Xung quanh vụ bê bối của Cơ quan Tình báo Đức tại Iraq

Thứ Sáu, 03/03/2006, 14:21

Lại có thêm một vụ bê bối của Cơ quan Tình báo liên bang (BND) trở thành đề tài tranh cãi trong nội bộ Quốc hội CHLB Đức. Lần này chủ đề chính là những hợp tác trái phép của BND dưới thời Thủ tướng Schroeder với Cơ quan Tình báo quân đội Mỹ (DIA) và Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) trong thời điểm trước và sau cuộc chiến Iraq.

Mức độ nghiêm trọng của cuộc tranh luận này đã khiến Bộ trưởng Ngoại giao Frank-Walter Steinmeier phải rút ngắn chuyến công du của mình ở vùng Cận Đông để trở lại Berlin. Ông Steinmeier được coi là có liên quan trực tiếp đến chuyện này vì từng nắm giữ chiếc ghế đứng đầu Văn phòng Thủ tướng liên bang trong chính quyền liên minh đỏ-xanh Schroeder-Fischer, điều hành hoạt động của các cơ quan mật vụ Đức.

Thực chất của vụ bê bối đã gây ra những xáo động chính trị không nhỏ tại Berlin, khiến tất cả 3 đảng phái đối lập (Tự do, đảng Xanh và đảng cánh tả) đã có ý định thành lập  một ủy ban điều tra riêng về việc này. Đúng thời điểm tân Thủ tướng Angela Merkel đang trên đường đi thăm Mỹ vào ngày 12/1 vừa qua, kênh truyền hình Panorama và tờ Suddeutsche Zeitung đã cho công bố những tài liệu về hoạt động của hai điệp viên BND, là kết quả điều tra của hai phóng viên Hans Leyendecker và Wolfgang Krach. Hai điệp viên của BND nói trên từ trước chiến tranh có trong danh sách nhân sự của Đại sứ quán Đức, và sau đó ở lại Baghdad khi các cơ quan ngoại giao đã rút hết.

Theo khẳng định từ các nguồn tin này, hai điệp viên (được báo chí gọi tên là Rainer và Folker) không chỉ thông báo về trung tâm của mình ở Pulakh về tình hình và các hoạt động chiến sự tại Iraq, mà còn đứng ra giúp đỡ trực tiếp cho các cơ quan mật vụ Mỹ trong việc xác định rõ các mục tiêu ném bom. Cụ thể là theo yêu cầu của DIA, bọn họ vào ngày 7/4/2003 đã chỉ điểm một vị trí nghi ngờ Saddam Hussein đang ẩn náu tại một trong các nhà hàng ở khu Mansur, nơi về sau gần như đã bị san bằng bởi bom Mỹ. Kết quả là Saddam lại không có ở đó, trong khi có ít nhất 16 dân thường Baghdad đã bị chết vì vụ ném bom này. Nếu những thông tin này được chứng minh, đó sẽ là một câu hỏi lớn đối với chính sách chống chiến tranh trước đây của Thủ tướng Schroeder, người từng gọi việc Mỹ can thiệp quân sự vào Iraq là “một cuộc phiêu lưu”.

Giám đốc của BND thời chiến tranh Iraq, August Hanning, hiện là Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong chính quyền mới, và người kế nhiệm ông ta là Ernst Uhrlau đều quả quyết: không biết gì về sự kiện này. Giới lãnh đạo BND hiện nay về cơ bản đều bác bỏ những tài liệu được báo chí nêu ra, tuy nhiên, không phủ nhận việc các điệp viên của họ vẫn còn ở tại Baghdad trong thời gian Mỹ tấn công. Nhưng theo BND, nhiệm vụ chính của những điệp viên này là thu thập thông tin về tình hình Iraq trong chiến tranh, giúp cho Chính phủ Đức nắm rõ những gì đang diễn ra tại địa bàn xung đột vũ trang này. Điều này theo các quan chức BND là không hề trái với luật pháp CHLB Đức.

Có điều chắc chắn là vụ việc trên sẽ gây ra không ít rắc rối cho nhiều cựu quan chức, cũng như đương chức trong chính quyền Đức. Chủ tịch đảng Xanh đối lập Claudia Roth tuyên bố, nếu tất cả những gì báo chí công bố là đúng sự thật, thì việc hợp tác bí mật giữa các cơ quan mật vụ Đức và Mỹ trong cuộc chiến Iraq chỉ gây ra một cảm giác duy nhất - đó là sự phẫn nộ. Nguyên nhân đơn giản là trong khi công khai tuyên bố phản đối cuộc chiến trước toàn thế giới, Berlin lại bí mật hỗ trợ người Mỹ trong cuộc chiến này. Bà Roth cũng yêu cầu phải tổ chức điều tra thật kỹ càng để làm rõ tất cả những điệp viên hay bất kỳ một quan chức cao cấp nào đã tham gia hay dính líu vào cuộc chiến tại Iraq.

Trong những ngày qua, Berlin đã triển khai không ít nỗ lực nhằm giảm bớt hậu quả của vụ bê bối, trước tiên là nhằm gỡ bỏ lời buộc tội chính về việc “đồng lõa” của BND với cuộc chiến của Mỹ, cũng như khả năng bí mật giật dây từ phía Chính phủ Đức. Tuần qua, hai nhân vật chính của vụ bê bối là điệp viên Rainer (cũng đã được Mỹ tặng thưởng huân chương liên can đến cuộc chiến Iraq, nhưng không rõ vì “chiến công” gì?) và Folker đã được triệu hồi về Đức khi đang thực hiện những “sứ mạng ngoại giao” tại Cairo (Ai Cập) và Canberra (Canada). Cả hai đã phải tham gia một buổi thẩm vấn dài tới 6 giờ tại một căn phòng ngầm chống nghe trộm trước các thành viên từ Ủy ban giám sát các cơ quan mật vụ của Quốc hội. Kết quả là các nghị sĩ tham dự (có cả thành phần của phe đối lập) đã đi đến kết luận: BND và các điệp viên của họ “không trực tiếp giúp đỡ người Mỹ” trong thời kỳ cuộc chiến Iraq.

Nhưng vụ việc chắc chắn vẫn chưa thể kết thúc tại đây. Ủy ban giám sát vẫn chưa kiểm chứng những lời cam kết miệng của các điệp viên cũng như ban lãnh đạo BND bằng các tài liệu lưu trữ. Đây sẽ là đề tài hết sức quan trọng nếu như Quốc hội chuẩn y việc thành lập một ủy ban điều tra riêng. Còn một chi tiết khá thú vị nữa: những chi tiết đặc biệt bí mật trên dường như đã tới tay giới báo chí Đức từ phía... người Mỹ. Theo khẳng định của một nguồn tin nặc danh từ DIA, đã có ít nhất hai điệp viên BND tại Baghdad trực tiếp liên hệ với các đồng nghiệp Mỹ để tham gia vào cuộc chiến Iraq

Thái Quân (tổng hợp)
.
.