Xung quanh việc Canada tuyên bố bắt giữ một điệp viên

Thứ Hai, 04/12/2006, 08:00
Cơ quan Mật vụ Canada vừa tuyên bố về việc bắt giữ một nhân vật có tên Paul William Hampel, được cho là một điệp viên mật đang hoạt động cho Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR).

Nếu như Tòa án liên bang Montreal khẳng định những bằng chứng của Cơ quan Phản gián Canada (CSIS) đưa ra là chính xác, William Hampel sẽ bị trục xuất ngay trong tuần tới...

Vụ bắt giữ diễn ra vào ngày 14/11 tại sân bay quốc tế Montreal, ngay sau khi cả hai Bộ Nhập cư và Bộ Nội vụ Canada đều đi đến kết luận, người nước ngoài (có tên họ thực không được biết rõ) “hiện đang là mối đe dọa đối với an ninh Canada” và đang hoạt động cho cơ quan tình báo nước ngoài (theo giả thuyết của các nhân viên phản gián Canada thì đó rất có thể là điệp viên của SVR). Cụ thể theo như phía Canada thì đó là một điệp viên mật thuộc Cục “C” của SVR, chuyên trách việc cài cắm và điều hành các điệp viên mật ở nước ngoài. CSIS còn dựa trên cơ sở cho rằng, Hampel đã sử dụng các phương pháp tạo vỏ bọc và khai thác thông tin tương tự như của tình báo Nga.

Nhà chức trách Canada cho biết, Hampel (trước khi bị bắt đang chuẩn bị rời khỏi Canada) mang theo các giấy tờ giả mạo – có tới 3 hộ chiếu Canada sử dụng ngày, tháng, năm sinh giả. Người bị bắt giữ còn mang trong mình 5 loại ngoại tệ khác nhau tổng trị giá gần 8.000 USD, nhiều thẻ tín dụng, 3 chiếc điện thoại di động, 5 SIM-card, 2 camera kỹ thuật số, một chiếc radio sóng ngắn cùng với những tấm bưu thiếp có ghi những sự kiện chủ yếu trong lịch sử Canada.

Tờ báo địa phương National Post ngay sau đó đã tổ chức điều tra riêng và làm rõ, Hampel làm việc cho một công ty nước ngoài đăng ký tại Montreal, và thường xuyên có những chuyến đi tới vùng Balkan. Tính ra, nhân vật này đã qua lại và làm việc tại Canada trong suốt 10 năm. Những câu hỏi quan trọng chưa được làm rõ là Hampel đã kịp làm những gì tại Canada, và do đâu mà hoạt động gián điệp của anh ta đã bị Cơ quan Mật vụ Canada phát hiện được. Hiện các nhà chức trách Canada đang hứa hẹn sẽ công bố cụ thể mọi chi tiết trong phiên tòa xét xử.

Tấm hình của Paul William Hampel được sao chép từ hộ chiếu giả của anh ta.

Trước vụ án gián điệp trên tại Canada, đại diện của SVR cũng như Đại sứ quán Nga tại Canada đã từ chối bình luận. Trước đó, vụ rắc rối gián điệp đáng chú ý nhất giữa Canada và Nga cũng đã xảy ra trong gần chục năm trở lại đây. Chính quyền Canada đã trục xuất khỏi Toronto hai vợ chồng Mackenzie Lambert và Laurie Brodie, mà theo họ thực chất là hai điệp viên SVR Dmitriy Vladimirovoch Olshevskiy và Yelena Borisovna Olshevskaya.

Phiên tòa xét xử nhân vật có tên Paul William Hampel dự kiến sẽ được tổ chức tại Montreal. Tuy nhiên, Ottawa không có ý định trừng phạt nghiêm khắc đối với William Hampel. Nếu bị chứng minh là có tội, anh ta sẽ chỉ bị trục xuất ngay khỏi Canada.

Thời gian gần đây, CSIS chủ yếu tập trung vào các nỗ lực ngăn chặn khủng bố, cho dù hoạt động gián điệp nước ngoài đối với họ vẫn là một mối quan tâm lớn. Chỉ trong năm ngoái, Cơ quan phản gián nước này đã phải tổ chức theo dõi tới 152 nhân vật bị tình nghi là gián điệp của khoảng 30 cơ quan tình báo nước ngoài. Hiện nhiều nước đang tập trung mũi nhọn khai thác thông tin về các ngành công nghiệp hàng đầu của Canada như viễn thông và vũ trụ, cùng với nhiều bí mật khác về chính trị và kinh tế

Thái Quân (Tổng hợp)
.
.