Abu Sayyaf , mối kinh hoàng ở Philippines:

Ăn miếng trả miếng! (bài cuối)

Thứ Ba, 01/03/2016, 16:10
Và không chỉ các chiến binh nội địa, ASG còn được sự hỗ trợ của những tay súng “ngoại nhập”. Theo Tư lệnh Các Lực lượng vũ trang Philippines - tướng Hernando Iriberri - có ít nhất 9 tên khủng bố nước ngoài đã đến đảo Mindanao từ nhiều năm trước, trong đó có 4 công dân Malaysia là Muhammad Binawang Raimee, Mahmud bin Ahmad, Mohammad Amin Baco và Jeknal bin Adil. Những tên này đã chuyển giao cho ASG kỹ thuật chế tạo bom từ những vật liệu dễ tìm.


Những cuộc trả thù của ASG

Sau khi tổng hợp tất cả các dữ liệu do những con tin đã được trả tự do cung cấp những gì mắt thấy tai nghe trong thời gian bị ASG cầm tù, cộng với những tin tức tình báo, ngày 21-12-2015, quân đội Philippines gồm Lữ đoàn Bộ binh 104, Tiểu đoàn 3 Biệt động quân, Tiểu đoàn 4 Lực lượng đặc biệt và Tiểu đoàn Khinh binh số 12, được yểm trợ bởi pháo binh và trực thăng vũ trang đã mở cuộc tấn công vào căn cứ địa Al-Barka của ASG trên đảo Basilan.

Các vật liệu chế tạo bom của ASG ở Basilan bị quân ðội Philippines tịch thu.

Các bức ảnh chụp bởi máy bay trinh sát cho thấy đây là một khu vực rộng khoảng 30.000m² bao gồm 28 doanh trại có sức chứa 250 người nhưng vào thời điểm nổ ra cuộc tấn công, chỉ có chừng 150 tay súng ASG ở đó. Vẫn theo tin tình báo, trong khu trại này, ASG đang cầm giữ 4 con tin gồm 2 người Canada, 1 người Na Uy và 1 phụ nữ Philippines để đòi 60 triệu USD tiền chuộc.

Cuộc tấn công diễn ra vào lúc mờ sáng. Tuy nhiên, khi tiến vào Al-Barka, một quả bom giấu trong trại - được chế tạo từ một chiếc bình gas đã phát nổ khiến 10 binh sĩ Philippines bị thương. Gần 2 tiếng sau, lại có thêm một số binh sĩ khác bị thương bởi những tay súng ASG bắn tỉa.

Trong suốt 7 ngày sau đó, những cuộc đụng độ lẻ tẻ liên tiếp nổ ra. Theo phát ngôn viên quân đội Philippines là ông Filemon Tanwas thì địa hình Al-Barka phần lớn là rừng rậm và đồi núi, không thuận tiện cho việc triển khai xe tăng, xe bọc thép nên tốc độ của cuộc hành quân diễn ra khá chậm. Trong một ngày, họ chỉ tảo thanh được một khu vực rộng khoảng 5.000m².

Đến cuối ngày thứ 7 của cuộc hành quân, các binh sĩ Philippines đã đẩy lùi toàn bộ nhóm ASG ra khỏi căn cứ Al-Barka, giết chết 26 tên khủng bố, trong đó có Abu Mohammad Sayyad Najib Hussein, người Malaysia, còn được gọi là Abu Anas. Cái chết của Abu Anas là cú sốc lớn đối với ASG bởi lẽ y là một tay chế tạo bom tầm cỡ của IS ở Malaysia. Bị Chính phủ Malaysia truy nã, Abu Anas trốn sang Philippines rồi gia nhập ASG. Cùng trốn đi với y còn có 2 thành viên IS Malaysia là Mahmud Ahmad, bí danh Abu Handzalah, giáo sư Đại học Malaya và Selayang Muhammad Joraimee, nhân viên hội đồng Đại học Malaya. Hiện cả 2 tên này vẫn ẩn náu đâu đó ở miền Nam Philippines.

