Yuri Drozdov, trùm điệp viên huyền thoại thời Chiến tranh lạnh

Thứ Bảy, 01/07/2017, 11:37
Yuri Drozdov chỉ cần 7 năm để huấn luyện một đội ngũ điệp viên giỏi hoạt động bí mật suốt nhiều thập niên ở nước ngoài dưới tên giả hoặc nhân thân vay mượn từ người đã chết. Yuri Drozdov, cựu lãnh đạo bộ phận Directorate S của cơ quan tình báo nổi tiếng Liên Xô KGB, biết rất rõ cần phải làm gì để chuẩn bị cho một cá nhân thực hiện sứ mệnh gián điệp thành công.

Ông có biệt tài huấn luyện điệp viên KGB cách nói chuyện, suy nghĩ và hành động không khác gì chính người phương Tây và Mỹ. Yuri Drozdov, người tổ chức một trong những chương trình gián điệp tuyệt mật của tình báo Xôviết, mới vừa qua đời ngày 21-6-2017 ở tuổi 91.

Mạng lưới điệp viên KGB ở Mỹ và phương Tây đi lang thang trong các nghĩa trang để tìm kiếm ngôi mộ những đứa trẻ có cùng độ tuổi với những tân binh đang được huấn luyện để hoạt động ở nước ngoài - đây là cách hiệu quả nhất để đánh cắp danh tính thật trong thời đại trước khi xuất hiện Internet. Sau đó là giai đoạn làm giả giấy khai sinh và tạo dựng một “lý lịch” hoàn hảo cho tân binh của KGB.

Yuri Drozdov.

Các nhà thờ cũng được hối lộ nhiều tiền để mọi giấy tờ chứng tử của nhân thân vay mượn được xóa sạch. Đây là công việc đòi hỏi sự chính xác cao độ để tránh bị cơ quan phản gián của Mỹ và phương Tây phát hiện. Không giống như các điệp viên “hợp pháp” tức là những người hoạt động dưới vỏ bọc nhà ngoại giao hay quan chức, mạng lưới “bất hợp pháp” của Yuri Drozdov chỉ là những lao động bình thường sống trong vùng ngoại ô và không hề được bảo vệ bởi quyền đặc miễn ngoại giao nếu không may bị nước sở tại phát hiện bắt giữ.

Trong cuộc phỏng vấn của tờ báo Nga Rossiiskaya Gazeta, Yuri Drozdov kể câu chuyện về một cặp đôi “bất hợp pháp” giả làm vợ chồng được triển khai đến Mỹ qua đường Tây Đức: “Khi hoạt động ở New York, tôi thỉnh thoảng lái xe ngang qua nhà họ và liếc nhìn vào cửa sổ”. Nhưng, Drozdov không bước vào căn nhà bởi vì sự gặp mặt là rất nguy hiểm. Vấn đề là, “không có sự tiếp xúc trực tiếp với những điệp viên bất hợp pháp”.

Khi thông báo về cái chết của Yuri Drozdov, Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR) chỉ mô tả ông là “sĩ quan Nga chân chính, một người đứng đắn và một chỉ huy thông minh”. Yêu cầu đối với điệp viên “bất hợp pháp” là “lòng can đảm, có ý chí mạnh mẽ, đầu óc tập trung, khả năng dự đoán nhanh mọi tình huống, không dễ bị stress, thông thạo ngoại ngữ...

Cây cầu Glienicke.

Nhiều chi tiết về cuộc đời và các chiến dịch mật do Yuri Drozdov chỉ huy còn nằm yên trong cơ quan lưu trữ an ninh của Nga mà chưa được giải mật. Năm 2010, nhóm 10 “điệp viên bất hợp pháp” của Yuri Drozdov bị bắt giữ ở New York. Trong đó, vì nhiệm vụ mà một số phải chấp nhận sống chung như vợ chồng và thậm chí có con với nhau. Về sau nhóm này được thả trong chương trình trao đổi điệp viên ngầm với Mỹ.

Câu chuyện nhóm 10 điệp viên được kể trong chương trình truyền hình Mỹ “The Americans”, trong đó mô tả một cặp vợ chồng gián điệp Nga làm việc cho một công ty du lịch ở vùng ngoại ô New York vào ban ngày và hoạt động bí mật vào ban đêm. Yuri Drozdov chào đời ngày 19-9-1925 ở Minsk, thủ đô Belarus. Ông phục vụ trong quân đội Nga khi Chiến tranh thế giới lần 2 nổ ra và gia nhập KGB năm 1956.

Sau chiến tranh, Drozdov làm việc với cơ quan tình báo Stasi ở Đông Đức. Drozdov đóng vai trò chính trong cuộc sắp xếp cuộc trao đổi Francis Gary Powers (viên phi công lái máy bay do thám Mỹ U-2 bị Liên Xô bắn rơi và bắt giữ năm 1960) với điệp viên Nga Rudolf Abel diễn ra trên cây cầu Glienicke ở nối liền Tây Berlin và thành phố Potsdam ở Đông Đức năm 1962.

Rudolf Abel (tên thật là William Fischer) làm gián điệp cho Moskva ở Mỹ từ năm 1948 và bị Mỹ bắt năm 1957 vì tội đánh cắp bí mật hạt nhân của nước này. Drozdov mang vỏ bọc nhà ngoại giao để hoạt động ngầm ở Trung Quốc (từ năm 1964 đến 1968) và ở Mỹ (từ năm 1975 đến 1979).

Tháng 12-1979, tướng Yuri Drozdov lãnh đạo lực lượng sĩ quan KGB mở cuộc tấn công chớp nhoáng kéo dài 43 phút vào cung điện Tổng thống Afghansitan Hafizullah Amin dẫn đến cái chết của người này. Về sau, một lãnh đạo Nga mô tả cuộc tấn công bất ngờ là “hoàn hảo” và “tuyệt đối chưa từng xảy ra”.

Rudolf Abel.

Cuộc tấn công khiến cho 55 sĩ quan Xôviết và 189 người Afghanistan bị giết chết - theo Jonathan Haslam, nhà sử học người Anh về chính sách đối ngoại và hoạt động tình báo của Liên Xô. Vài hôm sau cuộc tấn công, Yuri Drozdov đề nghị lãnh đạo KGB lúc đó là Yuri Andropov thành lập đơn vị đặc nhiệm tình báo mới đặt tên là “Vympel” để thực hiện các chiến dịch bí mật ở Afghanistan và Chechnya.

Drozdov được giới truyền thông phương Tây ca ngợi là “điệp viên huyền thoại”, còn Frederick Forsyth - nhà văn và cựu điệp viên người Anh - đánh giá ông là một trong những trùm gián điệp viên lừng lẫy nhất của Nga.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.