Afghanistan: Hợp tác tình báo với Pakistan là “bán mình cho kẻ thù”

Thứ Năm, 04/06/2015, 14:15
Tổng thống Ashraf Ghani tiếp tục gây sóng gió trong chính trường Afghanistan bằng việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, tình báo với nước láng giềng Pakistan. Giới chức tình báo nước này bày tỏ sự không hài lòng với quyết định này, trong khi giới chính trị gia và truyền thông cáo buộc Tổng thống Ashraf Ghani và Chính phủ Afghanistan phản bội lợi ích đất nước, “bán mình cho kẻ thù".

Quân đội Pakistan, chủ quản của Cơ quan Tình báo Liên cơ quan (ISI), và Ban giám đốc An ninh Quốc gia (NDS), Cơ quan Tình báo của Afghanistan, đã đồng loạt xác nhận với báo chí việc các cơ quan an ninh hai nước Afghanistan và Pakistan hồi tuần trước đã ký kết bản ghi nhớ  thỏa thuận chia sẻ tình báo và huấn luyện, trong đó Pakistan sẽ giúp huấn luyện và trang bị phương tiện kỹ thuật cho các sĩ quan tình báo Afghanistan, tham gia cùng an ninh Afghanistan khảo cung các nghi can khủng bố và tham gia thực hiện các chiến dịch phối hợp.

Việc ký kết hợp tác này được xem là một bước đi gây sửng sốt của NDS, vì từ lâu nay NDS luôn cáo buộc Cơ quan tình báo Pakistan ISI đã chỉ đạo cho Taliban gây bất ổn ở Afghanistan. Tuy nhiên, Tổng giám đốc Rahmatullah Nabil và một số quan chức cao cấp khác của NDS đã từ chối tham gia ký kết thỏa thuận bất chấp áp lực từ Tổng thống Ghani, vì vậy một phó tổng giám đốc NDS đã thay ông tham gia ký kết. Những người chống lại thỏa thuận chia sẻ tình báo nói rằng, Tổng thống Ghani và Cố vấn An ninh quốc gia Hanif Atmar đã bỏ qua ông Nabil và các quan chức NDS để đứng ra chủ trì việc ký kết thoả thuận.

Đây là hành động cực kỳ mạo hiểm của Tổng thống Ghani khi ông thúc đẩy thực hiện mục tiêu tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề Taliban. Từ khi thắng cử lên nắm quyền vào năm 2014, ông Ghani đã quyết tâm thuyết phục Pakistan chịu đứng ra làm trung gian để Afghanistan đàm phán với Taliban bằng cử chỉ chấp nhận những nhượng bộ mà dưới thời Tổng thống Hamid Karzai không thể có được.

Tuy nhiên, Tổng thống Ghani đã khiến cho phái diều hâu bảo thủ ở Afghanistan điên tiết với việc đưa các học viên an ninh của Afghanistan sang đào tạo tại Học viện Đào tạo sĩ quan của Pakistan và sử dụng nguồn lực eo hẹp của đất nước để giúp Pakistan chiến đấu chống các phiến quân đang trốn tại Afghanistan. Và chuyến thăm của Tổng thống Ghani đến văn phòng của Tổng tư lệnh quân đội Pakistan tại thành phố Rawalpindi vào tháng 11/2014 cũng bị nhiều người chỉ trích là làm nhục quốc thể.

Có vài dấu hiệu cho thấy chiến lược hòa hoãn Pakistan của ông Ghani có vẻ mang lại một số hiệu quả tích cực, chẳng hạn như việc các đại diện của Taliban và Afghanistan đã gặp nhau nói chuyện không chính thức tại Qatar vào đầu tháng 5/2015. Trung tuần tháng 5, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã đến Kabul và có bài phát biểu trong đó công khai chỉ trích Taliban tiến hành hoạt động khủng bố mùa hè - một cử chỉ chưa từng có của lãnh đạo Pakistan. Tuy nhiên, những kết quả ngoại giao đạt được nêu trên vẫn quá khiêm tốn.

Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (bên phải) trong lần gặp gần đây.

Tổng giám đốc NDS Nabil là một trong số những người chống lại thỏa thuận chia sẻ tình báo. Và việc ông bị gạt ra ngoài khi ông Ghani gặp gỡ người đứng đầu ISI Rizwan Akhtar vào năm ngoái là có nguyên do. Xin nhắc lại, quan hệ giữa Afghanistan với Pakistan cho đến trước khi ông Ghani lên nắm quyền không mấy thuận thảo, vì Afghanistan dưới thời Tổng thống Hamid Karzai luôn cáo buộc Pakistan đứng đằng sau hậu thuẫn cho Taliban gây ra các vụ tấn công khủng bố gây bất ổn Afghanistan.

Cho đến trước khi thỏa thuận chia sẻ tình báo bất ngờ được ký kết, Cơ quan Tình báo Afghanistan NDS cũng xem Cơ quan Tình báo ISI Pakistan là kẻ chuyên "chơi gác" Afghanistan từ trước đến nay. Khi được Tổng thống Karzai bổ nhiệm lãnh đạo NDS cách đây hơn một năm, Nabil đã tìm cách thể hiện cho Pakistan thấy tình báo Afghanistan không dễ "bắt nạt" như trước nữa. Hành động quan trọng nhất của ông Nabil là nỗ lực tuyển mộ Latif Mehsud, chỉ huy số 2 của Taliban Pakistan, làm nội gián bên trong hàng ngũ Taliban Pakistan, khiến lãnh đạo Pakistan nổi giận. Vì việc này, Islamabad luôn làm đủ cách để ép Tổng thống Ghani sa thải Nabil nhưng chưa được.

Đa số giới chính khách ở Kabul đều cho rằng thỏa thuận tình báo lẽ ra không được ký kết. Cựu Tổng thống Karzai hôm 20/5 cũng lên tiếng yêu cầu Tổng thống Ghani lập tức hủy bỏ thỏa thuận đã ký, bởi ông lo ngại sự hợp tác này sẽ khiến Afghanistan chịu thiệt thòi nhiều hơn. Amrullah Saleh, cựu Tổng giám đốc NDS giai đoạn 2004-2010, đánh giá việc ký thỏa thuận đó là một hành động đáng xấu hổ, và cho rằng thỏa thuận này sẽ "khó sống" bởi sự phản đối dữ dội của nhiều giới ở Afghanistan.

Hôm 18/5, một lãnh đạo Quốc hội Afghanistan đã ra lệnh cho Ủy ban Quan hệ quốc tế của Quốc hội triệu tập các quan chức NDS đến giải trình về thỏa thuận chia sẻ tình báo. Trước phản ứng quá gay gắt của dư luận, Chính phủ Afghanistan đã chọn phương án không chính thức thông báo thỏa thuận đã được ký, đồng thời phủ nhận một số điều khoản thỏa thuận như báo chí đã đăng, như việc tình báo Pakistan trang bị và huấn luyện cho tình báo Afghanistan.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.