Yêu cầu lật lại hồ sơ vụ án David Kelly

Thứ Sáu, 08/09/2006, 10:30

Từ cuối tháng 7/2006, nước Anh lại bắt đầu sôi động với những chi tiết điều tra mới về cái chết bí ẩn của chuyên gia vũ khí hóa học David Kelly. Vụ việc xảy ra năm 2003 này đã kéo theo sự từ chức của toàn bộ ban lãnh đạo Hãng BBC, cố vấn cao cấp của Tony Blair, thậm chí còn đe dọa đến chiếc ghế của chính Thủ tướng Anh.

Năm 2003, giả thuyết tự sát được các nhà điều tra đưa ra đã không thể thuyết phục được công luận, cho dù những người phản đối đã không thể tìm ra bằng chứng phản bác. Vụ án đã có một bước ngoặt mới, sau khi nghị sĩ Norman Baker đưa ra những tài liệu điều tra riêng của mình. Theo đó, cái chết của Kelly không thể được giải thích bằng lý do tự sát...

“Điều gì sẽ xảy ra nếu quân đội chúng ta tràn vào Iraq? Người ta sẽ tìm thấy xác tôi ở đâu đó trong rừng” - đó chính là những lời tâm sự của David Kelly ngay từ tháng 2/2003 với người bạn thân là quan chức ngoại giao David Braucher. Quân đội Anh đã vào Iraq tháng 3/2003. Đến tháng 7/2003, thi thể Tiến sĩ Kelly được phát hiện tại khu rừng nằm cách nhà riêng ở Oxfordshire khoảng 5 dặm.

Trở lại với thời điểm trước khi liên quân Anh - Mỹ vào Iraq. Ngày 29/5/2003, BBC cho phát chương trình của phóng viên Andrew Gilligan, trong đó buộc tội Thủ tướng Tony Blair và cố vấn Alister Campbell về việc cố tình giả mạo một số dữ kiện trong hồ sơ về vũ khí hủy diệt của Iraq. Ngay sau đó, chính quyền Anh đã quyết định trả đũa khi triển khai một cuộc chiến thực sự với Hãng BBC, cũng như ráo riết tìm ra nhân vật đã để lộ thông tin cho Gilligan. Nguồn “rò rỉ” cuối cùng đã được tìm thấy: đó là chuyên gia vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bộ Quốc phòng David Kelly. Cuối cùng, Kelly đã nhận được kết cục đúng như mình đã dự đoán từ trước.

Kết quả điều tra về vụ tự sát của Kelly được đón nhận với thái độ hoài nghi thực sự, trong khi cái chết này là cực kỳ “có lợi” cho chính Thủ tướng Tony Blair. Phải tới 3 năm sau, Norman Baker mới là người dũng cảm tìm cách phản bác lại kết luận này.

Những chi tiết đầy nghi vấn

“Nếu muốn người ta tin mình, anh phải làm mọi thứ sao cho giả thuyết mình bảo vệ có vẻ gần giống sự thật nhất”. Nhưng theo ý kiến của Norman Baker, kẻ sát hại Kelly trên thực tế đã không làm được như vậy. Theo giả thuyết được công bố chính thức, Kelly ra khỏi nhà vào ngày 18/7/2003, mang theo hàng chục viên thuốc gây tê mạnh cùng với một con dao trong túi. Đi sâu vào một góc rừng gần nhà, ông ta uống thuốc, dùng dao cắt ven tay trái, rồi chết sau đó vài giờ vì mất máu nhiều. Hai người tình cờ đi qua đã phát hiện xác Kelly và báo cho cảnh sát. Vào thời điểm đó, cảnh sát đã triển khai các hoạt động tìm kiếm, sau khi nhận được thông báo từ người nhà nạn nhân.

Baker đã vạch ra một loạt những điểm vô lý. Kelly là một tín đồ rất sùng đạo, luôn coi tự sát là điều đáng lên án. Những tài liệu tìm thấy trong máy tính của ông cho thấy, Kelly dù rất buồn bực trước những sức ép của chính phủ đối với mình, tuy nhiên không hề nghĩ đến chuyện tự sát. Hơn nữa, ông còn đang rất tích cực chuẩn bị cho đám cưới sắp tới của cô con gái.

“Tôi đã hỏi rất nhiều chuyên gia rằng, có bao nhiêu người tại Anh đã chết trong năm 2003 vì một vết thương tương tự như đã phát hiện trên thi thể Kelly và nhận được câu trả lời bất ngờ duy nhất: “Chỉ có một. Đó là Tiến sĩ Kelly” - Norman Baker cho biết. Theo ý kiến của một số nhà giải phẫu bệnh lý nổi tiếng, vết thương mà David Kelly đã làm trên tay mình không thể chảy nhiều máu dẫn tới cái chết. Baker còn nói thêm: “Theo giả thuyết của chính quyền, David Kelly đã mang theo và uống toàn bộ 29 viên thuốc gây tê. Tuy nhiên, việc phân tích máu sau đó cho thấy, ông ta chỉ uống có... nửa viên”.

