrich Fishe và họ đã nên vợ nên chồng. Do những hoạt động gây nguy hại cho đế chế Sa hoàng, năm 1901 cặp vợ chồng trẻ "cứng đầu cứng cổ" này đã bị trục xuất ra khỏi nước Nga. Họ tới cư trú tại thành phố cảng Newcastle và 2 năm sau đó sinh được cậu con trai đầu lòng, đặt tên là William Henrickhovich.

Khi nhỏ William rất ít nói, bướng bỉnh và kiên gan, làm bất cứ việc gì cũng kiên trì, bền bỉ, quyết đạt được mục tiêu; tính tình cương trực khác thường. Việc học hành đối với William thật nhẹ nhàng vì cậu rất thông minh, đọc gì, nghe gì nhớ ngay. William rất ham sách, đọc rất nhiều, nhưng do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, cậu phải bỏ dở trung học để vào làm nhân viên đồ họa trong một văn phòng thiết kế. Có việc làm, tự kiếm sống, William vừa làm việc, vừa tiếp tục học hết chương trình phổ thông, năm 16 tuổi thi đỗ vào Trường đại học Tổng hợp thành phố cảng. Nhưng chưa học xong năm thứ nhất, gia đình Fishe trở về Nga, William vào học lại năm thứ nhất Trường Nghiên cứu các vấn đề Phương Đông ở Moskva.

Cũng mới chỉ xong năm thứ nhất, William được gọi nhập ngũ và anh phục vụ trong Tiểu đoàn Thông tin Quân khu thủ đô Moskva. Sau đó anh được cử đi học ở Học viện Nghiên cứu khoa học thuộc lực lượng Không quân. Năm 1927 William được điều về Cơ quan an ninh và dần dần trở thành người đứng đầu mạng lưới thông tin tình báo bí mật, được giao những nhiệm vụ rất phức tạp và đã hai lần anh được cử tham gia những chuyến công tác tuyệt mật.

Tuy nhiên, năm 1938 William vô cớ bị loại khỏi cơ quan. Khi ấy người ta đoán già đoán non rằng có lẽ vì Beria không tin những cán bộ đã làm việc với "kẻ thù của nhân dân". Trở về với vị trí của một người dân bình thường, William không thể kiếm nổi một việc làm. Gần như tuyệt vọng và cuối cùng anh đành phải viết "thư kêu cứu" gửi tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Bônsêvích toàn Nga. Trung ương "nghe được tiếng kêu" của William, đã điều anh đến làm việc tại Nhà máy chế tạo máy bay cho đến trước ngày phát xít Đức tấn công Liên Xô. Tháng 9/1941, anh được điều trở lại Bộ Nội vụ.

Suốt trong thời gian cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại William làm việc tại Cục 4 Ủy ban An ninh quốc gia, chuyên hoạt động tình báo ở vùng lãnh thổ của Liên Xô bị phát xít Đức chiếm đóng. Nhiều chiến công của William Fishe trong giai đoạn này còn chưa được công bố đầy đủ, nhưng mọi người đều biết rằng anh đã có những đóng góp quan trọng trong "Chiến dịch Berezino" (tên của một tỉnh ở Cộng hòa Belurus).

Trên vùng lãnh thổ đã được giải phóng này của Belurus một số người từng là tù binh của Đức đã thành lập một đạo quân khá lớn chống phá Hồng quân ngay tại hậu phương. Những kẻ lãnh đạo đội quân đó thường xuyên liên lạc với Ban chỉ huy phát xít Đức để báo cáo về những hoạt động phá hoại của chúng. Còn Đức thì gửi cho đội quân này vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, trang thiết bị thông tin liên lạc và cả các điệp viên người Đức. Tất cả đều rơi vào tay Hồng quân Liên Xô. William Fishe giác ngộ lãnh đạo nhóm nhân viên điện đài người Đức được phái từ Berlin tới. Anh kiểm soát toàn bộ các phiên liên lạc vô tuyến điện với Ban chỉ huy phát xít Đức. Chiến dịch này kéo dài suốt từ tháng 8/1944 đến tháng 5/1945. Chính trong thời gian đó William Fishe đã kết bạn với một đồng nghiệp người Đức tên là Abeli Rudolfe Ivanovich. Sau khi bị bắt ở New York (năm 1957) anh đã mạo danh khai tên người này, vì anh biết người bạn Đức đó đã không còn.

