Xung quanh hồ sơ vừa giải mật của Tình báo Anh - Mỹ

Thứ Sáu, 15/02/2008, 15:00
Đúng vào thời điểm Tổng thống George Bush đang tiến hành chuyến công du đầu năm tại Trung Đông, trong đó đầu tiên đặt chân tới quốc gia đồng minh Israel, tình báo Mỹ đã cho giải mật một số hồ sơ quan trọng từ lâu được cất kỹ trong các kho lưu trữ...

Kho vũ khí hạt nhân của Israel không chỉ là lời đồn đại

Đúng vào thời điểm Tổng thống George Bush đang tiến hành chuyến công du đầu năm tại Trung Đông, trong đó đầu tiên đặt chân tới quốc gia đồng minh Israel, tình báo Mỹ đã cho giải mật một số hồ sơ quan trọng từ lâu được cất kỹ trong các kho lưu trữ.

Phần lớn trong số này là những hồ sơ về chương trình hạt nhân của Israel, trong đó chứa nhiều thông tin về quá trình sản xuất các đầu đạn hạt nhân. Theo nội dung của những tài liệu này, ngay từ tháng 8/1974 Israel đã bí mật xây dựng một cường quốc hạt nhân.

Theo thông tin chính thức thì CIA, Ban Tình báo và nghiên cứu của Bộ Ngoại giao Mỹ và cả Cục Tình báo quân đội (DIA) đã phối hợp công bố một loạt tài liệu quan trọng từ lâu vẫn được lưu giữ với con dấu "tuyệt mật".

Những hồ sơ này khẳng định, ngay từ năm 1974, người Mỹ đã có được những bằng chứng cho thấy sự tồn tại của vũ khí hạt nhân tại Israel. Theo đánh giá của tài liệu thì vào thời điểm đó, quốc gia Do Thái này “đã sản xuất và thậm chí tích trữ được một số lượng nhỏ vũ khí hạt nhân".

Báo chí Anh đưa tin về chương trình hạt nhân của Israel qua tiết lộ của viên kỹ sư Mordechai Vanunu.

Trên thực tế, một phần nhỏ có liên quan đến tập hồ sơ này đã được giải mật từ đầu năm 2006 theo luật yêu cầu thông tin tự do của hai học giả Avner Cohen và William Burr. Nhưng mọi thông tin quan trọng nhất lại nằm trong số hồ sơ mới được giải mật gồm 2 phần chính – phần nguyên gốc từ năm 1974 và phần sao chép do Bộ Ngoại giao thực hiện vào năm 1975 có kèm theo một số bình luận và phân tích bổ sung.

Từ những tài liệu này có thể thấy, các quan chức tình báo Mỹ đã đưa ra kết luận Israel có vũ khí hạt nhân dựa trên cơ sở những dữ liệu cho thấy, quốc gia này đã mua một số lượng lớn các nguyên liệu phóng xạ. Ngoài ra, CIA cũng nghiên cứu rất kỹ lưỡng chương trình làm giàu uranium của Israel trên cơ sở ứng dụng nó vào lĩnh vực công nghiệp quân sự.

Tình báo Mỹ còn đặc biệt chú ý tới những khoản đầu tư khổng lồ của Tel-Aviv vào dự án “Jericho” với mục đích thiết kế và chế tạo loại tên lửa đất đối đất, về mặt cấu trúc của loại này có xem xét trước tới khả năng lắp đầu đạn hạt nhân. Chịu trách nhiệm chủ yếu về dự án Jericho chính là Israel Aircraft Industries, hãng này đã huy động và triển khai một loạt địa điểm bí mật phục vụ hoạt động sản xuất và thử nghiệm tên lửa gần Haifa, phía bắc thủ đô Israel.

Còn có một trung tâm khác thuộc dự án bí mật này được cho là nằm gần Ramallah, nơi theo như báo cáo của CIA từ hồi năm 1974 có “đảm trách việc lắp ráp và kiểm tra tên lửa".

Đáng chú ý là trong hồ sơ vừa giải mật cũng có một số thông tin về Iran, trong đó có đoạn viết: “Không hề nghi ngờ về tham vọng của quốc vương nước này muốn biến Iran thành một cường quốc hạt nhân, khiến cả thế giới phải nhắc tới.

Nếu như quốc vương sống được tới giữa những năm 80 của thế kỷ XX và Iran vào thời điểm đó đã có một nền tảng năng lượng hạt nhân đầy đủ cùng với tất cả những phương tiện cần thiết để sản xuất vũ khí hạt nhân, quốc gia này chắc chắn sẽ bắt đầu chế tạo vũ khí hạt nhân như nhiều nước khác".