Theo Norman Baker, chiếc ghế nghị sĩ cũng không thể giúp ông có được hồ sơ điều tra vụ Kelly của cảnh sát. Nhưng ông lại tìm ra những chi tiết đáng ngờ ngay trong tài liệu được đăng công khai trên trang web của cảnh sát trên Internet. Theo đó, chiến dịch “Người thợ nề” - thực chất là tên gọi chiến dịch tìm kiếm Kelly theo yêu cầu của gia đình, sau đó là điều tra cái chết bi kịch của ông - lại được bắt đầu vào lúc 14 giờ 30 phút ngày 18/7/2003, có nghĩa là sớm hơn 9 giờ từ khi bà Jenis Kelly vì lo sợ sự vắng mặt lâu của chồng đã gọi điện cho cảnh sát yêu cầu tìm kiếm. Hơn nữa lúc 14 giờ 30 phút, David Kelly lại đang ngồi ở nhà và trả lời các bức thư điện tử của mình.

“Tôi đã không thể tìm ra lời giải thích thỏa đáng nào cho “khả năng tiên tri đáng ngạc nhiên của cảnh sát” - Baker nhận xét như vậy.

Những hành động tiếp theo của cảnh sát đã làm nảy sinh một loạt thắc mắc. Thay cho việc ngay lập tức bắt tay tìm kiếm, họ cho dựng một chiếc ăngten lớn ngay trong vườn nhà Kelly (mục đích sử dụng của nó hiện vẫn còn là một bí ẩn), sau đó đuổi bà Jenis Kelly ra ngoài đường rồi lục soát rất kỹ khắp căn nhà. Theo nhận xét của những cảnh sát viên không dính líu tới vụ điều tra, hành vi của những người tham gia chiến dịch trên là “chẳng giống ai”. Những nhân chứng đầu tiên tìm thấy Kelly là Louis Holmes và Paul Chapman cho biết, thi thể ông khi đó đang tựa vào gốc cây, còn xung quanh không hề có đồ vật gì. Còn trong báo cáo chính thức của cảnh sát, thi thể Kelly nằm dài trên mặt đất, bên cạnh là con dao và chai nước khoáng đã hết một nửa. Các điều tra viên sau đó không hiểu vì lý do nào đã không đi sâu tìm cách giải thích sự khác biệt này.

Còn một bí ẩn đáng ngờ nữa. Trong danh sách 43 chuyên gia pháp y để giải phẫu tử thi, nhân viên điều tra đã chọn lựa nhân vật được coi là có kinh nghiệm khiêm tốn nhất (thông thường những vụ quan trọng như vậy thường có ít nhất 2 chuyên gia pháp y tham gia). Norman Baker không có ý buộc tội Tiến sĩ Hunt, người đã trực tiếp xét nghiệm tử thi Kelly. Ông chỉ nhấn mạnh quyết định lựa chọn người này được ký, ngay sau khi quan chức phụ trách điều tra vùng Oxfordshire có cuộc gặp gỡ với các đại diện từ Bộ Nội vụ.

Câu hỏi từ người đứng đầu cuộc điều tra

Cái chết của Tiến sĩ Kelly khi đó đã gây ra một vụ bê bối thực sự trên chính trường Anh. Ngay cả những người sẵn sàng ủng hộ giả thuyết tự sát của Kelly cũng lên tiếng yêu cầu chính phủ phải điều tra rõ ai là người có lỗi trong vụ tự sát này. Để trấn an dư luận Chính phủ Tony Blair đã tuyên bố thành lập một Ủy ban điều tra đặc biệt có những thẩm quyền hoàn toàn độc lập. Huân tước Hutton lãnh đạo Ủy ban này cũng có nhiều điều đáng nói. Thứ nhất, ông ta chưa bao giờ lãnh đạo một vụ điều tra có quy mô tương tự. Thứ hai, những phán quyết trước đó trong công việc của Hutton cho thấy, ông ta luôn đưa ra những kết luận cực kỳ có lợi cho chính phủ. Người lựa chọn Hutton không ai khác là Huân tước Charles Falconer, một người bạn thân của Tony Blair.

Kết luận của Ủy ban điều tra do Hutton đứng đầu là điều tất cả đã dự đoán trước: David Kelly đã tự sát và không có ai khác dính dáng vào vụ này. Mọi tội lỗi về vụ án trên được đổ lên đầu chính nạn nhân và các phóng viên Hãng BBC. Đồng thời với kết luận trên là quyết định chính thức đóng lại vụ án.

“Norman đã làm được một việc lớn. Kết quả điều tra của ông có thể gây ra những tác động chính trị nghiêm trọng - Một số nhà quan sát đã bình luận như vậy về những công bố mới nhất của Norman Baker - Tuy nhiên, việc bác bỏ lại quyết định của Ủy ban Hutton trên thực tế gần như là không thể. Trong khi phán quyết này vẫn có hiệu lực, hồ sơ của vụ Kelly được coi là đã đóng lại”. Trong khi phán quyết của Ủy ban Hutton là điều có lợi cho Chính phủ Tony Blair, việc nghị sĩ Norman Baker yêu cầu lật lại vụ án rõ ràng là điều khó có thể được chấp nhận

Linh Nga (tổng hợp)
.
.