Xét xử cựu Tổng thống Argentina liên quan đến những vụ bắt cóc trẻ sơ sinh

Thứ Năm, 19/07/2012, 11:40

Ngày 5/7 vừa qua, sau khi cựu Tổng thống Argentina Jorge Rafael Videla, nay đã 86 tuổi, bị tuyên án tù, gia đình các nạn nhân trong phòng xử án đồng loạt hoan nghênh vì công lý cuối cùng đã được thực thi.

Trong suốt hơn 3 thập niên, các thành viên của Grandmothers of Plaza de Mayo - một trong những nhóm nhân quyền nổi tiếng nhất thế giới - đã vận động hành lang, thu thập chứng cứ và tìm kiếm nhân chứng để chứng minh rằng, nhóm lãnh đạo quân sự cầm quyền ở Argentina từ năm 1976 đến 1983 đã tiến hành có hệ thống những vụ bắt cóc trẻ sơ sinh của các tù nhân chính trị.

Ngoài cựu Tổng thống Videla, tòa án còn tuyên án tù chung thân dành cho tướng Reynaldo Bignone, nay 84 tuổi, và từ 14 đến 40 năm tù cho khoảng nửa chục sĩ quan quân đội khác.

Reynaldo Bignone là Tổng thống Argentina trong hai năm 1982 - 1983, giai đoạn cuối cùng của chế độ quân sự ở nước này. Maria del Carmen Roqueta, Chủ tịch phiên tòa, gọi những vụ bắt cóc trẻ con - trong khi các bà mẹ bị giết chết - là "tội ác chống lại nhân loại".

Từ lâu trước khi phần đông người dân Argentina tin rằng, bọn tay sai của chế độ quân sự dã tâm tiến hành những vụ bắt cóc trẻ sơ sinh của các nữ tù nhân, một nhóm các bà mẹ có con gái bị mất tích đã đoàn kết với nhau để tìm kiếm con cháu của họ và bắt đầu thành lập tổ chức nhân quyền gọi là Granmothers of Plaza de Mayo (GPM).

Trong hơn 35 năm qua, GPM đã tìm được nhiều đứa bé sơ sinh bị bắt cóc - trong đó nhiều bé được chính quyền quân sự trao cho những sĩ quan quân đội và cảnh sát để nuôi lớn. Và cuối cùng GPM lôi những kẻ từng giám sát những vụ bắt cóc và giết người dưới thời chính quyền Jorge Rafael Videla và Reynaldo Bignone ra trước tòa án.

GPM đặt trụ sở trong một tòa nhà cổ gần Quốc hội Argentina, và Rosa Tarlovsky de Roisinblit, nay đã 92 tuổi, là một trong những gương mặt lãnh đạo cốt cán của tổ chức. Patricia, con gái của Roisinblit, nằm trong số những nạn nhân của chính quyền Videla - một chế độ sử dụng biện pháp bắt cóc, tra tấn và bí mật thủ tiêu để tiêu diệt những đối thủ chính trị. Roisinblit cho biết, con gái bà bị bắt cóc ngày 6/10/1978, lúc đang mang thai 8 tháng một bé trai. Về sau, Roisinblit biết chuyện con gái bà bị giam giữ tại Naval Mechanics School ở Buenos Aires - một trong nhiều trung tâm tra tấn bí mật đáng sợ nhất của chính quyền quân sự Videla.

Hai cựu tổng thống Jorge Rafael Videla (giữa) và Reynaldo Bignone (phải) trong phiên tòa ở Buenos Aires.

Trong thời gian cầm quyền (1976 - 1981), chính quyền quân sự Videla đã bắt cóc và giết chết 13.000 người đối lập khi cố gắng dập tắt cuộc nổi dậy của phe cánh tả vũ trang. Trong thời gian bị giam cầm, Patricia đã sinh hạ một bé trai. Sau đó Patricia đột ngột biến mất cùng đứa bé sơ sinh mà không rõ nguyên do.

Cũng giống như trường hợp của Patricia, nhiều nữ tù nhân mang thai đã biến mất một cách khó hiểu không lâu sau khi sinh con tại những nhà bảo sanh bí mật. Phần lớn những đứa trẻ sơ sinh được giao cho gia đình các quân nhân và cảnh sát trung thành với chế độ Videla nuôi dưỡng. Nhưng bà Roisenblit vẫn kiên trì tìm kiếm đứa cháu trai của mình, cũng như những đứa con mất tích của các nữ tù nhân khác.