Để trả đũa, vài ngày sau 50 tay súng ASG đã phục kích, bắn vào 2 chiếc xe tải chở hơn 60 người dân - bao gồm cả phụ nữ và trẻ em trên đường đi thăm thân nhân khiến 18 người chết và hàng chục người bị thương. Vụ việc xảy ra tại thị trấn Talipao, cách thủ đô Manila khoảng 950km, nơi dân cư chủ yếu là người Hồi giáo. Theo Chuẩn tướng Martin Pinto, động cơ của vụ thảm sát này có thể bắt nguồn từ việc nhiều người dân ở Talipao đã tích cực tham gia một lực lượng an ninh dân sự, được gọi là Barangay nhằm hỗ trợ cảnh sát chống lại ASG vì trong số 18 người chết, có 4 thành viên Barangay.

Ngày 30-1-2016, ASG lại tiếp tục trả thù bằng cách đánh bom một quán karaoke ở thị trấn Jolo, tỉnh Sulu, do 2 tên Namil Ahajari Alias Gapas và Roger Saji thực hiện. Vụ nổ chỉ gây thiệt hại tài sản chứ không có thương vong về người. Theo một nhân viên bảo vệ của quán karaoke thì có 2 gã đàn ông đi trên một chiếc xe gắn máy. Sau khi dừng lại gần cửa ra vào, một tên bỏ cái túi xách đang khoác trên vai xuống sát bức tường của quán karaoke và châm thuốc lá hút như thể đang đợi ai đó.

Chừng vài phút, gã leo lên xe rồi cả hai bỏ đi. Do phải đón khách nên nhân viên bảo vệ này không chú ý đến chiếc túi xách. Một lát, nó phát nổ. Tướng Alan Arrojado, Chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm tỉnh Sulu cho biết quả bom được kích nổ bằng điện thoại di động, và vụ đánh bom là một phần của chiến thuật nghi binh do ASG thực hiện nhằm giảm bớt áp lực tấn công của quân đội Philippines nhắm vào các căn cứ của ASG. Vẫn theo Alan Arrojado, tin tức tình báo cho thấy các mục tiêu mà ASG ưu tiên đánh bom gồm doanh trại Kakuyagan, nơi cư trú của các nhân viên quân sự và đường Serrantes ở trung tâm thị trấn Jolo,  nơi các sĩ quan Philippines thường hay lui tới giải trí.

Trước đó, ngày 28-1-2016,  Đơn vị tình báo đặc biệt số 15 Philippines phát hiện 2 phần tử khả nghi đi trên một chiếc xe gắn máy không biển số đăng ký, chở theo một chiếc nồi lớn lượn lờ nhiều vòng trên đại lộ Roxas - là nơi sầm uất nhất thành phố Isabela, đảo Basilan. Khi biết bị lộ, 2 tên khủng bố đã ném lại chiếc nồi rồi tẩu thoát. Lập tức, đơn vị xử lý chất nổ K9 được điều tới. Kết quả cho thấy trong chiếc nồi bằng thép không gỉ dày 3mm có một quả bom tự chế, gồm 3kg Ammonium Nitrat, một điện thoại di động nối liền với 2 diod điện trở 1.000 Ohm cùng 1 điện trở 2.200 Ohm và 1 bộ chỉnh lưu. Các cuộc thực nghiệm sau đó cho thấy nếu “quả bom nồi” phát nổ,  tầm sát thương bán kính 120m.

Và không chỉ các chiến binh nội địa, ASG còn được sự hỗ trợ của những tay súng “ngoại nhập”. Theo Tư lệnh Các Lực lượng vũ trang Philippines - tướng Hernando Iriberri - có ít nhất 9 tên khủng bố nước ngoài đã đến đảo Mindanao từ nhiều năm trước, trong đó có 4 công dân Malaysia là Muhammad Binawang Raimee, Mahmud bin Ahmad, Mohammad Amin Baco và Jeknal bin Adil. Những tên này đã chuyển giao cho ASG kỹ thuật chế tạo bom từ những vật liệu dễ tìm.