Mặc dù quốc vương Iran bị lật đổ trong cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 và qua đời một năm sau đó, nhưng người Mỹ chưa bao giờ từ bỏ những mối lo ngại liên quan tới Tehran. Theo ý kiến một số chuyên gia phân tích của CIA khi đó, Israel với chương trình hạt nhân phát triển của mình hoàn toàn có thể trở thành nhà cung cấp không chỉ nguyên liệu mà cả những công nghệ cho ngành công nghiệp hạt nhân của Iran (!?).

Liên quan tới tham vọng hạt nhân của Tel-Aviv, tình báo Mỹ đã đánh giá với một "lăng kính" có phần yên tâm hơn, do chính Mỹ vào thời điểm đó cũng đang thúc đẩy chương trình hạt nhân của Pháp. “Ít có khả năng Israel sẽ thúc đẩy việc phổ biến vũ khí hạt nhân do đây là vấn đề thuộc chính sách quốc gia.

Nhưng rất có thể nước này sẽ tìm cách hưởng lợi từ những ưu thế về kinh tế và chính trị của mình, cụ thể là qua việc xuất khẩu nguyên liệu, công nghệ và trang bị" – hồ sơ được giải mật đã kết luận như vậy. Cũng theo hồ sơ này, Israel bị nghi ngờ cung cấp các nguyên liệu hạt nhân, trang bị và cả công nghệ cho Iran, Nam Phi và một số quốc gia thân thiện với họ khi đó.

Cho tới ngày nay, sự tồn tại kho vũ khí hạt nhân của Tel-Aviv vẫn chỉ chủ yếu dựa vào những lời đồn đại mà chưa có một lời khẳng định chính thức nào của các bên. Giờ đây, khi những tài liệu có nguồn gốc từ 32 năm qua đã được giải mật, dư luận lại tập trung chú ý vào sự trùng hợp kỳ lạ của ngày tháng công bố số hồ sơ trên với chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Bush, trong đó đầu tiên là tới Israel.

Báo chí nhiều nước nhân sự kiện này đã lên án về một "tiêu chuẩn kép" đang được Washington áp dụng liên quan đến các chương trình hạt nhân của Israel và Iran.--PageBreak--

Trước khi trở thành Tổng thống Israel ông Chaim Herzog đã làm việc cho Tình báo Anh

Được sự chấp thuận của chính phủ, Cơ quan Tình báo hải ngoại Anh (MI-6) đã cho công bố một phần hồ sơ về hoạt động của cơ quan tình báo kỳ cựu này trong các thập niên 40, 50 và 60 thế kỷ XX. Trong số tài liệu được công bố có hồ sơ về việc Tổng thống Israel Chaim Herzog từng được MI-6 tuyển dụng.

Tiết lộ này đã làm sáng tỏ phần nào việc Knesset (Quốc hội Isarel) đã nhiều lần trì hoãn việc bầu Herzog làm tổng thống do nghi vấn ông từng làm việc cho một cơ quan tình báo nước ngoài. Ngay cả khi được bầu làm tổng thống vào năm 1983, Quốc hội Israel và nhiều đảng phái đối lập cũng đưa ra yêu cầu điều tra về hoạt động cho một cơ quan tình báo nước ngoài của Tổng thống Herzog.

Chaim Herzog khi còn làm việc cho tình báo Anh vào năm 1946.

Chaim Herzog sinh ngày 17/9/1918 tại thành phố Belfast của Ailen và là con của nhà truyền giáo nổi tiếng Yitzhak Halevi Herzog, người đứng đầu nhánh Do Thái giáo tại Ailen từ năm 1919 đến năm 1937.

Năm 1935, sau khi tốt nghiệp trung học, Herzog đến vùng lãnh thổ Palestine ở Trung Đông để tham gia lực lượng bán quân sự Haganah của người Do Thái trong thời kỳ đấu tranh của người Arập từ năm 1936 đến năm 1939. Tháng 6/1939, chỉ 3 tháng trước khi xảy ra Chiến tranh thế giới lần thứ 2, Herzog bất ngờ rút lui khỏi Haganah, quay về lại Anh theo học ngành luật tại Đại học London.

Theo hồ sơ được MI-6 công bố vào tháng 6/2000, chính trong thời gian theo học tại Đại học London, MI-6 đã tuyển dụng Herzog do ông này rất am hiểu về tình hình Trung Đông. Để làm bình phong cho hoạt động tình báo của Herzog, MI-6 tạo điều kiện để ông gia nhập quân đội Anh, tham chiến một thời gian ngắn tại chiến trường châu Âu trước khi được chuyển đến Trung Đông.