Cách đây hơn 12 năm, văn phòng GPM bất ngờ nhận được một cú điện thoại nặc danh cho biết có một thanh niên 21 tuổi được nhận định là cháu của bà Roisinblit. Xét nghiệm ADN và một cuộc điều tra chính thức kết luận người thanh niên - nay đã có vợ và hai con - đúng là cháu của bà Roisinblit đồng thời xác định một sĩ quan không quân đã nhận nuôi bất hợp pháp đứa trẻ này. Cháu của bà Roisinblit nằm trong số 106 đứa trẻ sơ sinh mất tích trong thập niên 70 thế kỷ trước được tìm thấy, nhưng vẫn còn 400 đứa trẻ khác chưa rõ tung tích.

Elsa Sanchez de Oesterheld, nay 87 tuổi, nằm trong số những nạn nhân của chế độ Videla. Oesterheld có 4 đứa con gái bị chính quyền quân sự giết chết, trong đó 2 đứa con gái đang mang thai khi bị bắt giữ. Và cho đến nay bà Oesterheld vẫn chưa tìm được tung tích hai đứa cháu ngoại của mình.

Phiên tòa xét xử hai cựu lãnh đạo của Argentina - Jorge Rafael Videla và Reynaldo Bignone - được coi là phiên tòa lịch sử của nước này với số bị cáo đông đảo, gần 900 nạn nhân, hơn 100 nhân chứng và khoảng 60.000 trang bằng chứng. Theo Trung tâm Pháp lý và nghiên cứu xã hội (CLSS) - một tổ chức độc lập của Argentina, tổng cộng có 1.861 bị cáo được xét xử tại tòa án ở Buenos Aires, nhưng các bản án chỉ được tuyên đối với 17% số bị cáo.

Rosa Terlovsky de Roisinblit và ảnh cô con gái mất tích Patricia.

Tại phiên tòa, cựu Tổng thống Videla tự biện hộ rằng không có chương trình bắt cóc trẻ sơ sinh có hệ thống nào cả, và buộc tội những tù nhân đã sử dụng những đứa bé chưa chào đời của họ làm "lá chắn người". Videla còn tự nhận ông ta là "tù nhân chính trị", đồng thời gọi bản án dành cho ông ta là hành động trả thù của những đối thủ chính trị.

Trong số những nhân chứng có mặt tại tòa án có cựu đại sứ Mỹ Elliot Abrams, người từng kêu gọi Bignone tiết lộ danh tính của những đứa bé mất tích nhưng đã bị từ chối. Chính quyền Mỹ cũng tiết lộ một vài điều về các biệt đội tử thần trấn áp phe đối lập trong quá khứ của Argentina. GPM cho biết hiện nay vẫn còn rất nhiều bị cáo đang tổ chức kháng cáo và nhiều người khác chưa được xét xử.

Bà Elsa Sanchez de Oesterheld, 87 tuổi, có 4 cô con gái bị chính quyền Videla giết chết.

Không lâu sau khi nền dân chủ ở Argentina được phục hồi vào năm 1983, một ủy ban có tên là "Never Again" (tạm dịch: Không bao giờ nữa) được thành lập để điều tra về những tội ác chống nhân loại của chính quyền quân sự Jorge Rafael Videla. Nhưng sau đó không có một tội phạm nào bị truy tố trước pháp luật cho đến khi Nestor Kirchner đắc cử tổng thống vào 20 năm sau.

Hôm 5/7, Bộ trưởng Tư pháp Julio Alak của Argentina tuyên bố: “Cựu Tổng thống Kirchner và vợ - nay là Tổng thống Cristina Fernandez là hai nhân vật xứng đáng được tuyên dương vì những cố gắng bảo vệ nhân quyền. Trong thập niên 70, noi gương cuộc cách mạng Cuba và Tổng thống theo đường lối xã hội chủ nghĩa Salvador Allende ở Chile, các nhà hoạt động cánh tả ở khắp Mỹ Latinh bắt đầu bàn cãi sôi nổi về những con đường thay đổi chế độ - hoặc thông qua bầu cử hoặc tiến hành cuộc cách mạng vũ trang.

Sau cái chết của Tổng thống Allende trong cuộc đảo chính quân sự của tướng Augusto Pinochet, các nhà hoạt động cánh tả ở Argentina bắt đầu bước vào cuộc chiến tranh du kích chống chính quyền. Phe nổi dậy ở Argentina đã giết chết hàng trăm sĩ quan quân đội và cảnh sát, những chính khách cánh hữu và những nhà tư sản. Lo sợ bùng nổ nội chiến, nhà cầm quyền quân sự ở Argentina đã tiến hành nhiều cuộc trấn áp dã man với sự giúp sức của chính quyền Mỹ

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.