Một trong các vụ khủng bố có bàn tay của những chiến binh “ngoại nhập” là vụ đánh bom nhà ga ở cảng Lamitan, đảo Basilan. Vụ nổ làm hư hại một bể nước và nhiều cửa sổ bị vỡ nhưng may mắn không có thương vong về người. Ông Gean Gallardo, Cảnh sát trưởng cảng Lamitan cho biết bom phát nổ ở phía bên trái  lối ra vào nơi tập trung các thiết bị bốc dỡ hàng hóa. Có vẻ như đây là một vụ “ăn miếng trả miếng” sau khi tên khủng bố người Malaysia là Zulkifli bin Hir và Sucipto Ibrahim Ali, tên khủng bố người Indonesia cùng 6 tay súng ASG bị Lực lượng đặc biệt Philippines bắn chết.

Mấy ngày sau, cảnh sát phát hiện một chiếc thuyền không người điều khiển trôi dạt ở ngoài khơi đảo Sacol, thành phố Zamboanga. Trên thuyền có 3 quả bom. Tiến hành phân tích, Cơ quan An ninh Philippines nhận thấy nó có kết cấu giống như quả bom đã nổ ở cảng Lamitan.

Hapilon – Tên sát nhân máu lạnh

Bị thiệt hại về nhân lực, con số chiến binh từ hơn 1.000 người nay chỉ còn khoảng 300 người, đầu năm 2016, ASG tích cực tuyển mộ thêm thành viên và đối tượng mà chúng nhắm vào là thành phần trí thức trẻ trong tỉnh Lanao del Sur Cotabato, Maguindanao và Mindanao. 

Phần lớn lính ASG đều là trẻ em.

Một đoạn video do quân đội Philippines thu được cho thấy Isnilon Hapilon - kẻ cầm đầu ASG ở Philippines lên tiếng kêu gọi những người trẻ tuổi hãy nhanh chóng tham gia thánh chiến. Bên cạnh đó, ASG cũng gia tăng sự bành trướng vùng kiểm soát ở một số khu vực xung quanh thành phố Zamboanga trên đảo Mindanao bằng những trận tập kích vào những đồn bót nhỏ lẻ cùng những vụ hăm dọa, cưỡng bức người dân phải cầm súng cho ASG.

Sinh ngày 18-3-1966, Hapilon (có các bí danh là Abu Musab, Sol Abu, Esnilon và Salahuddin) đã tốt nghiệp ngành cơ khí Đại học Công nghệ Philippines. Ngoài tiếng Anh - là ngôn ngữ phổ thông ở Philippines, Hapilon còn nói thạo các thổ ngữ Tausug, Tagalog, Yakan. Tham gia phong trào thánh chiến ở Arab Saudi và Malaysia rồi quay về Philippines, Hapilon nhanh chóng trở thành lãnh đạo của ASG.

Năm 2002, Hapilon và 4 thành viên ASG khác gồm: Khadaffy Janjalani, Hamsiraji Marusi Sali, Aldam Tilao, và Jainal Antel Sali Jr. bị Interpol Mỹ ra lệnh truy nã toàn cầu vì đã bắt cóc 17 người Philippines và 3 người Mỹ tại khu nghỉ dưỡng Dos Palmas resort nằm trong vịnh Honda, đảo Palawan - trong đó một con tin người Mỹ bị Hapilon chặt đầu còn 2 con tin kia - một bị bắn chết, một bị thương. Đến ngày 24-2-2006, Cảnh sát liên bang Mỹ (FBI) ra tiếp lệnh “truy nã đỏ” với Hapilon, Janjalani và Jainal Sali với tội danh khủng bố. Chương trình Tư pháp của Bộ Ngoại giao Mỹ treo thưởng 5 triệu USD cho cái đầu của Hapilon.