Bí mật hạt nhân của Mỹ

Tháng 11/1948 William Fishe được phái sang hoạt động tại Mỹ dưới mật danh "Mark". Ngay sau đó, tại New York xuất hiện một họa sĩ tự do tài năng tên là Emil Rober Goldfus. Mark xây dựng và lãnh đạo một mạng điệp viên ngầm, tuyển chọn những điệp viên mới, duy trì liên lạc thường xuyên với Trung tâm và nghiên cứu một hệ thống mật mã riêng. Nhiều năm liền nhóm Mark đã cung cấp những thông tin tình báo rất quan trọng.

Trong nhóm này có cặp vợ chồng Moris và Leotina Koeny rất nhanh trí, sáng tạo và can đảm. Họ thường xuyên nhận được các thông tin từ Trung tâm Hạt nhân ở Los Alamos. Nhờ vậy Liên Xô đã có thể rút ngắn thời gian chế tạo vũ khí nguyên tử. Nhóm Mark còn cho biết, Mỹ đã soạn thảo kế hoạch và chuẩn bị cho cuộc Chiến tranh thế giới thứ 3, theo đó sẽ ném khoảng 300 quả bom nguyên tử xuống khắp lãnh thổ Liên Xô, riêng hai thành phố Moskva và Leningrad, mỗi nơi sẽ phải hứng chịu 8 quả bom nguyên tử lớn nhất của Mỹ.

Có thể nói mạng điệp viên ngầm Mark đã hoạt động rất hiệu quả, gửi được nhiều thông tin quan trọng về Trung tâm. Do nhu cầu hoạt động, Moskva cử Thượng tá An ninh quốc gia (KGB) Reino Heihanen (tên thật là Constantin Ivanov) sang Mỹ trợ giúp Mark. Mark đã chuyển cho viên sĩ quan KGB này một khoản tiền lớn để mở cửa hiệu ảnh và giúp đỡ gia đình một điệp viên đã bị bắt. Sống ở phương Tây giữa khung cảnh xa hoa, diễm lệ, vui chơi tối ngày, Reino đã sa ngã và  quên hết nhiệm vụ được giao, chỉ ném tiền vào những trò tiêu khiển, rượu chè, gái gú, thậm chí "quên" cả những cuộc gặp đã định. Reino còn bán đứng Mark cho CIA và hứa hẹn hợp tác với Cơ quan gián điệp Mỹ.

Năm 1957, các nhân viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã bắt Mark ngay tại khách sạn, nơi anh đang sinh sống. Để thông báo ngầm cho trung tâm biết rằng mình đã bị bắt, Mark mạo danh khai tên là Abeli Rudolfe Ivanovich, một đồng nghiệp đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ. Trong suốt quá trình điều tra, bị các cơ quan đặc biệt của Mỹ tra tấn, hành hạ, rồi phỉnh phờ dụ dỗ đủ kiểu, song Mark một mực từ chối những hoạt động gián điệp. Anh bị kết án tù 32 năm. Những ngày tháng dài trong nhà tù hết ở New York, rồi Atlanta, William Fishe dành mọi thời gian có được cho những công việc mà anh yêu thích là nghiên cứu toán học, lý thuyết nghệ thuật và vẽ tranh sơn dầu.

Trở lại đội ngũ, William tham gia giảng dạy - đào tạo những thế hệ tình báo trẻ. Ông qua đời ngày 15/11/1971. Do có những chiến công xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, William Henrichovich Fishe đã được Nhà nước Liên Xô nhiều lần tặng Huân chương Cờ đỏ, Huân chương Lênin, Huân chương Lao động, Huân chương Sao đỏ và nhiều huân, huy chương khác.

Trên cơ sở cuộc đời và sự nghiệp của nhà tình báo huyền thoại William Henrichovich Fishe, nhà văn Liên Xô V. Kozhevnikov đã viết cuốn tiểu thuyết "Thanh kiếm và lá chắn". Còn vị luật sư người Mỹ Jeams Donovan, người nắm từ đầu đến cuối "vụ án Mark" đã viết cuốn sách "Những người xa lạ trên cầu". Về sau, Kirill Vichtorovich Henkin, một người bạn thân và là học trò của William Henrichovich Fishe còn viết một cuốn sách nữa về ông, mang tựa đề "Thợ săn theo dấu chân"

Ngô Gia Sơn (theo Sao Đỏ)
.
.