Am hiểu phong tục, tập quán của người Arập, là công dân Anh có gốc gác Do Thái, đó là những điều kiện cần thiết để Herzog hoàn thành tốt nhiệm vụ của một điệp viên MI-6 tại Trung Đông. Herzog đã tìm cách thâm nhập vào các tổ chức của người Arập và của cả cộng đồng người Do Thái để thu thập thông tin về hoạt động của các tổ chức này rồi bí mật chuyển giao cho MI-6.

Mang mật danh Vivian, Herzog len lỏi khắp nơi, có khi dưới lốt một nhà kinh doanh người Arập, có khi dưới lốt một giáo sĩ Do Thái giáo.

Theo hồ sơ về nhân thân của Herzog, ông rời quân đội Anh vào năm 1947 với quân hàm trung tá. Điều này không có nghĩa là ông cũng thôi làm việc cho MI-6. Năm 1948, sau khi Nhà nước Israel được thành lập và đã làm bùng phát cuộc chiến tranh đầu tiên giữa người Israel và người Arập.

Vào thời kỳ này, Herzog quay về lại Israel và tham gia quân đội. Do am hiểu tình hình Trung Đông và tỏ rõ bản lĩnh trong công tác tình báo nên chẳng bao lâu sau Herzog được bổ nhiệm làm người đứng đầu Cơ quan Tình báo của Bộ Quốc phòng Israel từ năm 1948 đến 1950 và từ năm 1959 đến năm 1962. Năm 1962, Herzog xuất ngũ khi đã là trung tướng của quân đội Israel.

Sau khi rời quân đội, Herzog thành lập một công ty luật theo yêu cầu của MI-6 để làm bình phong cho hoạt động tình báo của mình. Vào thời kỳ này, Anh do muốn tranh giành ảnh hưởng với Mỹ và Pháp tại Trung Đông, nên buộc phải nối lại liên lạc với Herzog để thu thập các thông tin tình báo liên quan đến nội tình của cả Israel lẫn các quốc gia Arập.

Trong khi đó, Israel lại muốn dựa vào sức mạnh quân sự của Mỹ để đối phó với các mối đe dọa từ các quốc gia Arập. Cuộc giằng co quyền lực giữa các cơ quan tình báo quốc tế chỉ chấm dứt khi xảy ra cuộc chiến Yon Kippour giữa Israel và liên quân Ai Cập, Syrie vào tháng 10/1972.

Nhờ viện trợ quân sự ào ạt của Mỹ, Israel đã kịp thời đối phó với các cuộc tấn công của liên quân Ai Cập, Syrie và chiến thắng trong cuộc chiến này. Nhận biết không còn cơ may để tạo ảnh hưởng, Chính phủ Anh quyết định rút khỏi Trung Đông, điều này đồng nghĩa với việc MI-6 cũng chấm dứt quan hệ với Herzog.

Năm 1975, Herzog được bổ nhiệm làm Đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc và được biết tiếng khắp thế giới khi thúc đẩy Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua Giải pháp số 3379 về việc công nhận sự tồn tại vĩnh viễn của Nhà nước Israel. Tuy nhiên, tiếng tăm và nỗ lực của Herzog vẫn không giúp ông xóa được bóng đen quá khứ.

Vì vậy, cho dù đã nhiều lần ra tranh cử đại biểu Quốc hội nhưng Herzog luôn gặp thất bại khi dư luận cho rằng một người từng làm việc bí mật cho một cơ quan tình báo nước ngoài thì không xứng đáng trở thành đại biểu Quốc hội, cho dù Herzog luôn lên tiếng phủ nhận các cáo buộc này.

Mãi đến năm 1981, khi đã ở tuổi 63, Herzog mới được bầu làm đại biểu Quốc hội với tư cách là thành viên của đảng Trung tả, sau khi chính trường Israel vừa trải qua một cơn sóng gió từ tai tiếng của một số nghị sĩ thuộc đảng Lao động. Năm 1983, sau khi phải trải qua hai phiên điều trần trước Quốc hội, ba kỳ bỏ phiếu tín nhiệm, Herzog mới được Quốc hội bầu làm tổng thống thứ 6 của Israel.

Trong suốt hai nhiệm kỳ làm tổng thống của mình, Herzog là vị tổng thống đầu tiên rất quan tâm đến công tác cải tổ và hoàn thiện các cơ quan tình báo của Israel. Điều này cũng dễ hiểu vì Herzog vốn xuất thân từ một nhân viên tình báo lão luyện, ngay cả khi còn hoạt động bí mật cho một cơ quan tình báo nước ngoài hay đã là người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội.

Herzog qua đời vào ngày 17/4/1997. Và giờ đây, dư luận Israel lại trở nên sôi động khi MI-6 bất ngờ cho công bố hồ sơ về điệp viên người Israel mang mật danh Vivien, đó không ai khác hơn là cố Tổng thống Israel Chaim Herzog

Linh Nga - Văn Hòa (tổng hợp)
.
.