Sự việc bắt đầu vào ngày 27-5-2001, một nhóm các tay súng ASG trên 2 chiếc thuyền máy đã bất ngờ xông vào khu nghỉ dưỡng Dos Palmas resort, bắt cóc 20 người, trong đó có 13 du khách Trung Quốc, 4 người Philippines cùng 3 du khách người Mỹ là Martin Burnham, Gracia và Guillermo Sobero. Sau đó, chúng lùa tất cả lên thuyền, chạy một mạch hàng trăm cây số về căn cứ ở Sulu, đảo Mindanao rồi đòi 1 triệu USD tiền chuộc cho mỗi con tin người Mỹ. Khi yêu sách không được đáp ứng, ngày 12-6-2001, đích thân Hapilon cầm dao chặt đầu con tin Guillermo Sobero.

Đoạn video quay cảnh chặt đầu trên đã khiến gia đình các con tin người Mỹ còn lại kinh hoàng. Họ nhanh chóng nộp cho ASG 330.000USD nhưng sau đó chẳng ai được thả. Về sau, thi thể của Guillermo Sobero được tìm thấy trong một ngôi mộ vùi lấp sơ sài ở ngoại ô Basilan.

Đến giữa tháng 10-2001, 3 con tin người Philippines gồm Bertram Benasing, Zardi và Michael Abellion trốn thoát khi họ được ASG sai đi lấy nước và chuối ở một khu vực cách xa trại giam khoảng 5km. Theo lời kể của họ, sức khỏe của 2 con tin người Mỹ là Burnhams và Martin rất kém vì ăn uống thiếu thốn, môi trường sống bẩn thỉu, chăm sóc y tế gần như không có. Đêm nào cũng vậy, họ bị xích chặt vào một thân cây.

Tháng 6-2002, các nguồn tin tình báo cho biết có nhiều dấu hiệu cho thấy ASG giam giữ con tin tại Bệnh viện Memorial, gần thành phố Lamitan. Ngày 17-6, quân đội Philippines mở cuộc đột kích vào vị trí này bằng trực thăng. Bị những tay súng ASG núp trên mái nhà bắn tỉa, 12 binh sĩ trong đó có 1 sĩ quan quân đội Philippines thiệt mạng. Phía ASG chết 20 người. Trước khi tẩu thoát, Hapilon ra lệnh bắn bỏ 2 con tin người Mỹ là Martin Burnham, Gracia và một nữ y tá người Philippines là Ediborah Yap nhưng may mắn là Garcia chỉ bị thương.

Cuối năm 2002, quân đội Philippines với sự yểm trợ của biệt kích Mỹ, đã bắt được nhóm ASG trong vụ tấn công vào Bệnh viện Memorial. Tháng 7-2004, Gracia ra làm chứng tại một phiên tòa xét xử 8 thành viên ASG gồm: Alhamzer Limbong, Abdul Azan Diamla, Abu Khari Moctar, Bas Ishmael, Alzen Jandul và Dazid Abu Sayyaf. Tại tòa, bà xác định chính họ là những người đã bắt cóc bà cùng Martin Burnham và Guillermo Sobero. Tất cả đều khai người chặt đầu Guillermo Sobero  là Hapilon nên thay vì tuyên án tử hình, 8 tên khủng bố chỉ lĩnh án tù chung thân

Tháng 4-2013, trong trận tấn công vào một căn cứ của ASG ở Basilan, quân đội Philippines đã giết chết 8 tay súng ASG và bắn bị thương Hapilon nhưng gã được đồng bọn cõng chạy thoát. Khi ấy, có tin đồn rằng Hapilon đã chết vì vết thương quá nặng nhưng cuối năm 2013 - và sau đó là năm 2014, ASG cho công bố những đoạn video, cho thấy Hapilon vẫn còn sống. Xác thực nhất, ngày 12-1-2016, Hapilon lại xuất hiện trong một đoạn video, chính thức lên tiếng cam kết trung thành với Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Iraq và Syria…

Tuy nhiên, cuối tháng 1-2016, lại có tin Hapilon bị đột quị vì tai biến mạch máu não và chưa ai kiểm chứng được sự đúng sai của thông tin này. Nhưng dù Hapilon có chết  thì sẽ lại có thêm một hoặc nhiều Hapilon nữa xuất hiện khi mà chủ nghĩa khủng bố chưa bị đánh bại hoàn toàn...

Cao Trí (theo Philippines and Abu Sayyaf)
.
.