Anh: Lùm xùm vì “quả bom” tình báo trên Sunday Times

Thứ Tư, 24/06/2015, 23:00
Chính phủ Anh đang chịu sức ép khá lớn phải trả lời các câu hỏi của công luận liên quan đến một bài báo "ném bom" trên tờ Sunday Times rằng, Cơ quan Tình báo đối ngoại MI-6 của Anh rút các điệp viên đang tham gia một số chiến dịch ở các quốc gia "đối nghịch" về nước sau khi có thông tin về việc Nga và Trung Quốc có thể đã bẻ khóa các tập hồ sơ chứa đựng các thông tin "tối mật" liên quan đến các điệp viên Anh, Mỹ đang hoạt động ở nước ngoài.

Thông tin trên được tờ Sunday Times đăng tải dẫn nguồn các quan chức cao cấp ở Phủ Thủ tướng, Bộ Nội vụ Anh và các cơ quan an ninh. Đài BBC cũng dẫn nguồn nặc danh trong Chính phủ Anh nói các điệp viên buộc phải trở về nước do e ngại việc Moscow đã tiếp cận được các thông tin mật tiết lộ thân phận và hoạt động của họ. Đây được xem là động thái thận trọng của các cơ quan tình báo Anh trước những thông tin chưa được xác thực.

Trước khi rời khỏi Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) vào năm 2013, Edward Snowden được cho là đã tải xuống hơn 1,7 triệu file tài liệu mật từ các cơ quan an ninh và tình báo của Mỹ và Anh. Khi rời Mỹ đến Hong Kong vào tháng 5/2013, Snowden đã cung cấp cho báo chí một phần trong khối tài liệu đó, trong đó tiết lộ gây chấn động thế giới về các chương trình nghe lén điện thoại và Internet số lượng lớn của NSA và Cơ quan Tình báo tín hiệu Anh (GCHQ) trên phạm vi toàn cầu. Mỹ phát lệnh truy nã Snowden, trong khi Nga cho phép Snowden tị nạn chính trị dài hạn.

Giới chức Chính phủ Anh đưa ra cáo buộc Snowden đã gây ra những thiệt hại không kể xiết cho tình báo phương Tây, đặc biệt là Anh và Mỹ. Tờ Sunday Times cũng trích dẫn nguồn Bộ Nội vụ Anh cáo buộc rằng Nga đã có chủ ý khi cho Snowden tị nạn, và không phải "tình cho không biếu không".

Edward Snowden.

Nhưng trước khi có cáo buộc của London, dư luận trong giới tình báo, nhất là tình báo Mỹ, đã lo ngại việc Nga-Trung Quốc rất nhiều khả năng tiếp cận được khối tài liệu khổng lồ NSA một khi cho phép Snowden tị nạn. Về nguyên tắc kỹ thuật, các hồ sơ của Snowden đều được lưu trữ dưới dạng mã hóa, có nghĩa là người bình thường không thể dễ dàng tiếp cận được chúng. Tờ Sunday Times trích nguồn Bộ Nội vụ Anh cho rằng việc mã hóa đó không hoàn toàn bảo đảm an ninh và có thể bị các hacker Nga và Trung Quốc "bẻ khóa" một cách dễ dàng.

Dư luận đang đặt câu hỏi về tính chân thực của các thông tin trên tờ Sunday Times, về các nguồn tin "giấu tên" và "nặc danh" trong các cơ quan chính phủ Anh. Eric King, Phó giám đốc Tổ chức Privacy International, cho rằng, nếu Downing Street và Bộ Nội vụ Anh tin rằng Nga và Trung Quốc đã tiếp cận được các tài liệu của Snowden thì tại sao Chính phủ Anh không chọn kênh chính thống để đưa ra kết luận đó mà phải tuồn thông tin qua kênh "nặc danh" cho báo chí?

Thêm những câu hỏi lớn được đặt ra: Tại sao tờ Sunday Times tung ra bài báo về vấn đề Nga, Trung Quốc giải mã hồ sơ Snowden khiến Chính phủ Anh tung ra quyết định rút điệp viên về nước vào thời điểm này? Tại sao Nhà Trắng và cộng đồng tình báo Mỹ không nêu vấn đề này mà chỉ có ở Anh? Và liệu có thật sự Nga và Trung Quốc đã tiếp cận các tài liệu của Snowden hay không? Nếu quả thật Nga và Trung Quốc đã tiếp cận các hồ sơ mật do Snowden tiết lộ, 2 quốc gia này đang nắm trong tay những lá bài quan trọng để mặc cả với Mỹ và Anh trong các trao đổi ngầm.

Tờ Sunday Times viết rằng "không rõ Nga và Trung Quốc đã "lấy trộm" dữ liệu của Snowden hay chính anh này "tự nguyện trao" các tài liệu mật đó cho Nga và Trung Quốc để được tự do cư trú ở Hong Kong và tị nạn ở Nga". Tờ The Guardian cho biết, Snowden đã nhiều lần tuyên bố là đã trao tất cả tài liệu có trong tay cho các nhà báo khi lưu lại Hong Kong và không còn mang tài liệu nào theo bên người khi đến Nga. Trong khi đó, tờ Sunday Times và Đài BBC cũng không nêu rõ việc Nga và Trung Quốc tiếp cận các tài liệu của Snowden diễn ra ở đâu.

Trụ sở Cơ quan Tình báo đối ngoại MI-6 của Anh.

Tờ Guardian nêu chi tiết: Bài báo xuất hiện trên Sunday Times chỉ vài ngày sau khi David Anderson, một luật sư Hoàng gia do Thủ tướng David Cameron bổ nhiệm, tung ra báo cáo dài 373 trang về kết quả rà soát luật pháp chống khủng bố của Anh. Ông Anderson là người phê bình gay gắt hệ thống giám sát các cơ quan do thám Anh và đã đưa ra một loạt kiến nghị cải tổ luật pháp về do thám. Trong khi đó, một dự luật do thám mới đang chuẩn bị đưa ra thảo luận để thông qua tại Quốc hội Anh vào thời gian tới và đang hứa hẹn sẽ có tranh cãi gay gắt

 Tờ Guardian trích lời nghị sĩ David Davis của đảng Bảo thủ cho rằng việc sử dụng nguồn tin nặc danh một trong các thủ thuật quen thuộc để tạo ra các câu chuyện trên báo chí và thời gian xuất hiện của bài báo hoàn toàn thuận lợi cho Chính phủ Anh. Nếu không có các tiết lộ mới nhất về hồ sơ Snowden thì việc xem xét cải tổ luật do thám sẽ gặp rất nhiều khó khăn, hầu như là không thể.

Với nhiều câu hỏi được đặt ra nêu trên và những lập luận của các nghị sĩ, giới chuyên gia về tình báo ở Anh, rất có thể việc MI-6 thông báo rút điệp viên về nước chỉ là động thái thường xuyên. Ít nhất cách đây 18 tháng, tình báo Anh đã có động thái luân chuyển điệp viên để đề phòng bất trắc do hậu quả từ việc Snowden tiết lộ hồ sơ tình báo. Vì vậy lần này có lẽ cũng không nằm ngoài kế hoạch đó.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.